Việt Nam hiện có khoảng 35,4 triệu người sử dụng thương mại điện tử, con số này ước tính tăng thêm 6,6 triệu vào năm 2021. 5 năm qua, thị trường chứng kiến sự gia tăng không ngừng về tỷ lệ giao dịch mua sắm trực tuyến. Từ 2014 đến 2020, giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam được tính bằng tỷ USD.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định, một số lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam đang "bùng nổ" với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt đến 35%.
Những tiềm năng và thách thức trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ được bàn tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 - Vietnam Ventures Summit 2019.
Diễn ra trong 2 ngày 10/6 và 12/6, diễn đàn là nơi diễn ra đối thoại về chính sách hỗ trợ các nhóm ngành như thương mại điện tử, fintech, trí tuệ nhân tạo; đồng thời mở ra cơ hội lắng nghe nhu cầu từ cộng đồng khởi nghiệp, các quỹ đầu tư.
Thị trường thương mại điện tử Việt chứng kiến tự tăng trưởng nhanh chóng kể từ năm 2013, với doanh số bán hàng online tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 thành 6,2 tỷ USD vào năm 2017, trung bình mỗi năm đạt tăng trưởng 20%.
Các mặt hàng được bán trực tuyến phổ biến nhất là quần áo, giày dép và hàng nội địa (59%), thiết bị điện tử (47%) và đồ gia dụng (47%). Trong đó, các phương thức thanh toán, giao hàng được các doanh nghiệp vận dụng linh hoạt.
Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sự phát triển của ngành. Trong đó, Nghị định 52 về thương mại điện tử nhằm đảm bảo công bằng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống đã đóng góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thị trường.
Sự vươn mình của doanh nghiệp nội
Nhiều nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam như Tiki, Thegioididong và Sendo đều lọt vào danh sách 10 website có lượng truy cập nhiều nhất tại Việt Nam, theo Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam do iPrice Group công bố tháng 4 vừa qua.
Cụ thể, Tiki, Thegioididong và Sendo lần lượt xếp thứ 6, 7 và 8 nếu tính về lưu lượng truy cập website trung bình hàng tháng. Hai vị trí dẫn đầu lần lượt thuộc về các tập đoàn quốc tế như Lazada và Shopee.
Theo dữ liệu của iPrice, trên thị trường Việt Nam, Tiki, Thegioididong và Sendo đều có những cải tiến lớn nhằm thu hút cả lưu lượng truy cập và mua sắm của người dùng.
Tiki là công ty bán lẻ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Lượng truy cập website hàng tháng của Tiki tăng 80% chỉ trong vòng 6 tháng, đưa họ từ vị trí cao thứ tư trong số các website thương mại điện tử Việt Nam lên vị trí thứ hai vào tháng 12/2018 và đứng đầu về lượt truy cập hàng tháng vào tháng 4/2019, vượt qua cả tập đoàn quốc tế Lazada.
Tương tự, Sendo.vn cũng tăng 55% lưu lượng truy cập website hàng tháng sau 6 tháng và duy trì vị trí thứ 5 tại Việt Nam, xếp sau Thegioididong. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 80.000 cửa hàng đã được mở trên Sendo.vn, cung cấp nhiều loại sản phẩm đa dạng với danh mục hơn 5 triệu sản phẩm công nghệ từ quần áo đến phụ kiện công nghệ.
Năm 2018, Sendo.vn cũng nhận được số vốn 51 triệu USD từ quỹ SBI Holdings Nhật Bản và các nhà đầu tư khác để cải tiến sản phẩm và dịch vụ..
Đáng ngạc nhiên nhất trong danh sách là Thegioididong. Chỉ tập trung vào danh mục sản phẩm duy nhất là thiết bị điện tử, công ty bán lẻ này vẫn đạt được tỷ lệ trung bình 29 triệu lượt truy cập mỗi tháng, theo báo cáo.
Dù các doanh nghiệp đứng đầu vẫn là Lazada và Shopee, sự tăng trưởng của ba doanh nghiệp nội địa được coi là minh chứng mạnh mẽ về quy mô và tiềm năng của doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam
Thị trường rộng mở
Việt Nam được đánh giá là điểm nóng thu hút đầu tư trên toàn thế giới. Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore.
Năm 2017, Nhật Bản đầu tư tổng cộng 9,1 tỷ USD vào Việt Nam, vượt qua Hàn Quốc (8,5 tỷ USD) và coi là quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư lớn vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng bao gồm các đại gia công nghệ, công ty đầu tư mạo hiểm và các công ty đầu tư như Alibaba, Tencent, Temasek Holdings, Dragon Capital và IDG Ventures Vietnam.
Với tốc độ tăng trưởng 33% trong hai năm qua, Việt Nam xếp hạng cao trong số các thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Công ty tư vấn Frost & Sullivan của Mỹ dự báo thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt giá trị 3,7 tỷ USD vào năm 2030.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, đến năm 2020, chi tiêu trực tuyến trung bình của người dân sẽ đạt tới con số 350 USD mỗi năm. Triển vọng tăng trưởng của ngành được coi là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Hà Trương (Theo Retailnews.asia)
Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Sự kiện diễn ra trong hai ngày: 10/6 tại khách sạn Sheraton Hà Nội (Tây Hồ, Hà Nội) và 12/6 tại GEM Center (quận 1, TP HCM). |