Khi các lãnh đạo Yahoo tụ họp tại một khách sạn ở San Jose (California, Mỹ), để nghỉ ngơi vào mùa xuân 2006, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy công ty sắp khủng hoảng. Khi đó, đại gia Internet vừa kết thúc năm 2005 với 1,9 tỷ USD lợi nhuận trên 5,3 tỷ USD doanh thu.
Những ngày khó khăn khi bong bóng dot com vỡ vụn đã là ký ức xa xôi. Và Yahoo đang tận hưởng những hợp đồng quảng cáo béo bở từ các thương hiệu lớn nhất thế giới. Họ đang là cái tên dẫn đầu trong ngành công nghiệp hot nhất toàn cầu.
Sau đó, họ bắt đầu chơi trò chơi, yêu cầu mọi người nói ngay từ đầu tiên xuất hiện trong đầu khi nhắc đến tên một công ty. Thế là eBay đi kèm với đấu giá, Google là tìm kiếm, Intel - bộ vi xử lý, Microsoft - Windows. Nhưng khi đến Yahoo, "có người nói Mail, có người nói Tin tức, người khác lại bảo Tìm kiếm", Brad Garlinghouse - Phó chủ tịch cấp cao của Yahoo khi đó nhớ lại.
Dù các lãnh đạo cho biết đây chỉ là hoạt động năm nào cũng làm vài lần, nó cũng là dấu hiệu báo trước rắc rối sắp bắt đầu. Nguyên nhân chính là sự khủng hoảng về độ nhận diện.
Trên thực tế, sự lụi tàn của Yahoo là sản phẩm của những quyết định sai lầm suốt hơn một thập kỷ qua. Trong cuộc phỏng vấn của Reuters với hàng chục cựu lãnh đạo Yahoo, họ đều đồng ý rằng sự suy yếu của Yahoo là do các lựa chọn của cả lãnh đạo và hội đồng quản trị công ty trong giai đoạn đỉnh cao giữa những năm 2000.
Họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội khá rõ ràng - mua Facebook với 1 tỷ USD năm 2006, mua Google năm 2002. Họ cũng không kịp mua YouTube. Rồi Skype lại bị eBay nẫng tay trên. Năm 2008, Microsoft muốn mua Yahoo với giá 45 tỷ USD, nhưng cũng bị lãnh đạo Yahoo từ chối.
Ngoài các thương vụ bị bỏ lỡ, văn hóa công ty quá quan liêu và tập trung vào hình thức quảng cáo truyền thống, trong bối cảnh công nghệ biến đổi nhanh chóng, cũng là một nguyên nhân. "Nếu anh tạo ra một sản phẩm mới, nhưng trang chủ không muốn tích hợp nó, anh sẽ bị từ chối", Greg Cohn - cựu giám đốc sản phẩm cấp cao của Yahoo cho biết.
Tệ nhất là, khi Google thay thế Yahoo làm công cụ tìm kiếm số một trên Internet, Yahoo không thể quyết định được họ sẽ trở thành công ty như thế nào nữa.
Thời hoàng kim, Yahoo sử dụng màu tím biểu tượng của họ mọi lúc mọi nơi, trên bánh quy, bánh kem, thảm trải và cả ly rượu. "Khi Coca Cola đến văn phòng, chúng tôi lại trải thảm tím ra", Wenda Harris Millard – cựu giám đốc bán hàng của Yahoo cho biết.
Khi đó, tất cả các công ty lớn, từ Coke đến General Motors đều muốn tới văn phòng của Yahoo ít nhất một lần mỗi năm. "Chúng tôi chỉ việc ký những hợp đồng khổng lồ với họ", Millard cho biết.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề của Yahoo là họ kiếm tiền bằng cách bán quảng cáo, giống y như cách các tờ báo in tồn tại vậy. Vì họ cho rằng mình là công ty truyền thông, chứ không phải hãng phần mềm. Họ kiếm tiền bằng quảng cáo, thay vì bán phần mềm.
Paul Graham - đồng sáng lập hãng hỗ trợ khởi nghiệp Y-Combinator từng tỏ ra khó hiểu với quan điểm này của Yahoo. Vì theo quan sát của ông, với văn phòng đầy các lập trình viên và các giám đốc sản phẩm luôn nghĩ về tính năng hỗ trợ người dùng, Yahoo lẽ ra phải là một hãng phần mềm.
"Hậu quả tồi tệ nhất của việc cố trở thành một hãng truyền thông chính là họ không coi trọng việc lập trình. Microsoft, Google và Facebook đều có văn hóa chú trọng vào lập trình. Còn Yahoo thì chỉ coi đó như một loại hàng hóa", Graham cho biết.
Hậu quả của việc này trở nên rõ ràng hơn sau đó. Năm 2003, Yahoo mua Overture - công ty phát minh ra công nghệ quảng cáo theo từ khóa tìm kiếm đã giúp Google trở nên giàu có. Tuy nhiên, họ không bao giờ có thể tạo ra một đối thủ mạnh để cạnh tranh được với AdWords và AdSense của Google.
Trong khi đó, các sản phẩm đang dẫn đầu thị trường như Yahoo Mail, và các nền tảng truyền thông xã hội như Yahoo Group đều gặp khó, khi các giám đốc tranh cãi sản phẩm nào nên được ưu tiên trên trang chủ Yahoo. Những nền tảng vừa được mua lại với nhiều tiềm năng, như ứng dụng chia sẻ ảnh Flickr hay đánh dấu đường dẫn Delicious, đều bị lép vế trong cuộc chiến này.
Các nhân viên Yahoo khi đó đều quay cuồng với những cuộc họp nội bộ không ngừng nghỉ và sản phẩm ưu tiên thay đổi liên tục. Kết quả là tiền bị chia ra cho quá nhiều mảng, nên mỗi mảng chỉ nhận được không đáng kể.
Đến năm 2007, Yahoo để mất thị phần rất nhanh vào tay Google. Các đối thủ mới như Facebook hay Netflix cũng ngày càng lớn mạnh. Lời đề nghị mua lại từ Microsoft năm 2008 đã gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Yahoo. Và tình trạng này vẫn còn tiếp diễn dù Microsoft đã rút lại lời chào mua.
Đồng sáng lập Yahoo - Jerry Yang rời công ty năm 2008. Yahoo từ đó đã thay 3 CEO, cho đến khi bà Marissa Mayer được bổ nhiệm năm 2014.
"Biến động lãnh đạo đã khiến cả hội đồng quản trị, ban lãnh đạo và các nhân viên nói chung rất khó tập trung vào cùng một mục tiêu", Dan Rosensweig - cựu COO Yahoo cho biết.
Khi Mayer nhậm chức, Yahoo đã bị Thung lũng Silicon coi là công ty từ thế kỷ khác. Họ có nhiều tiền mặt, nhưng ít lợi thế chiến lược so với các đối thủ lớn hơn nhiều. Rất nhiều nhà phân tích cho rằng Mayer chỉ khiến Yahoo càng gặp rắc rối với các thương vụ mua lại và những đợt tuyển dụng sai lầm.
Sau thương vụ với Verizon hôm qua, Mayer cho rằng quy mô mới sẽ giúp Yahoo bắt kịp trong mảng di động, quảng cáo và mạng xã hội. Nhưng lịch sử ngành công nghệ cho thấy việc hồi sinh sẽ là rất khó.
Hà Thu (theo Reuters)