Theo Mercury News, một ngày tháng 4, bố mẹ của Vishruth Iyer cùng hồi hộp theo dõi con trai 15 tuổi mở email chứa thông tin vô cùng hấp dẫn: cậu học sinh năm thứ hai (hệ 4 năm) của trường trung học Monta Vista đã đạt 36 điểm ACT, mức tối đa của kỳ thi chuẩn hóa nhằm lấy điểm xét tuyển đại học tại Mỹ.
“Tôi gần như ngã ngửa ra khỏi ghế. Đây là một tin vui rất lớn. Tôi thậm chí không biết phải nói gì với thằng bé", bố em, Anand xúc động nói.
Dù ông và vợ, Sucharita, kỳ vọng thành tích này sẽ giúp Vishruth được nhận vào trường đại học mong muốn trước cả khi trở thành học sinh cuối cấp, họ không tránh khỏi hoài nghi. Họ biết nhiều học sinh trung học hiện nay nhận được thư mời nhập học và cũng không ít người nhận được thư từ chối từ các đại học hàng đầu nước Mỹ. Điểm số tuyệt đối không đảm bảo một vị trí tại Stanford, Princeton hay thậm chí Berkeley.
"Không phải bây giờ, không. Nếu bạn đạt 36 điểm ACT và nghĩ sẽ thong thả bước vào Harvard, hoàn toàn không phải vậy", Margaret Routhe, cố vấn về thông tin đại học ở Palo Alto cho biết.
Cách đây 5 năm, Stanford đã từ chối khoảng 69% ứng viên có điểm SAT (kỳ thi chuẩn hóa tương đương ACT để xét tuyển đại học) hoàn hảo, dù mức điểm đó không hề dễ đạt được. Chỉ một phần nhỏ của 1% thí sinh dự thi SAT đạt điểm tối đa (1.600). College Board, đơn vị tổ chức kỳ thi, không cung cấp số liệu cụ thể nhưng báo cáo chỉ 5% số bài thi đạt điểm trên 1.400.
Trong khi đó, chỉ 0,01% thí sinh trên toàn quốc đạt điểm 36 trong kỳ thi ACT năm nay, và bang California có 421 người. Vishruth mới học năm hai trung học, nên thành tích của em càng hiếm hoi.
Dù điểm tuyệt đối của một trong hai kỳ thi này là rất đặc biệt, bộ phận tuyển sinh của các đại học ưu tú đang tìm kiếm thứ gì đó đặc biệt hơn. Stanford xác định tiêu chí để họ sàng lọc ứng viên giữa rất nhiều hồ sơ là "toàn diện", "sự ham học hỏi" và "thành tựu phi thường". Hôm thứ sáu, đại học danh giá bậc nhất nước Mỹ thông báo đã chấp nhận 4,3% ứng viên chưa tốt nghiệp vào khóa mới.
Irena Smith, nhà điều hành một dịch vụ tư vấn về đại học khác ở Palo Alto, nói rằng có ít nhất vài nghìn người sở hữu điểm ACT và SAT tuyệt đối đang cạnh tranh giành suất ở 10 trường top đầu theo xếp hạng của U.S. News and World Report.
"Những ứng viên này đang bị lu mờ bởi một vận động viên tiềm năng của Thế vận hội Olympic, một người trẻ sở hữu nhiều bằng sáng chế hay đã xuất bản vài cuốn sách", cô nói.
David Hogg, người sống sót sau vụ thảm sát ở trường trung học Marjory Stoneman Douglas và trở thành một trong những lãnh đạo nổi bật nhất của phong trào kiểm soát súng do học sinh tổ chức, cũng không trúng tuyển vào đại học mong muốn. Điều này chứng tỏ cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Dù đạt điểm trung bình 4.2, nam sinh Florida bị từ chối bởi Đại học California tại Los Angeles (UCLA), Đại học California, Santa Barbara (UC Santa Barbara), Đại học California, San Diego (UC San Diego) và Đại học California, Irvine (UC Irvine).
"Tôi đang thay đổi thế giới, nhưng các đại học California vẫn từ chối tôi", David Hogg trả lời TMZ.
Hồi tháng 4, Ben Shumaker (18 tuổi), học sinh năm cuối ở thành phố Holland, bang Michigan, đã bị từ chối bởi 8 trường Ivy League, Đại học Nam California (USC) và Đại học Case Western Reserve. Cậu đã mở chủ đề thảo luận trên trang web College Confidential, nhận được rất nhiều bình luận.
Ben đạt 4.43 điểm trung bình, 1550/1600 điểm SAT và 34/36 điểm ACT. Cậu tham dự 22 khóa học của chương trình AP và xếp hạng nhất trong lớp gồm 536 học sinh. Ben thậm chí còn có những thành tích đặc biệt mà không phải ai cũng đạt được: game thủ nhỏ tuổi nhất tính đến nay tham gia giải đấu chuyên nghiệp của trò chơi thẻ bài ma thuật “Magic the Gathering”. Nam sinh được nhận vào Đại học Michigan, nhưng đây không phải lựa chọn hàng đầu. Khi đối mặt với những lời từ chối, cậu đã tự đưa ra lời giải thích cho riêng mình, giống những gì các chuyên gia tuyển sinh đại học của trường top thường chia sẻ.
"Tôi cảm thấy việc bạn đã học những chương trình gì và đạt bao nhiêu điểm, xét đến một trình độ nào đó thì những con số đấy không còn quan trọng nữa. Nếu bạn có điểm số hoàn hảo hoặc gần như hoàn hảo, nó chỉ giúp bạn vượt qua bước đầu để vào cuộc chơi", Ben nói.
Muốn hồ sơ của con lọt vào mắt xanh của những trường hàng đầu, nhiều phụ huynh phải thuê cố vấn để tìm hiểu điểm mấu chốt trong quá trình tuyển sinh. Tuy nhiên, họ luôn được khuyên hãy để ý đến hàng trăm đại học uy tín khác ngoài top đầu.
Như liều thuốc giải cho những kỳ vọng của cả học sinh và phụ huynh, một số trường đưa ra danh sách cuốn sách phải đọc bao gồm "Where you go is not who you‘ll be” (Nơi bạn đến không phải người bạn trở thành) của Frank Bruni, chứa nhiều câu chuyện thành công của những người không vào đại học danh tiếng.
Đối với phụ huynh của Vishruth Iyer, những người nhập cư và hiện đã trở thành công dân Mỹ, có bằng cấp ở các đại học California, rất khó để giảm kỳ vọng đối với Vishruth và người anh sinh đôi Pratyush, cũng toàn đạt điểm A ở trường và là tay bơi cừ khôi. Gia đình họ chuyển từ San Jose đến Cupertino để các con tiện học ở trường chất lượng. Anh em Vishruth cũng được bố mẹ cho tham dự các lớp dự bị đại học với chi phí 90 USD mỗi buổi, và cả hai đều đang tập trung cho kỳ thi SAT sắp tới.
Tuy nhiên, điều đầu tiên mà nhân viên tư vấn nói với vợ chồng Anand là các chàng trai có ba điểm bất lợi, đặc biệt là khi muốn vào đại học tư thục: Chúng là người gốc Ấn, chúng là nam giới và chúng muốn theo đuổi ngành khoa học máy tính hoặc kỹ thuật.
“Đó là một hồ sơ phổ biến. Làm thế nào để trở nên khác biệt khi lũ trẻ nhà tôi vốn có khuynh hướng yêu thích các môn học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học)?”, Anand Iyer tỏ ra thất vọng.
Gần đây, Đại học Harvard nhận được nhiều cáo buộc liên quan đến phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á. Cụ thể, ngôi trường danh giá được cho là đã giới hạn số lượng trúng tuyển của ứng viên thuộc nhóm này. Tổ chức phi lợi nhuận nộp đơn kiện đã trích dẫn một nghiên cứu ở Princeton năm 2009, cho thấy người Mỹ gốc Á cần đạt nhiều hơn 140 điểm so với người da trắng trong kỳ thi SAT mới ở cùng một vị trí cạnh tranh giành suất vào đại học ưu tú.
Nhân viên tư vấn nhận định, các chàng trai nhà Iyer có thể sẽ may mắn hơn khi nộp đơn vào một trường của hệ thống viện đại học California hơn là một trường Ivy League.
Tuy còn hai năm nữa mới đến hạn nộp đơn ứng tuyển, bố mẹ Vishruth vẫn vô cùng lo lắng. Họ muốn gặp gỡ một giáo sư đại học trong mùa hè để tìm hiểu sớm về những lựa chọn.
“Tôi không nghĩ việc tôi vào một trường top đầu hay trường nào khác sẽ thay đổi tương lai của mình. Tôi tự tin rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng bố mẹ tôi luôn nói, Đừng chơi game, học toán để ôn thi SAT đi. Tôi chỉ muốn nói rằng bố mẹ hãy cứ thư giãn và để tâm đến chuyện của riêng họ”, Vishruth nói.