Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 khép lại với nhiều băn khoăn về điểm số của môn tiếng Anh khi điểm trung bình quá thấp. Xét về nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng nếu không bàn tới một giải pháp sâu xa hơn thì điều này sẽ lặp lại ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Nguyên nhân điểm thấp có từ cả phía học sinh và đơn vị quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2015, tiếng Anh “đột ngột” được đưa vào danh mục môn thi bắt buộc thay vì là môn tự chọn như những năm trước đây, khiến cho nhiều học sinh không kịp trở tay vì trót học lệch theo khối thi đã chọn, bỏ qua môn tiếng Anh. Bên cạnh đó, đề thi cũng bất ngờ thay đổi cấu trúc khi đưa phần thi viết tự luận, một loại hình bài thi rất khó đối với người học tiếng Anh, và đề thi mẫu cũng chỉ được cung cấp cho học sinh vài tháng trước kỳ thi chính thức. Điều này phần nào thể hiện sự thụ động của công tác ra đề.
Chưa kể việc một đề thi duy nhất nhưng phục vụ cả hai mục tiêu là tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học làm độ khó của đề thi tăng hơn nhiều so với chỉ phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Cho dù đề có dành một tỷ lệ không nhỏ là các câu dễ thì bài thi vẫn được coi là rất khó đối với học sinh không học tiếng Anh.
Cần nói thêm là tiếng Anh chỉ phổ biến với các trường ở thành phố lớn, hoặc thị xã, thị trấn phát triển, còn đối với trường ở nông thôn và vùng xa thì học sinh hầu như bỏ qua môn tiếng Anh, và giáo viên tiếng Anh ở những vùng đó hầu như chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục. Vì vậy, khi học sinh đối mặt với một kỳ thi nghiêm túc, việc coi thi chặt chẽ, thì không làm được bài hoặc làm và điểm thấp là điều có thể dự đoán trước.
Học sinh một khi đã không chọn khối D với tiếng Anh, hoặc mất gốc thì sẽ gần như không có cách nào cứu vãn trong khoảng thời gian một năm học lớp 12. Vì đề thi chú trọng vào kiểm tra ngữ pháp là chính, các bài đọc thì tập trung vào nội dung khó, và bài thi viết thì hoàn toàn nằm ngoài tầm với của những em không biết hoặc biết tiếng Anh từ trung bình trở xuống.
Tiếng Anh cần trí nhớ
Môn tiếng Anh có đặc thù rất khác môn học khác ở bậc phổ thông, đó là biết thì làm đúng, không biết thì “chết chắc”, vì môn này cần trí nhớ nhiều hơn khả năng suy luận. Nếu học sinh biết những từ vựng, hay biết cấu trúc ngữ pháp... mà bài thi hỏi tới thì sẽ làm đúng được câu hỏi đó, còn nếu không biết thì sẽ chỉ có cách duy nhất là điền bừa, chứ không cách nào để có thể suy luận hoặc dùng logic để tìm ra câu trả lời như những môn học khác.
Học tiếng Anh cần một sự tích lũy trong dài hạn, học cấp tốc trong ngắn hạn thường mang đến sự thất vọng nhiều hơn là tiến bộ. Chính vì thế, khi học sinh bắt buộc phải ôn thi môn tiếng Anh trong vòng vài ba tháng để thi sẽ rất khó để đạt được kết quả khả quan. Vì lúc ấy các em sẽ phải đối mặt với một biển cả mênh mông vô tận của từ vựng, ngữ pháp và cả ngữ âm (bài thi có kiểm tra kiến thức ngữ âm).
Học sinh sẽ không biết bắt đầu học từ đâu và càng không biết làm cách nào để có thể nhớ được tiếng Anh với rất nhiều từ vựng mới, rất nhiều quy tắc ngữ pháp rối rắm và đầy rẫy những ngoại lệ. Chưa kể bài thi môn tiếng Anh trong kỳ thi vừa rồi có bài đọc chứa rất nhiều từ mới khi so sánh với chương trình học tiếng Anh phổ thông, các câu hỏi ngữ pháp và ngữ âm thì luôn có đặc thù là biết thì điền đúng, không biết thì chỉ có nước điền bừa. Chính vì thế nếu đề thi năm 2016 tiếp tục cách ra đề tương tự như kỳ thi vừa rồi thì tình trạng điểm số sẽ vẫn không khác là bao so với năm 2015.
TOEFL, IELTS không có câu hỏi kiểm tra ngữ pháp
Hiện nay bài thi TOEFL và IELTS đã bỏ hẳn những câu hỏi kiểm tra ngữ pháp như từng áp dụng cách đây khoảng 15 năm. Chúng ta đều biết rằng TOEFL và IELTS là những bài kiểm tra trình độ tiếng Anh do các tổ chức giáo dục quốc tế uy tín hàng đầu xây dựng và khảo thí. Hiện nay chúng luôn chứng minh được độ tin cậy cao với khả năng xác định chính xác trình độ tiếng Anh của thí sinh.
Không có câu hỏi dành riêng cho phần ngữ pháp, nhưng sự thực là bài thi TOEFL và IELTS đánh giá kiến thức ngữ pháp của người dự thi thông qua bài đọc hiểu và đặc biệt là bài viết. Khi các chuyên gia xây dựng đề thi TOEFL và IELTS quyết định bỏ phần kiểm tra ngữ pháp trong bài thi là họ nhận thấy rằng sau nhiều năm kiểm tra kiến thức ngữ pháp thuần túy, họ chỉ thu được những người biết hoặc thuộc tiếng Anh, chứ không đánh giá đúng những người có năng lực sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp thực tiễn với 4 kỹ năng cơ bản là Nghe, Nói, Đọc và Viết.
Hiện nay trong các đề thi tiếng Anh quốc tế phổ biến, chỉ còn TOEIC là bài thi có khoảng 10% số câu hỏi kiểm tra ngữ pháp, nhưng kiến thức ngữ pháp trong bài thi TOEIC đơn giản hơn khá nhiều so với kiến thức ngữ pháp được hỏi trong bài thi tiếng Anh THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, vì nó tập trung vào những kiến thức ngữ pháp thiết yếu hay dùng chứ không hỏi vào những chi tiết cá biệt, ít dùng như bài thi THPT quốc gia của Việt Nam.
Còn lại bài thi TOEIC dành phần lớn dung lượng cho việc kiểm tra kỹ năng đọc hiểu. Các bạn đừng nhầm một số câu hỏi trong phần 5 và phần 6 của bài thi TOEIC là kiểm tra ngữ pháp khi thấy họ cũng bắt điền vào chỗ trống. Thực chất một phần không nhỏ trong câu hỏi của phần 5 là kiểm tra từ vựng, và phần 6 thì tập trung vào kiểm tra khả năng sử dụng đúng từ vựng trong bối cảnh của bài đọc, tức là kiểm tra khả năng đọc hiểu và từ vựng chứ không ưu tiên cho ngữ pháp.
*Đề tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia
Thầy giáo Nguyễn Anh Đức
Tác giả cuốn sách Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh