![]() |
Thí sinh dự thi ĐH Thương mại. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Theo thống kê dữ liệu điểm thi toàn quốc, hai khối A, B có điểm trội hơn. Tỷ lệ thí sinh có tổng ba môn trên 15 điểm chiếm 26%, trong đó khối A là 36%; khối B là 37%, khối C là 17%, khối D1 (tiếng Anh) là 24%. Trên cơ sở thống kê điểm của từng khối, một số phương án đã được đưa ra bàn thảo tại buổi họp sáng 11/8.
Hơn nửa triệu thí sinh chờ kỳ thi sang năm
Theo một thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh, việc xác định điểm sàn đã tính đến yếu tố vùng miền. Mặc dù số thí sinh tổng ba môn trên 15 điểm của khối A là 36%, nhưng phân bố không đều. Ở khu vực miền Bắc, tỷ lệ này có thể đạt 40-50%, nhưng ở khu vực phía Nam có thể chỉ trên 20%. Nếu điểm sàn quá 15, sẽ ảnh hưởng đến nguồn tuyển của một số đại học, bởi dự báo số thí sinh miền Bắc có điểm cao "di cư" vào Nam xét tuyển nguyện vọng 2, 3 không nhiều.
Qua thảo luận, phương án điểm sàn đại học khối A, B là 15 và khối C, D là 14 được đánh giá là hợp lý nhất. Nếu phương án này được phê duyệt, khoảng 60% số thí sinh dự thi ĐH năm nay sẽ chính thức bị loại. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nếu dưới điểm sàn, thí sinh chính thức trượt đại học, không được tham gia xét tuyển nguyện vọng 2, 3. Năm 2004, điểm sàn khối A, D là 14 và khối B, C là 15.
Theo Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh năm nay, có 935.283 lượt thí sinh dự thi tại 98 đại học, học viện. Nhưng nhiều thí sinh thi cả 2 khối vào 2 đợt nên số lượng thí sinh thực sẽ ít hơn con số này. Với mức điểm sàn như trên, số thí sinh trên sàn năm nay sẽ nhiều hơn năm ngoái. Nguồn tuyển sinh cho các trường khu vực, trường không tổ chức thi sẽ dồi dào hơn.
Lên phương án giảm bi kịch mùa thi
Tình trạng nhiều thí sinh 27 điểm đứng trước nguy cơ trượt đại học, đang làm đau đầu các nhà tuyển sinh. Nhằm giảm những bi kịch mùa thi, Bộ GD&ĐT đang bàn thảo tìm giải pháp để những thí sinh đạt điểm cao phải có nơi học. Đối với các trường có điểm tuyển quá cao, Bộ dự kiến sẽ chỉ đạo hạ điểm tuyển từ 0,5-1 điểm để tuyển thêm, nhưng không vượt quá 15-20% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Đối với những trường điểm xét tuyển dự kiến 16-17, Bộ sẽ yêu cầu nâng điểm chuẩn lên khoảng 18-20. Qua đó, các trường sẽ giành chỉ tiêu để tuyển nguyện vọng 2, lựa chọn những em điểm cao nhưng trượt nguyện vọng 1. Với sự can thiệp này, Bộ GD&ĐT hy vọng, những thí sinh có điểm cao, 20-25 điểm sẽ có cơ hội vào đại học.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội Dương Đức Hồng cho biết, năm nay dự kiến điểm chuẩn là 25,5 điểm. Thí sinh không đỗ, nhưng có điểm thi trên 24,5 sẽ được trường tạo điều kiện theo học 7 ngành (không bao gồm những ngành đắt giá như điện tử viễn thông, công nghệ thông tin...).
"Chúng tôi vẫn phát 2 phiếu xét tuyển nguyện vọng 2, 3 cho những thí sinh 24,5-25 điểm. Các em có thể tham dự xét tuyển tại trường khác. Nhưng nếu nộp đơn xét tuyển vào Bách khoa, các em chắc chắn sẽ trúng tuyển bởi trường đã tính toán nếu tuyển hết cũng chỉ vượt 5% chỉ tiêu", thày Hồng nói.
Theo thày Hồng, do đề thi năm nay dễ, nên những em điểm cao chưa chắc đã thực sự giỏi. Bằng chứng là năm 2004, điểm xét tuyển cao hơn các năm trước nhưng chất lượng học tập của sinh viên lại thấp hơn. Bên cạnh đó, nếu hạ điểm chuẩn để tuyển thêm chỉ tiêu, các trường sẽ phải đối mặt với thách thức về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...
Việt Anh