Thứ ba, 4/6/2019, 14:19 (GMT+7)

Điểm nhấn của sự kiện tôn vinh thời trang đường phố, Graffiti, EDM

Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ và nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc, văn hóa, thời trang... vừa diễn ra tại TP HCM.

BUDX Ho Chi Minh City - chuỗi sự kiện do nhãn hàng Budweiser tổ chức tại quận 1 (TP HCM) - nhằm khuyến khích các tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc, văn hóa, thời trang phát huy tiềm năng. Chương trình kéo dài từ 28/5 đến 30/5 với nhiều hoạt động nghệ thuật, giao lưu trực tiếp và hội thảo tương tác.

Ban tổ chức cho biết, trong suốt ba ngày sự kiện diễn ra, có hàng chục nghìn lượt người trẻ tham dự. Đa số đều là tín đồ của loại hình nghệ thuật Graffiti, thời trang đường phố và nhạc EDM.

Nghệ thuật vẽ Graffiti

Ngoài hai buổi thảo luận "Sự lên ngôi của âm nhạc điện tử tại TP HCM" (với chia sẻ của các nghệ sĩ quốc tế gồm GoranaRomcevic (Epizode), HeartBeat Crew, Haustech Industry) và "Bí quyết để các tài năng thế giới chinh phục thị trường châu Á " (Cedric Gervais là khách mời), điểm nhấn của sự kiện ngày 28/5 là câu chuyện liên quan đến loại hình nghệ thuật đường phố - vẽ Graffiti.

Một tác phẩm Graffiti tại Bảo tàng mỹ thuật TP HCM hôm 28/5.

Danny Daos - nghệ sĩ có 14 năm hoạt động trong lĩnh vực Graffiti - là khách mời của buổi thảo luận "City Canvas: Graffiti - Khi thành phố là không gian cho nghệ thuật biểu hiện". Anh là trưởng nhóm ALL In One Graffiti - nơi hàng trăm nghệ sĩ trẻ đang theo đuổi bộ môn này.

Graffiti là loại hình nghệ thuật công cộng hay nghệ thuật đường phố, có thể hình thành bằng hình thức đơn giản như trên các bức tường, tàu điện ngầm, xe ôtô, gara ôtô...

Ra đời vào những năm 1970, trước cả khi hiphop xuất hiện, Graffiti được khởi xướng bởi người đưa thư tại New York. Ông di chuyển khắp các phố và viết tên mình lên tường. Dần dần, nó trở nên đa dạng hơn, được giới trẻ sử dụng như một cách thể hiện quan điểm chủ nghĩa hiện đại và tách biệt xã hội. 

Graffiti ban đầu có nghĩa là "tranh sơn xịt". Nhưng qua thời gian, nó là tên gọi dành cho bộ môn nghệ thuật đường phố, nơi các cá nhân nổi loạn tích cực thể hiện bản thân thông qua những hình vẽ nguệch ngoạc nhưng sáng tạo. Nếu hình thức này được ưa chuộng trên thế giới, thì ở Việt Nam lại khá mới, nhận nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí bị cho là phá hủy cảnh quan thành phố.

Theo Danny Daos, vẽ Graffiti không đơn giản chỉ là cầm bút vẽ vào tờ giấy. Phải vẽ trước mặt nhiều người và điều khiển lọ sơn theo ý tưởng vốn không dễ dàng. Trải qua nhiều lần thất bại và định kiến, Daos và nhóm của anh mới có tác phẩm đẹp, kiên định với lựa chọn của mình.

Chàng trai 8x kể về những tháng ngày "lén lút" vẽ trên các bức tường thép ở công trình. Khi bị phát hiện, anh bỏ chạy rồi trở lại vào đêm muộn để hoàn thành tác phẩm. Vì bức vẽ quá đẹp, ban quản lý công trình không truy cứu trách nhiệm của Daos. Cứ như vậy, ước mơ lớn dần lên trong Daos, thúc đẩy anh và các đồng sự phát triển các dự án khác nhau, giúp thành phố đẹp hơn. Qua đó khiến cái nhìn của mọi người về Graffiti tích cực hơn, trở thành bộ môn nghệ thuật đường phố đặc sắc.

Thời trang đường phố 

Chủ đề "Tái thiết phong cách thời trang đường phố Sài Gòn" diễn ra hôm 29/5, thu hút nhiều fashionista, nhà thiết kế và người mẫu... Nhà thiết kế Quang Minh của thương hiệu Headless tham gia buổi thảo luận, chia sẻ nhiều kiến thức và cách nhìn thú vị.

Thời trang đường phố (streetwear) ra đời vào năm 1980, thuộc về nhóm người thích trượt ván (skaters). Họ luôn khát khao trải nghiệm, dấn thân, mạo hiểm. Họ thường ăn ngủ, gặp gỡ nhau ngoài đường và tự tạo cho mình phong cách riêng không trộn lẫn.

Những món đồ đặc trưng cho phong cách streetwear gồm nón, giày thể thao, áo khoác, áo hoodie... Hiện xu hướng này không chỉ dành cho những người đam mê skater mà được liên tưởng tới những người theo đuổi hip-hop. Thời trang đường phố với những thiết kế lạ mắt, nổi bật... có cơ hội lan tỏa khi những người trẻ mong muốn thể hiện cá tính, bản sắc riêng.

BST BUDX Headless.

Trong khuôn khổ sự kiện này, Budweiser giới thiệu bộ sưu tập kết hợp với Headless và 5TheWay, gồm những thiết kế phiên bản giới hạn với thông điệp "Time to shine - hãy tự tin toả sáng chất riêng của chính bạn với cả thế giới". Cả 2 thương hiệu mang đến những thiết kế vừa có tính ứng dụng cao, vừa độc đáo, bắt nhịp xu hướng streetwear nổi bật trên thế giới.

Thế mạnh của Headless và 5TheWay là nắm bắt nhanh nhạy gout thời trang của giới trẻ, sáng tạo những chi tiết trên trạng phục thể hiện rõ tính chất đường phố, năng động, cùng những slogan cá tính được xử lý thành hoạ tiết in, hình dán... tạo hiệu ứng thị giác sinh động.

Quang Minh cho biết anh khởi nghiệp là thiết kế truyền thông, nhưng sớm bị ảnh hưởng bởi văn hóa underground, manga, anime và hard rock. Anh thành lập Headless vào năm 2015 với phong cách unisex đặc biệt và bảng màu đơn sắc. Thương hiệu thời trang đường phố này hiện được nhiều người trẻ cá tính lựa chọn. 

BST được nhiều gương mặt nổi bật thể hiện, trong đó có Stylist Hoàng Ku, Stylist Lâm Thúy Nhàn, người mẫu Brian Trần và thủ môn Bùi Tiến Dũng. Tất cả đều toả sáng với chất đường phố.

* Thủ môn Bùi Tiến Dũng trong một số thiết kế BST đặc biệt BUD X Headles và ba lô phiên bản giới hạn BUD X 5TheWay:

Sự trỗi dậy của dòng nhạc EDM

EDM (nhạc điện tử - viết tắt từ Electronic dance music) là dòng nhạc có tiết tấu mạnh, kế thừa từ nhạc disco của thập niên 1970. Ở vài khía cạnh nào đó, nó cũng là những thể nghiệm của nhạc Pop (còn gọi là nhạc Pop thể nghiệm -experimental Pop). EDM phát triển mạnh mẽ thông qua các lễ hội nhạc nhảy (Dance Festival) và các câu lạc bộ nổi tiếng thế giới. 

Rhymastic biểu diễn trong đêm 29/5.

Tại chuỗi sự kiện BUDX Ho Chi Minh City, Budweiser mời nhiều nghệ sĩ nổi bật của giới underground - những người theo đuổi dòng nhạc điện tử - để chia sẻ về cách họ làm nhạc, theo đuổi đam mê, qua đó truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ. Rhymastic, Touliver, Big Daddy, nhà sản xuất nhạc Long Halo, DJ Trang Moon... còn đem đến nhiều màn trình diễn đặc sắc, khiến hàng nghìn khán giả nhún nhảy theo.

Phiên thảo luận "Dám khác biệt" với sự góp mặt của Touliver trong đêm 30/5 - để lại ấn tượng với nhiều người trẻ. Anh tâm sự, con đường nghệ thuật của anh không bằng phẳng. Gắn bó với đàn dương cầm từ nhỏ, cha mẹ kỳ vọng anh sẽ trở thành nghệ sĩ piano, tuy nhiên anh lại đam mê âm nhạc hiện đại, hòa âm phối khí. Dù vấp phải sự phản đối của gia đình, anh vẫn không bỏ cuộc, kiên trì theo đuổi đam mê nhạc điện tử. Ngoài vai trò nhà sản xuất âm nhạc, DJ, Touliver còn thành công khi remix lại các ca khúc của nhiều nghệ sĩ, đem đến sự mới mẻ cho người nghe, trong đó có Hương ngọc lan, Bâng khuâng...

Touliver - "phù thủy âm thanh" có tiếng tại Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi và xin lời khuyên từ Touliver . Anh khuyến khích họ sống hết mình vì đam mê, đừng ngại theo đuổi tinh thần "dám khác biệt". "Trong bất cứ lĩnh vực nào, bạn đừng bỏ cuộc nếu chỉ mới thất bại một, hai lần. Hãy thử ít nhất năm lần, nếu không được mới nên chọn con đường khác", anh nói. Tại sự kiện, anh còn trình diễn những bản beat nổi tiếng gồm Tell me why, Hoa sữa, Ngày mai, Destiny, Mr. Right... được nhiều người yêu thích.

Nghệ thuật biểu diễn Drag Queen 

Những nghệ sĩ theo trong cộng đồng Drag Queen.

Phiên thảo luận "Drag Queen - Bứt phá giới hạn với âm nhạc, vũ đạo và nghệ thuật biểu diễn" là một trong những điểm nhấn chính của sự kiện thứ ba.

Drag Queen (Nữ hoàng bóng đêm) là cụm từ chỉ những nghệ sĩ hóa trang thành nữ để biểu diễn hay hát nhép (lip-syn). Đây cũng là lần đầu tiên Budweiser chọn cộng đồng này để tôn vinh bởi họ truyền cảm hứng cho giới trẻ thích văn hoá Underground.

Khởi điểm từ sân khấu nhạc kịch nước Anh những năm 1970, Drag Queen dần được khán giả phương Tây đón nhận như một môn nghệ thuật biểu diễn thực thụ. Đến đầu thập niên 1990, Drag Queen mới du nhập về Việt Nam, tuy nhiên thời điểm đó những tụ điểm biểu diễn loại hình này không nhiều, định kiến về giới tính ở Việt Nam khá khắt khe, khiến nghệ sĩ không có điều kiện phát triển.

Không giống các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, gần đây ở một số thành phố lớn tại Việt Nam mới bắt đầu cởi mở hơn với nghệ thuật Drag Queen. Ở TP HCM, nhiều nhóm biểu diễn Drag Queen chuyên nghiệp được thành lập.

Theo stylist Huỳnh Ngọc Lợi - quản lý nhóm Drag Queen Centro Team: "Hình thức này ở Việt Nam vẫn gặp nhiều định kiến, thị hiếu và cả thu nhập. Đằng sau lớp son phấn dày, cộng đồng này luôn khao khát được ghi nhận và cống hiến. Dù khó khăn, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục con đường đã chọn, truyền cảm hứng cho nhiều người khác", anh nói thêm.

Cộng đồng Drag Queen ở TP HCM hiện có 50 người, những chương trình biểu diễn của họ thu hút nhiều người xem vì tính chất mới lạ và giải trí.

Thông qua việc chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng, hành trình chinh phục đỉnh cao và vượt qua khó khăn trở ngại, nhãn hàng Budweiser muốn khích lệ các nghệ sĩ và tài năng trẻ trong ngành, thúc đẩy họ lan toả quan điểm phóng khoáng, tư tưởng khác biệt để theo đuổi và chinh phục hoài bão.

Thi Quân

Ảnh: Hữu Khoa