Cuối những năm 1990, những cánh đồng "bờ xôi ruộng mật" bao quanh thị xã Bắc Ninh bắt đầu được thu hồi để xây dựng hạ tầng đô thị. Bên cạnh cơ hội mới cho sự phát triển, chủ đề mà tôi được nghe nhiều nhất trong những cuộc bàn tán là giá đền bù rẻ, nỗi lo lắng khi ruộng đất không còn...
Việc đầu tiên người nông dân làm khi có khoản tiền lớn là xây nhà và mua sắm đồ đạc. Giá trị từ những sào đất nông nghiệp do cha ông để lại nhanh chóng chuyển hóa thành những ngôi nhà kiên cố và khang trang, cùng xe máy, tivi, tủ lạnh... Dáng dấp của một cuộc sống mới từng bước hình thành.
Khi đó, những mâu thuẫn liên quan đến đất đai chưa trở thành vấn đề được quan tâm. Dần dà, căng thẳng bắt đầu xảy ra trong một số gia đình, liên quan đến phân chia tiền đền bù đất. Các đợt đi nghiên cứu thực tế giúp tôi chứng kiến nhiều hơn những mâu thuẫn xã hội đa dạng liên quan đến đất đai. Nhức nhối hơn cả là căng thẳng giữa người dân và chính quyền địa phương trong quá trình thu hồi đất.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại một thực tế nan giải là hiện vẫn có tới hơn 70% những vụ khiếu kiện, tố cáo liên quan đến đất đai. Đất đai không chỉ trở thành nguồn cơn của những sứt mẻ trong quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng mà còn khiến nhiều người, trong đó có cả cán bộ cấp cao và các doanh nhân, phải vào tù, tan nát sự nghiệp.
Đất đai trở thành vấn đề nóng không chỉ bởi giá trị kinh tế thuần túy. Mỗi mảnh đất đều gắn với vị trí địa lý cụ thể, hệ sinh thái, và những giá trị tinh thần được tích lũy và bồi đắp theo thời gian của mỗi cá nhân hoặc nhóm xã hội cụ thể. Sự thay đổi của mỗi mảnh đất có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các quan hệ kinh tế - xã hội của mỗi cộng đồng.
Không chỉ xuất hiện trong xã hội, những điểm nóng cũng tồn tại trong chính sách đất đai. Trên hết, chế độ sở hữu toàn dân giúp mọi người bình đẳng về quyền với đất nhưng lại cũng chính là yếu tố tạo ra rất nhiều thách thức trong việc bảo đảm công bằng xã hội về thụ hưởng những lợi ích từ đất đai. Những khái niệm luật pháp chưa rõ ràng, những quy định chưa sát thực tế, cùng việc đề cao vai trò của chính quyền trong quá trình thu hồi đất đã trao cơ hội cho những cá nhân ích kỷ tư lợi.
Cơ hội tiếp cận và thâu tóm đất đai giúp một số nhóm giàu lên nhanh chóng trong khi nhiều người khác đối diện vô vàn khó khăn khi không còn đất. Trong các vụ đại án liên quan đến đất đai, điều đáng lo ngại là luôn hiện diện những cán bộ công quyền.
Để giảm thiểu bất cập, việc tiên quyết là nhanh chóng xử lý những "điểm nóng" trong chính sách đất đai. Mà nóng nhất trong chính sách đất đai là nhu cầu bảo đảm công bằng xã hội cho các bên liên quan đến đất. Sự phát triển của một địa phương hay sự giàu lên của một số nhóm xã hội không thể phải trả giá bằng sự bần cùng của nhóm người không còn đất. Chừng nào chính sách đất đai còn tạo ra khoảng cách lớn giữa kẻ được và người mất, chừng đó sẽ vẫn luôn xuất hiện các điểm nóng.
Để bảo đảm công bằng xã hội trong thụ hưởng lợi ích từ đất, bên cạnh những quy định pháp lý rõ ràng và chặt chẽ, nên tạo điều kiện thể chế để những nhóm yếu thế thực sự có vai trò trong quy trình chính sách. Các quyết định chính sách về đất đai không thể chỉ thuần túy xuất phát từ lăng kính cán bộ chính quyền. Nhu cầu, nguyện vọng, mong đợi lợi ích của các nhóm yếu thế là một yếu tố nên được tính đến trước mỗi quyết định về chính sách đất đai.
Hệ thống quản trị đất đai cũng cần đổi mới, trước hết là giảm thiểu sự can dự trực tiếp của chính quyền, cùng cơ chế làm việc và các phương tiện đặc trưng bởi tính cưỡng ép dựa trên quyền lực công, vào quá trình thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bởi lẽ, trong các quan hệ lợi ích như đối với đất đai, sự cưỡng ép sẽ đi kèm với nguy cơ không chấp hành. Căng thẳng, mâu thuẫn xã hội cũng từ đó mà ra.
Điều kiện thể chế để các chủ thể có thể tự giao dịch quyền sử dụng đất dựa trên cơ chế cạnh tranh hoặc thương lượng cũng nên được hoàn thiện. Những xung đột lợi ích liên quan đến đất đai chỉ có thể giải quyết thông qua sự thỏa hiệp và đồng thuận về tài chính chứ không phải sự áp đặt của cơ chế hành chính.
Vai trò của chính quyền là ban hành và giám sát thực thi chính sách của các chủ thể, thực hiện hành động cần thiết để bảo đảm công bằng xã hội, chứ không phải làm thay chức năng của thị trường.
Nguyễn Văn Đáng