Trong bảng công bố thông tin mới đây, Công ty cổ phần Điện gió Phong Liệu - doanh nghiệp chủ quản dự án cùng tên tại tỉnh Quảng Trị - ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 124 tỷ đồng, tăng gần 2,7 lần so với năm 2021. Như vậy, trung bình doanh nghiệp này thu được hơn 300 triệu đồng mỗi ngày trong năm 2022.
Lợi nhuận tăng giúp vốn chủ sở hữu được tích lũy thêm 22,5% lên hơn 675 tỷ đồng. Nhờ đó, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 2,26 lần về 1,68 lần trong năm ngoái. Điện gió Phong Liệu đang có tổng nợ phải trả khoảng 1.135 tỷ đồng, giảm gần 9%. Trong đó, dư nợ trái phiếu hơn 800 tỷ đồng, giảm hơn 12% và chiếm hơn 70% tổng nợ.
Phong Liệu phát hành một lô trái phiếu, tổng giá trị ban đầu là 914 tỷ đồng, đáo hạn tháng 4/2035. Lãi suất năm đầu tiên 8%, giai đoạn tiếp theo thả nổi theo lãi suất tham chiếu cộng thêm 2,9%. Kỳ hạn thanh toán mỗi 3 tháng một lần.
Dự án Điện gió Phong Liệu có công suất 48 MW với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, được khởi công từ cuối năm 2019. Đây là một trong 84 dự án điện gió kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021, hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm.
Phong Liệu báo lãi giữa bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp điện gió thua lỗ nặng. Thống kê của VnExpress đến giữa tháng 5, phần lớn dự án điện gió báo cáo lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đều kinh doanh lỗ hoặc lợi nhuận suy giảm. Đa số nhóm này tập trung ở Nam Trung Bộ (gồm Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ) - khu vực từng ghi nhận thực trạng bùng nổ điện gió, công suất vượt quy hoạch vài năm trước.
Điểm chung của các doanh nghiệp thua lỗ là sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua huy động lượng lớn vốn vay từ trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao (khoảng 9-10,25% một năm). Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của nhóm này từ 4 lần trở lên, có doanh nghiệp nợ cao hơn vốn 5-6 lần. Trong khi đó, Phong Liệu chỉ ghi nhận hệ số nợ trên vốn gần 1,7 lần với lãi suất trái phiếu 8% một năm, cả hai đều ở mức thấp so với các doanh nghiệp trong ngành.
Tất Đạt