Biển Lộc An, thuộc xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, cách trung tâm TP Vũng Tàu khoảng 50 km, gần đây thu hút nhiều sự quan tâm, yêu thích của du khách với khung cảnh vắng vẻ và lãng mạn.
Chị Mây Nguyễn, người bản địa, hướng dẫn du khách đến biển Lộc An theo quốc lộ 51B, rẽ vào lối đi đến thị trấn Long Hải rồi qua núi Minh Đạm. Kè đá Lộc An và bãi biển công cộng Lộc An nằm sát nhau, cách quốc lộ khoảng 300 m. Đường vào kè đá là đường cát, chỉ cần đi chậm tránh xe bị trượt bánh.
Đường từ Long Hải tới Lộc An sẽ đi qua chợ Phước Hải. Vào những ngày đầu năm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sắc hồng của hoa anh đào nở rộ hai bên đường. Tại đây du khách có thể dừng để mua những loại hải sản tươi sống, trong có đặc sản hàu, làm nguyên liệu tổ chức tiệc nướng trên bãi biển.
Anh Phạm Tuy Sơn, chủ nhà hàng Vườn Dừa gần kè đá Lộc An, cho biết kè đá nằm ngay bên bãi tắm công cộng, dài khoảng 500 m chạy từ đất liền ra biển. Kè được xây dựng khoảng hai năm trước, là địa điểm câu cá yêu thích của dân địa phương. Sau khi những hình ảnh chụp tại kè đá được đăng tải trên mạng xã hội, từ khoảng cuối tháng 4, địa điểm này bắt đầu thu hút nhiều khách du lịch. Đường đi rộng rãi, có các khối đá chắn sóng nằm hai bên, có thể đi xe máy hoặc ôtô.
Biển Lộc An trong xanh và kín gió, bãi cát phẳng và sạch, còn là địa điểm lý tưởng để du khách đi dạo, ngắm bình minh và hoàng hôn. Du khách cũng có thể tự mang lều, trại đến cắm và tổ chức tiệc nướng miễn phí.
Ngoài kè đá, du khách có thể di chuyển theo quốc lộ thêm khoảng gần 1 km để đến bến đò Lộc An, điểm hẹn của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Bến Lộc An đã đi vào lịch sử những con tàu không số, trở thành điểm tiếp nhận ba chuyến hàng chiến lược quan trọng với hơn 100 tấn vũ khí cung cấp cho lực lượng cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, theo cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đi qua bến đò, cảng cá Lộc An cách bãi biển khoảng 1,5 km cũng là một địa điểm check in với những chiếc thuyền mũi nhọn, thuyền thúng câu hình tròn nhiều màu sắc của người dân địa phương. Tuy nhiên, vì đây là làng chài nên có nhiều rác sinh hoạt của người dân, gây mùi và làm mất tính thẩm mỹ khi lên ảnh.
"Cảnh biển nơi đây không đẹp so với Phú Yên hay Khánh Hòa nhưng giản dị, hoang sơ. Ven đường biển nhiều nơi vẫn còn rừng phòng hộ và chủ yếu là các làng chài có khung cảnh yên bình", anh Trần Việt Dương, người ghé kè đá Lộc An hôm 28/4 khi đạp xe từ Hà Nội về Long An, cho biết.
Đến Lộc An, du khách có thể thưởng thức những món địa phương như cá thòi lòi nấu me, gỏi cá Lộc An hay rượu đế do chính người Lộc An chưng cất. Ngoài ra, du khách có thể hỏi địa điểm các vườn nhãn, vườn khoai mài trong khu dân cư cách bãi biển khoảng 1 km để đến tham quan hoặc mua về làm quà. Củ mài là một đặc sản của huyện Đất Đỏ, một loại nguyên liệu trong thuốc Đông y, được người dân chế biến thành nhiều món như cháo củ mài, canh củ mài hầm xương.
Do nằm tách biệt hoàn toàn với khu dân cư, biển Lộc An khá yên tĩnh và còn hoang sơ, chưa có nhiều dịch vụ du lịch, phù hợp với những người thích gần gũi thiên nhiên. Gần bãi biển có một vài nhà nghỉ, khách sạn để du khách nghỉ lại, giá dao động 300.000-500. 000 đồng một đêm.
Quỳnh Mai