Diễn đàn do UBND tỉnh Bình Phước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức. Chương trình phối hợp thực hiện bởi Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA).
Diễn đàn có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu EuroCham (với 27 quốc gia thành viên đến từ khối Liên minh châu Âu) và các doanh nghiệp đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Australila tại Việt Nam (AusCham).
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - bà Trần Tuệ Hiền cho biết mục đích của "Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024" là cơ hội để tỉnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, chính sách ưu đãi. Điều này nhằm giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án tại những khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp EuroCham có uy tín và tiềm lực tài chính, công nghệ đầu tư vào Bình Phước.
Chia sẻ thông tin với nhà đầu tư, đại diện của tỉnh Bình Phước cho biết trên 80% thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết theo phương thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần liên hệ trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh để được hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả tại chỗ. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư tại các khâu đều được rút ngắn chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định của chính phủ.
Theo bà Trần Tuệ Hiền, công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng được tỉnh quan tâm với mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Chỉ số PCI của tỉnh ngày càng được cải thiện đáng kể; công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện có hiệu quả.
"Ngoài ra, với 'nền tảng 4 tốt' là hạ tầng, nhân lực, chính sách và dịch vụ công tốt, Bình Phước xác định mục tiêu hướng đến đáp ứng tốt nhất các nhu cầu phục vụ, làm hài lòng nhà đầu tư khi đến với tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp EuroCham", bà Hiền nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á, cho biết ông cảm nhận năng lượng và nhiệt huyết được lan tỏa từ mọi người. Theo ông, Bình Phước có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam, Campuchia và khu vực.
Với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, tỉnh mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn. Khí hậu thuận lợi càng khẳng định Bình Phước là ứng cử viên lý tưởng cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, phù hợp với Quy hoạch điện VIII và Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, tỉnh có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.
Đại diện cho đơn vị đồng chủ trì, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết những năm gần đây, Bình Phước đã tạo được lực hút rất lớn trong hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn FDI trong các lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo... Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế, thu hút FDI của Bình Phước vẫn chưa thể sánh kịp với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Vũ Mạnh Hùng cho rằng mục đích của diễn đàn là góp phần tăng cường sự đối thoại giữa các cơ quan chính phủ, nhà hoạch định chính sách, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp trong nước và quốc tế về những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng số hóa. Đặc biệt, qua những diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đề xuất các giải pháp giúp Việt Nam đảm bảo tính khả thi về nguồn lực tài chính, đồng bộ các chính sách để phát triển nền kinh tế xanh bền vững, hướng tới hoàn thành mục tiêu Net Zero vào 2050.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đánh giá cao ý nghĩa và mục đích của diễn đàn. Các doanh nghiệp EuroCham không chỉ có thế mạnh về công nghệ mà còn có năng lực tài chính và thị trường tiêu thụ tiềm năng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Do vậy, sự có mặt của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ giúp Bình Phước thay đổi bộ mặt nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn đóng góp tích cực hơn vào kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, diễn đàn có nhiều tham luận về các vấn đề liên quan đến đầu tư FDI, phát triển xanh, nông nghiệp số... được các chuyên gia đến từ Liên minh châu Âu (EU), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, EuroCham, AusCham, De Heus Việt Nam, Hùng Nhơn, Big Dutchman Việt Nam trình bày.
Mai Thương