"Việc đưa ra quyết định về tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý không phụ thuộc vào Điện Kremlin. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố điều này hoàn toàn phụ thuộc vào người dân sống trên những vùng lãnh thổ đó, để họ tự quyết định về tương lai của mình", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với phóng viên trong cuộc họp báo ở Moskva hôm 2/6.
Bình luận của ông Peskov được đưa ra sau khi lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Leonid Slutsky nói rằng các cuộc trưng cầu dân ý ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, miền đông Ukraine, và các tỉnh Kherson, Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, sẽ được tổ chức vào mùa hè này.
"Thứ nhất, đó phải là ý nguyện của nhân dân, thứ hai, phải có các điều kiện thích hợp để tổ chức trưng cầu dân ý", người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.
Khi một phóng viên đề nghị nêu rõ bản chất các điều kiện có thể để tổ chức trưng cầu dân ý, ông Peskov lý giải "rõ ràng vào những thời điểm khi an ninh không được đảm bảo hoàn toàn, do chúng tôi chứng kiến quân đội Ukraine và người theo chủ nghĩa dân tộc liên tục tấn công những vùng lãnh thổ này, chúng tôi không thấy khả năng nói về tổ chức trưng cầu dân ý ngay bây giờ".
"Chúng tôi cần căn cứ vào nguyện vọng, mong muốn của người dân cũng như loạt điều kiện bắt buộc", ông cho hay.
Ukraine trước đó cáo buộc Nga lên kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập tại các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/5 ký sắc lệnh đơn giản hóa quy trình cấp quốc tịch Nga cho cư dân tại vùng Moskva kiểm soát ở Kherson và Zaporizhzhia.
Theo sắc lệnh, người có nguyện vọng nhập tịch không bắt buộc phải sống ở Nga, không cần chứng minh tài chính hay vượt qua bài kiểm tra ngôn ngữ Nga. Moskva cho biết họ đưa ra quy định này vì "mục đích nhân đạo".
Bộ Ngoại giao Ukraine sau đó ra tuyên bố chỉ trích động thái của Nga là "vi phạm luật quốc tế, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như các chuẩn mực, nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế". Kiev cáo buộc đây là bằng chứng cho thấy mục đích của Moskva là sáp nhập các vùng ở Ukraine do quân đội Nga kiểm soát vào khu vực pháp lý, chính trị và kinh tế Nga.
Kirill Stremousov, phó lãnh đạo chính quyền tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm, ngày 11/5 thông báo sẽ gửi yêu cầu để đưa tỉnh này "thành địa phương hoàn toàn thuộc Liên bang Nga". Tuy nhiên, ông Stremousov ngày 28/5 cho biết tỉnh Kherson sẽ không tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập Nga cho tới khi giao tranh tại đây và các tỉnh lân cận gồm Odessa và Mykolaiv kết thúc.
Năm 2014, Crimea tổ chức trưng cầu dân ý, thống nhất sáp nhập vào Nga. Ukraine phản đối và không công nhận điều này.
Nga nói rằng tình hình Donbass leo thang vào ngày 17/2, khi DPR và LPR thông báo cuộc bắn phá lớn nhất của quân đội Ukraine trong nhiều tháng, làm hư hại cơ sở hạ tầng dân sự và gây thương vong cho người dân. Bốn ngày sau, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ công nhận chủ quyền của DPR và LPR.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 24/2, Tổng thống Putin tuyên bố đáp lại yêu cầu của người đứng đầu "các nước cộng hòa" tại Donbass, ông quyết định phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Lãnh đạo Nga nhấn mạnh Moskva không có kế hoạch kiểm soát các vùng lãnh thổ Ukraine, đồng thời lưu ý chiến dịch này nhằm phi hạt nhân hóa và phi quân sự hóa Ukraine.
Sau hơn ba tháng, giao tranh đang diễn ra khốc liệt ở Donbass khi Moskva đặt mục tiêu kiểm soát hoàn toàn khu vực này. Bộ Quốc phòng Anh hôm 31/5 đánh giá Nga "đạt thành công cục bộ" trong chiến dịch tại miền đông Ukraine, song cho rằng "điều này buộc lực lượng Nga phải chấp nhận rủi ro ở những nơi khác trên vùng họ kiểm soát".
Huyền Lê (Theo TASS)