Khi treo những tấm hình của Diễm My lên dây để chờ hình khô, ông chủ kiêm nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ chú ý đến vẻ đẹp rực rỡ của chị. Và khi quay lại lấy hình, Diễm My nhận được lời mời chụp hình lịch của nhiếp ảnh gia này.
Thực tế, người đầu tiên chụp hình Diễm My đưa lên báo là nhiếp ảnh gia Phan Bá Đương. Nhưng Nguyễn Kỳ mới là người đưa Diễm My đến gần hơn, rộng rãi hơn với công chúng, bởi ngày ấy lịch là của hiếm, mọi người phải bỏ tiền ra mua chứ không được tặng tràn lan như bây giờ.
Dù trước khi chụp ảnh lịch, Diễm My đã đóng 2 bộ phim nhựa đen trắng của đạo diễn Lê Dân Trang giấy mới (1979) và Tiếng sóng (1983), nhưng rất ít người biết chị là diễn viên điện ảnh. Vì thế dưới mỗi tấm hình lịch, tên chị chỉ được chú thích hai chữ khiêm tốn: Diễm My, mãi sau này mới là diễn viên điện ảnh Diễm My.
Diễn viên điện ảnh Diễm My. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
So với các giai nhân màn bạc ngày ấy như Hà Xuyên, Thúy Lan, Bích Liên... gương mặt Diễm My có sức hút mạnh hơn đối với người biên tập lịch nên ngoài một hình trang trong, chị luôn được chọn lên bìa.
Khoảng những năm 1985, đi đâu cũng thấy Diễm My trên lịch. Điều này làm bản thân chị cũng rất bất ngờ. Sau năm ấy, cát-xê Diễm My là 500.000 đồng một ngày chụp, rồi tăng lên 1 triệu đồng.
Nhớ lại, Diễm My kể: "Làm người mẫu lịch lúc đó giống như làm một công chức nhà nước vậy. Cứ 8h sáng, người mẫu và nhiếp ảnh có mặt tại công viên. Chụp từ sáng đến chiều, cho đến khi hết nắng thì hết chụp, thường 5h chiều là xong".
Điều khiến chị thích nhất khi làm người mẫu lịch là được đi nhiều nơi trên đất nước, vì ngày đó chưa có kỹ xảo ghép hình nên muốn chụp ở địa điểm nào, người mẫu phải "bay" tới đó.
Trong suốt 4 năm từ 1985 đến 1988, Diễm My nghiễm nhiên trở thành top model ảnh lịch. Công nghệ chụp hình và in ấn của Sài Gòn ngày ấy tốt hơn ở Hà Nội nên lịch Diễm My được tiêu thụ mạnh ở ngoài Bắc. Không quá tự tin khi nói rằng: cuối thập niên 80, hầu như nhà nào cũng treo lịch Diễm My.
Cho đến khi Sài Gòn xuất hiện các người đẹp khác như Kiều Thanh (Hoa hậu áo dài 1988), Lý Thu Thảo (Hoa hậu TP HCM 1989), diễn viên điện ảnh Diễm Hương, Mộng Vân..., Diễm My vẫn tiếp tục trụ vững trên các tấm ảnh lịch, đến nỗi nhiều người tưởng chị cùng trang lứa với những người đẹp kia.
Cũng vì quá nổi tiếng trên lịch nên cái tên Diễm My được ngưỡng mộ lớn ở Đà Nẵng và miền Tây, nơi người dân thần tượng ngôi sao một cách thực sự. Thế là trong những chương trình ca nhạc ở tỉnh, các bầu sô thường mời Diễm My tới giao lưu để khán giả tận mặt nhìn "Nữ hoàng lịch" bằng xương bằng thịt. Đó là thời điểm cuối năm 1989 đầu năm 1990.
Khán giả kéo nhau tới sân vận động để "nghe Ngọc Ánh - xem Diễm My" (Ngọc Ánh là ca sĩ ngôi sao của Sài Gòn thời đó). Trong những chương trình như thế, cát-xê của Diễm My là 4 triệu đồng cho 2 đêm, ngang bằng với ca sĩ ngôi sao. Ca sĩ thường phải hát tới 4 bài mỗi đêm, còn diễn viên điện ảnh lên giao lưu, chỉ cần trả lời vài ba câu hỏi chưa đầy 5 phút đồng hồ.
Nhớ lại thời hoàng kim, Diễm My phải công nhận: "Kiếm rất nhiều tiền mà không phải cực khổ gì hết". Sau này, ngôi sao cỡ Diễm Hương, Việt Trinh, Lý Hùng còn được trả cát-xê giao lưu cao hơn Diễm My nhiều. Cũng chính vì là ngôi sao một thời nên sau này các đạo diễn muốn mời Diễm My vào các vai nhỏ rất e dè vì sợ "cô ấy đòi cát-xê cao". Nhưng thật tình đối với nghệ thuật, Diễm My không bao giờ đặt nặng vấn đề tiền bạc. Chị khẳng định, kể cả thời được phong là sao, chị cũng không đòi cát-xê, thậm chí có trả thấp hơn người khác chị cũng không quan tâm.
(Theo Thể Thao Ngày Nay)