Những nhà làm luật thời đó tin rằng cần phải "kĩ" như vậy để bảo vệ người dân trước những doanh nghiệp kém chất lượng. Tiêu chuẩn nào nghe cũng đều có lý, nhưng thực tế, thủ tục chứng minh rất phiền hà, hiệu quả đem lại không cao. Các doanh nghiệp tốt tự thân nó vẫn sẽ tốt, còn những kẻ lợi dụng doanh nghiệp để gây hại vẫn hoàn toàn có thể vượt qua các "bài test" kể trên của chính quyền. Lợi bất cập hại còn ở chỗ người dân có tâm lý cứ có doanh nghiệp nào gây hại, thì nguyên nhân một phần là do nhà nước quản lý không nghiêm. Bảo hộ quá mức khiến nhà nước càng phải siết chặt hơn trong quản lý. Vòng lặp trở nên vô tận.
Thật may mắn khi chúng ta đã thoát khỏi tư duy bảo hộ đó trong luật doanh nghiệp. Ngày nay, có thể chấp nhận với nhau rằng kinh doanh tốt không nhất thiết phải là kết quả của việc có bằng cấp, hay đủ vốn. Những người làm chính sách đã thay đổi tư duy từ nhà nước bảo hộ mọi thứ, sang vai trò hậu kiểm và phân xử khi có vi phạm, tranh chấp. "Giấy phép" doanh nghiệp năm nào trở thành "giấy chứng nhận". Tuy thỉnh thoảng vẫn có những tình huống "bỏ lọt" gây bức xúc, nhưng nhìn chung kinh tế Việt Nam không vì thế mà chậm phát triển. Tư duy hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào thị trường, xã hội chính là tiền đề cho bất kỳ đề án tinh gọn bộ máy nhà nước nào.
"Tinh gọn bộ máy nhà nước" là một xu hướng của thế giới hiện đại. Trước đây, khi dân trí thấp, người dân không đủ nguồn lực để tự đối phó với thiên tai, địch họa, hay sự bất cân xứng về thông tin của thị trường, thì nhà nước được xem như giải pháp để bảo vệ người dân trước những khiếm khuyết kể trên. Sự kì vọng đó dẫn đến việc nhà nước buộc lòng phải "to" và bảo hộ nhiều thứ, dần trở nên cồng kềnh.
Tuy nhiên, các giải pháp do nhà nước đưa ra trên thực tế không phải lúc nào cũng là tối ưu. Giải pháp xã hội, thị trường luôn được đánh giá là có sự sáng tạo hơn, vì nó gắn liền với động lực của những chủ thể thụ hưởng trực tiếp. Đó chính là lý do mà Việt Nam đã từ bỏ "bao cấp" để thử nghiệm thành công mô hình kinh tế thị trường có định hướng của nhà nước. Đó cũng là lý do mà Việt Nam tiến hành đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm biên chế, cổ phần hóa trước đây. Gần đây nhất, đó cũng là động lực để Việt Nam từ bỏ hàng loạt giấy phép con.
Khi nhà nước không còn cần can thiệp trong mọi việc, tức là vai trò của nhà nước không còn là bảo hộ, thì tất yếu nhà nước không có lý do để cồng kềnh, và việc tinh gọn vì vậy trở nên dễ thuyết phục hơn.
Từ lý luận đó, quá trình "tinh gọn" hiện nay cần được hiểu đúng. Tinh gọn không chỉ có nghĩa là giảm biên chế hay sáp nhập, tổ chức lại các cơ quan nhà nước. Đây chỉ là các bước thực hiện kết quả của tinh gọn chứ không phải là mục đích cuối cùng. Mục đích của "tinh gọn" phải là để nhà nước năng động hơn và khơi dậy được sức dân. Điều này đặt ra một yêu cầu khác đối với người dân. Những việc trước đây người dân phải chờ đợi đến sự cho phép của nhà nước, nay người dân phải tự sắp xếp và chịu trách nhiệm. Những tranh chấp trước đây thường phải do chính quyền đứng ra hòa giải, nay người dân và xã hội phải tự tìm ra phương pháp giải quyết.
Trong kỷ nguyên "vươn mình", mọi chuyện không thể cứ để nhà nước lo, mà người dân cũng cần phải chung tay, bắt đầu từ việc giải quyết chính vấn đề của mình. Sự giao tiếp của người dân và bộ máy công quyền càng ít, chứng tỏ sự gọn nhẹ của bộ máy, và sự trưởng thành của xã hội. Như một sân bay hiện đại sẽ có đủ bảng chỉ dẫn, rõ ràng, rành mạch để giúp cho du khách đến được nơi mình cần đến mà không cần phải thêm nhân lực, ban bệ hướng dẫn. Khi đó, không chỉ có nhà nước "tinh gọn", mà xã hội và thị trường cũng trơn tru, cởi mở hơn. Việc tinh gọn lúc này sẽ chỉ là một sự thật tất yếu, khách quan cần phải diễn ra.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nhà nước bỏ mặc dân. Trái lại, nhà nước vẫn ở đó để giúp khắc phục, hạn chế những hậu quả, khiếm khuyết mà thị trường gây ra, trong một chừng mực cho phép. Đó là sự cân bằng giữa tự do và an toàn, giữa bảo hộ và quản lý, và phải tìm cho được điểm cân bằng này.
Tôi nghĩ chiến dịch "tinh gọn" lần này cần phải bắt đầu bằng việc tự định nghĩa lại vai trò của nhà nước trong cuộc sống xã hội. Nếu chúng ta vẫn tin rằng việc gì nhà nước quản lý vẫn hơn, thì sẽ khó có một nhà nước "tinh gọn". Nhưng nếu tin rằng giải quyết vấn đề xã hội không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nhu cầu của người dân, thì khi đó chúng ta sẽ thoải mái hơn với một chính quyền tinh anh và gọn nhẹ.
Lê Nguyễn Duy Hậu