Theo quy chế thi THPT quốc gia năm 2019, chấm thi tự luận phải tuân thủ theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Đầu tiên Ban thư ký Hội đồng thi giao túi bài thi đã làm phách và phiếu chấm cho trưởng môn chấm thi. Trưởng môn sẽ tập trung cán bộ chấm để quán triệt quy chế, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn, sau đó sẽ tổ chức chấm thi theo quy trình hai vòng độc lập tại phòng chấm riêng biệt.
Ở lần chấm thứ nhất, trưởng môn chấm thi tổ chức bốc thăm nguyên túi cho cán bộ chấm thi, giao riêng cho từng người. Trước khi chấm, giám khảo phải kiểm tra từng bài đảm bảo đủ số tờ, số phách và gạch chéo tất cả phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết.
Cán bộ chấm thi sẽ không chấm những bài làm trên giấy khác với giấy dùng cho kỳ thi. Những người này cũng có trách nhiệm giao cho trưởng môn chấm thi xử lý các bài thi không đủ số tờ, số phách; bài làm có chữ viết của hai người, viết bằng hai thứ mực trở lên, viết bằng mực đỏ, bút chì hoặc có viết, vẽ nội dung không liên quan nội dung thi; bài làm nhàu nát hoặc nghi vấn có đánh dấu.
Khi chấm lần thứ nhất, ngoài những nét gạch chéo trên các phần giấy còn thừa, cán bộ chấm thi tuyệt đối không ghi gì vào bài làm của thí sinh và túi bài thi. Điểm thành phần, điểm toàn bài và các nhận xét (nếu có) được ghi vào phiếu chấm của từng bài kèm theo họ tên và chữ ký.
Chấm xong túi nào, cán bộ chấm thi giao túi ấy cho trưởng môn để bàn giao cho Ban thư ký Hội đồng thi.
Ở lần chấm thứ hai, thành viên Ban thư ký Hội đồng thi rút các phiếu chấm thi ra rồi giao túi bài thi cho trưởng môn để tổ chức bốc thăm cho người chấm lần thứ hai, sao cho không trùng với lần đầu.
Cán bộ chấm thi lần hai chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh và ghi vào phiếu chấm. Điểm chấm từng ý nhỏ phải ghi tại lề bài thi ngay cạnh ý được chấm; sau đó ghi điểm thành phần, điểm toàn bài vào ô quy định, ghi rõ họ tên và ký vào ô quy định ở tất cả tờ giấy làm bài thi của thí sinh.
Thành viên Ban thư ký Hội đồng thi, trưởng môn, cán bộ chấm thi so sánh kết quả. Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm) dưới 1 điểm đối với bài thi Ngữ văn, hai cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất điểm.
Nếu lệch từ 1 đến 1,5, hai cán bộ thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm (không sửa chữa trên phiếu chấm hoặc phần tổng hợp điểm trong bài thi). Nếu đối thoại không thống nhất được điểm, trưởng môn chấm thi sẽ quyết định.
Nếu điểm toàn bài chênh lệch giữa hai lần chấm trên 1,5, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng mực màu khác. Sau ba lần chấm, nếu kết quả hai trong ba lần giống nhau, trưởng môn lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức. Nếu kết quả ba lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5, trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng ba lần chấm làm điểm chính thức.
Nếu kết quả chấm lệch nhau lớn nhất trên 2,5, trưởng môn tổ chức chấm tập thể. Các cán bộ chấm thi cùng trưởng môn ghi rõ họ tên và ký vào các tờ giấy làm bài của thí sinh. Điểm chấm cuối cùng là điểm chính thức của bài thi.
Ngữ văn là môn thi bắt buộc và cũng là môn tự luận duy nhất trong kỳ thi THPT quốc gia. Năm 2019, có gần 872.000 thí sinh đăng ký dự thi môn này nhưng gần 3.500 em không đến thi sáng 25/6.
Tổng số thí sinh vi phạm quy chế ở môn thi này là 25. Trong đó, ba em bị cảnh cáo, 22 em bị đình chỉ thi, chủ yếu do mang tài liệu và điện thoại di động vào phòng thi.
Một thí sinh Phú Thọ, do chụp đề gửi ra ngoài nhờ bạn giải hộ, đã bị đình chỉ và đang bị cơ quan công an điều tra. Bốn thí sinh ở Sơn La và Lào Cai phải làm lại bài thi bằng đề dự phòng vào chiều 27/6 do sai sót của cán bộ coi thi. Cả kỳ thi có sáu cán bộ bị đình chỉ coi thi, tất cả đều ở môn Ngữ văn.