Năm 1989 Việt Nam trở lại với đấu trường SEA Games. Đó cũng chính là thời điểm điền kinh Thái Lan qua mặt Indonesia, bắt đầu vai trò thống trị ở khu vực Đông Nam Á. SEA Games 2015, điền kinh Việt Nam thành công vang dội với 11 tấm HC vàng nhưng vẫn kém vị trí số một của Thái Lan với sáu tấm HC vàng.
Tại SEA Games 2017, điền kinh Thái Lan tham dự với 80 vận động viên. Tổng thư ký hiệp hội điền kinh nước này Supawanat Ariyamongkol tuyên bố chỉ cần đạt chỉ tiêu 14 tấm HC vàng là bảo vệ được vị trí số một Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Thái Lan bể kế hoạch, chỉ giành được chín HC vàng khi bộ môn điền kinh hạ màn trên sân Bukit Jalil ngày 26/8. Trong khi đó, Việt Nam giành tới 17 tấm HC vàng. Lần đầu tiên sau 14 kỳ SEA Games, Thái Lan mất vị trí độc tôn. Sự việc gây chấn động khiến truyền thông Nhật Bản cũng phải tìm tới phỏng vấn lãnh đạo điền kinh Việt Nam để tìm hiểu.
“Đây là lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam trở lại đấu trường SEA Games, chúng ta có được vị trí đứng đầu. Cá nhân tôi không thích dùng từ đao to búa lớn để nói về việc vượt Thái Lan, điều quan trọng là điền kinh Việt Nam đã thắng chính mình”, Trưởng bộ môn điền kinh của Tổng cục TDTT Dương Đức Thuỷ chia sẻ với VnExpress.
Theo ông Thuỷ, bóng đá hay điền kinh và các môn khác không nên lấy Thái Lan làm cột mốc để đo mình.
Tại SEA Games 29, chiến công của điền kinh Việt Nam ấn tượng đến độ khi hạ màn, CĐV Malaysia, vận động viên các nước đều đến xin chụp ảnh cùng. Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch... đứng hơn tiếng đồng hồ chỉ để cười, khoe huy chương và chụp hình theo yêu cầu trên sân Bukit Jalil.
“Có được thành quả này là do điền kinh Việt Nam sớm chuẩn bị lớp kế cận. Điển hình như tại SEA Games năm nay chúng ta có Lê Tú Chinh lần đầu tiên tham dự SEA Games nhưng giành tới ba HC vàng. Thêm nữa việc sàng lọc VĐV ở Việt Nam hiện tại tốt hơn. Cuộc đua càng khốc liệt thì càng chọn được những vận động viên tài năng để đầu tư”, ông Dương Đức Thuỷ lý giải.
Với thành tích đạt 17 HC vàng, điền kinh vượt tới bảy tấm so với chỉ tiêu đề ra trước thềm SEA Games. Tuy nhiên, ông Dương Đức Thuỷ cho biết mình không bất ngờ.
“Tôi hoạch định kế hoạch, biết điền kinh có cửa nào thì không bất ngờ. Thậm chí nếu không có sự cố nhân sự vào phút cuối, chúng ta có thể có tới 20 HC vàng”, Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT nói thêm.
Sự cố mà ông Thuỷ nhắc tới là việc Trương Phương rút lui không tham dự SEA Games 2017. VĐV có bố mẹ là người Việt Nam nhưng đang sống tại Mỹ dù chỉ là sinh viên nhưng rất mạnh về môn ném, được ông Thuỷ tìm cách đưa về, tính toán chắc chắn có thể mang về hai HC vàng và một HC bạc cho điền kinh Việt Nam.
“Tôi đã đăng ký Trương Phương vào danh sách sơ bộ ban đầu dự SEA Games 29, thậm chí lo cả nơi để sau này cậu ấy thi đấu, có mức đãi ngộ tốt. Nhưng phút cuối Trương Phương điện thoại xin lỗi không về dự SEA Games 29 được do nhận được học bổng hậu hĩnh đi học. Tôi phải chấp nhận vì đó là chuyện sinh kế sau này của cậu ấy", ông Dương Đức Thuỷ tiết lộ.
Người đứng đầu điền kinh Việt Nam cho biết ông không có nhiều thời gian để ăn mừng việc lần đầu tiên trong lịch sử vượt người Thái. Ngay từ thời điểm này, điền kinh Việt Nam đã phải bắt tay vào chuẩn bị cho lớp kế cận tiếp theo, lứa những VĐV sinh năm 2000, đồng thời chuẩn bị cho mục tiêu giành thành tích tại ASIAD 2018.
“Giấc mơ của tôi là có một tấm HC vàng ASIAD rất tốt. Chúng ta có nhiều VĐV có tiềm năng đạt được điều này, điển hình như Thu Thảo nhảy xa vừa giành HC vàng SEA Games năm nay. Chỉ số của cô ấy đã vượt thành tích HC vàng ASIAD trước và còn có thể tiến thêm”, ông Dương Đức Thuỷ khẳng định.
Trong khi đó các VĐV Việt Nam thì vô cùng háo hức khi lật đổ được sự thống trị của người Thái. “Đây là một chiến tích. Việt Nam đã vượt được Thái Lan để nắm vị trí số một về điền kinh ở SEA Games. VĐV chúng tôi sẽ phải cố gắng để duy trì nó”, chủ nhân ba tấm HC vàng Nguyễn Thị Huyền chia sẻ với VnExpress.
Lâm Thỏa (từ Kuala Lumpur)