Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thay thế Quy định số 260, ngày 2/10/2009. Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang cho biết, quy định 260 góp phần sàng lọc, thay thế những cán bộ làm việc kém hiệu quả, yếu về năng lực, trách nhiệm, đạo đức mà không chờ hết nhiệm kỳ, thời hạn bổ nhiệm hay hết tuổi công tác. Từ đó, chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từng bước nâng cao.
Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực hiện, nhiều điểm của quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa cập nhật đầy đủ chủ trương, quy định mới của Đảng về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Nhiều vấn đề chưa bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành quy định mới.
Theo ông Quang, điểm mới nổi bật là Bộ Chính trị đã quy định hai hình thức "miễn nhiệm" và "từ chức" đối với cán bộ và áp dụng trong phạm vi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Về miễn nhiệm, cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.
Về từ chức, Bộ Chính trị quy định cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, khi có đủ căn cứ theo quy định của Bộ Chính trị. Căn cứ chủ yếu do cán bộ hạn chế về năng lực, trách nhiệm hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; hoặc để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng, hoặc có thể vì những lý do chính đáng khác của cá nhân.
Quy định xác định rõ cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức. Đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức. Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ theo quy định của Bộ Chính trị.
Phó Ban Tổ chức Trung ương cho biết, quy định lần này xác định rõ những căn cứ và quy trình để xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; rút ngắn thời gian và thống nhất thành một quy trình để thuận lợi trong tổ chức thực hiện. "Yêu cầu đặt ra là phải kiên quyết, kịp thời cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đầy đủ căn cứ theo quy định của Bộ Chính trị và tuyệt đối không được thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm".
Quy định xác định rõ việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc để cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Nếu người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy theo tính chất, mức độ của sai phạm để xem xét cho từ chức.
"Như vậy, Quy định mới của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, tạo bước đột phá, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đối với người đứng đầu vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước", ông Quang nói.
Theo Xây dựng Đảng