Dịch vụ ứng tiền nhanh được các hãng viễn thông di động tung ra nhằm hỗ trợ thuê bao trả trước khi hết tiền đột xuất. Tuy nhiên, phí để trả cho dịch vụ này đang khiến nhiều người dùng thắc mắc.
Chị Hạnh, ở quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết chỉ cần điện thoại của chị còn dưới 5.000 đồng là MobiFone gửi tin nhắn đến nhắc. Đồng thời, nhà mạng gửi thêm tin nhắn mời chào dịch vụ ứng tiền nhanh lên đến 50.000 đồng.
“Lần đầu ứng số tiền cao tôi thấy khá tốt, tuy nhiên khi nhìn lại mới thấy mức phí phải trả còn cao hơn cả lãi suất ngân hàng. Cụ thể, tôi ứng 37.500 đồng thì phí sẽ là 11.250 đồng được trừ vào lần nạp tiền sau đó. Như vậy, chẳng khác nào tôi phải chịu lãi tới 30%, trong khi đó, thời gian trả số tiền cũng chỉ trong vài ngày”, chị Hạnh nói.
Cũng ức chế khi ứng tiền của nhà mạng VinaPhone, Hoa, ở Tây Hồ, Hà Nội cho hay, ứng 10.000 đồng nhưng phải chịu mức phí 2.500 đồng. Như vậy khi nạp tiền trả nợ, chị phải nạp tổng cộng 12.500 đồng.
“Nếu lần nạp sau tôi chỉ nộp 20.000 đồng thì sau khi bị trừ tiền ứng tôi chỉ còn lại 7.500 đồng. Sau lần đầu tiên, tôi không dùng dịch vụ ứng tiền nữa để tránh mất quá nhiều phí”, Hoa nói.
Anh Quang ở Gò Vấp cho biết, thời kỳ trước khi sử dụng mạng Viettel anh chỉ được ứng 3.000 đồng cho mỗi đợt với cú pháp *911# và không mất phí. Gần đây khi điện thoại hết tiền anh luôn được nhà mạng này thông báo tài khoản đã hết và gợi ý vay tiền dịch vụ với kiểu soạn cú pháp DK gửi 9118, mức phí 10%.
“Khi đăng ký dịch vụ, đơn vị này lại gửi tin nhắn, trong đó, cho biết sẽ tự động ứng tiền cho tôi khi tài khoản của tôi còn dưới 1.000 đồng. Đặc biệt, thay vì mức phí 10% như thông báo trước đó thì thông báo này chỉ rõ phí dịch vụ từ 10% đến 30%. Tôi vay 5.000 đồng nhưng cũng phải trả mức phí lên tới 1.500 đồng, tức 30% số tiền đã ứng”, anh Quang bức xúc nói và cho biết, hình thức này trước đây chỉ là hỗ trợ khách hàng trong lúc cần gấp nhưng nay các nhà mạng tận dụng để cho vay. Mặc dù mức vay chỉ 5.000 - 50.000 đồng, nhưng nếu số lượng người dùng lớn thì mức lãi mà họ thu được cực lớn. “Tôi thấy mức vay này còn cao hơn 2-3 lần so với lãi suất ngân hàng là 8-10% một năm”, anh Quang tính toán.
Dịch vụ ứng tiền nhanh cho thuê bao trả trước được VinaPhone tung ra cuối tháng 11/2014. Theo đó, thuê bao của VinaPhone sẽ được ứng số tiền lên đến 50.000 đồng khi tài khoản chính rơi vào tình trạng hết tiền. Khi thuê bao nạp thẻ mới, số tiền đã được ứng trước sẽ được hoàn trả bằng cách tự động trừ trong tài khoản chính, cộng với mức phí dịch vụ tương ứng với số tiền được ứng. Cả mức tiền ứng và phí dịch vụ sẽ được VinaPhone gửi cụ thể qua tin nhắn.
Tương tự VinaPhone, tại hệ thống của Viettel, chỉ cần nhập cú pháp gửi qua tổng đài là khách hàng sẽ được vay tiền, mức phí 10-30% tiền vay và sẽ được thông báo cụ thể cho thuê bao trong tin nhắn đề nghị ứng tiền và tin nhắn thông báo ứng thành công. MobiFone cũng cho khách hàng ứng tiền từ 5.000 đồng đến 50.000 đồng, nhưng tùy từng thuê bao cụ thể. Mức phí dịch vụ sẽ tính theo quy định của nhà mạng và thông báo cụ thể cho thuê bao trong tin nhắn đề nghị ứng tiền, chứ không nói rõ giới hạn là bao nhiêu %.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện của MobiFone cho hay, dịch vụ này của hãng chỉ mới ra đời trong thời gian gần đây. Mức phí áp dụng tùy theo thời gian và mức độ tiêu dùng của khách hàng để đưa ra mức đề nghị ứng tiền phụ hợp.
Cụ thể, hệ thống sẽ phân tích và sắp xếp mỗi thuê bao vào mức sử dụng và số dư đề nghị ứng, trong đó, đưa ra 3 mức đánh giá khác nhau từ thấp đến trung bình và cao. Căn cứ trên thang điểm, nếu khách hàng được đánh giá sử dụng ở mức cao thì phí chi trả sẽ thấp và ngược lại. "Chúng tôi không bắt buộc khách hàng sử dụng dịch vụ mà đề nghị chỉ có hiệu lực khi được sự xác nhận và đồng ý thành công từ phía khách hàng. Dẫu vậy, trước sự phản ánh của khách hàng chúng tôi sẽ ghi nhận và sẽ có những giải pháp mang lại lợi ích cũng như sự tin tưởng của khách hàng", đại diện MobiFone nói.
Theo đánh giá của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, đây là một hình thức cho vay và vay tiền giữa khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông với nhà mạng, theo đó nhà mạng sẽ cho khách hàng "nạp tiền chịu" để sử dụng dịch vụ và sẽ thanh toán cho nhà mạng khi nạp tiền vào lần tiếp sau. Hợp đồng được giao kết giữa các bên được xem là hợp đồng miệng và bằng chứng để chứng minh có sự giao kết giữa hai bên là tin nhắn sử dụng dịch vụ ứng trước của khách hàng. Đáng lưu ý ở đây là nhà mạng thay vì chăm sóc khách hàng bằng cách tạo điều kiện tốt nhất thì họ lại đòi chi phí quá cao.
"Ban đầu, khi khách hàng ứng tiền họ không hề quan tâm quá nhiều đến mức phí. Số tiền được ứng không quá cao nhưng hàng nghìn người ứng tiền thì đây là một con số lớn. Do vậy, tôi nghĩ nhà mạng nên xem xét lại. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần can thiệp để bảo vệ quyền lợi người dùng", ông Hậu nói.
Ở một khía cạnh khác, ông Hậu cho rằng, bên cạnh việc khách hàng thiệt thòi thì việc nhà mạng sử dụng cách thức kiếm tiền này cũng đầy rủi ro. Bởi lẽ, đây là những khoản cho vay nhỏ lẻ đối với rất nhiều khách hàng khác nhau nên khả năng thu hồi khá thấp nếu khách hàng không thanh toán tiền nợ, đặc biệt là với những khách hàng mua sim sử dụng một lần hoặc dùng các chiêu thức nạp tiền nhỏ giọt. Do vậy, các biện pháp bảo đảm thanh toán trong quan hệ giao dịch này là không có và nhà mạng cũng không thể khởi kiện yêu cầu khách hàng thanh toán tiền nợ nếu khách hàng không trả nợ vì số tiền nợ quá nhỏ nên số tiền đòi được còn thấp hơn cả chi phí khởi kiện.
Thi Hà