Trong lúc đang chưa biết làm thế nào, cô gái 18 tuổi ở Hà Nội tình cờ biết đến dịch vụ thiết kế quần áo cũ thành đồ mới khi xem video trên mạng xã hội.
Gói chiếc quần gửi vào Sài Gòn nhưng Linh Chi không đặt nhiều kỳ vọng và đã sẵn sàng tâm lý sản phẩm không như ý. Nhưng khi nhận hàng là một chân váy jeans được may rất khéo, cô nói hài lòng bởi sản phẩm độc lạ, đúng gu thời trang, trong khi phí chỉ 100.000 đồng. Sau lần đó, Chi đã gửi hàng chục món đồ cũ nhờ thiết kế lại.
Thanh Ly, 25 tuổi, ở Hải Phòng tự nhận mình là người chuộng hình thức và cuồng mua sắm nên tháng nào cũng mua 4-5 bộ quần áo mới. Cũng vì thế mà tủ quần áo của cô luôn trong tình trạng chật cứng. Cô không bán thanh lý vì thấy các món đồ đều còn rất mới nhưng cũng không biết xử lý thế nào.
Đầu tháng 8, sự xuất hiện của dịch vụ thiết kế quần áo cũ giúp Ly tìm thấy hướng đi. "Tôi không ngờ từ chiếc quần jeans, áo sơ mi lỗi thời lại tạo ra được nhiều bộ đồ mới lạ đến thế", cô nói. Tiền công cho mỗi chiếc quần áo được "tái sinh" này dao động từ 30.000 đồng đến 200.000 đồng.
"Rẻ hơn nhiều so với việc mua mới mà vẫn mặc đồ chất lượng", cô gái 25 tuổi nói.
Dịch vụ sửa quần áo cũ thành món đồ có kiểu dáng khác mà Chi hay Ly sử dụng bắt đầu nở rộ từ đầu tháng 8, người nhận làm đa số ở Sài Gòn. Theo khảo sát của VnExpress, chỉ tính riêng nền tảng TikTok có khoảng 100 tài khoản nhận sửa chữa đồ. Nhiều bài đăng chia sẻ quá trình thực hiện thu hút hàng trăm nghìn lượt yêu thích, bình luận.
Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, nguyên giảng viên Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc người trẻ Việt đang dần chuộng mặc đồ thiết kế từ quần áo cũ không quá lạ lẫm bởi đây là một phần của xu hướng sống xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
"Cách tiêu dùng này rất thông minh, giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, tránh lãng phí, nhất là sau hai năm dịch bệnh khiến kinh tế bị ảnh hưởng", ông Cương nói. Bên cạnh đó, sự phát triển của xu hướng mới còn tạo cơ hội việc làm, nhất là trong giai đoạn thất nghiệp gia tăng.
Từ đầu tháng 8, Đào Mai Uyên (25 tuổi) ở Bắc Ninh, mở dịch vụ may đồ cũ thành mới, khi thấy nhiều người có nhu cầu. Khách hàng của cô đa phần là nữ, dưới 30 tuổi. Hầu hết quần áo khách gửi đến tiệm vẫn còn mới, chất liệu đẹp, trong đó có cả những món đồ là hàng hiệu cao cấp nhưng khách muốn đổi kiểu.
Mỗi lần nhận đồ, Mai Uyên mất nhiều thời gian suy nghĩ tạo kiểu dựa theo chất vải và mong muốn của khách nhưng vẫn phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản. Quần jeans chỉ nên thiết kế thành chân váy dài hoặc váy ngắn kết hợp cùng áo hai dây do vải cứng, dễ lên dáng. Áo sơ mi dáng dài có thể biến tấu thành váy trong khi một số váy liền nên sửa thành crop top (áo ngắn) hoặc váy khoét lưng là đẹp nhất. Ngoài yêu cầu số đo như may quần áo mới, Uyên đề nghị khách gửi thêm số đo ba vòng, chiều cao, cân nặng để bộ đồ được vừa vặn nhất.
So với sửa chữa hay cắt may truyền thống, Uyên nói thiết kế đồ cũ khó hơn bởi lượng vải rất hạn chế, nhiều chất liệu đã cũ và nhũn nên khó tạo kiểu. Không ít lần, cô phải từ chối khi gặp chất liệu dễ co rút, khó lên dáng hoặc không đủ vải tạo kiểu theo ý khách.
Từ vài ngày mới có một đơn, hiện trung bình mỗi ngày Uyên nhận hơn 10 gói hàng gửi về, hẹn trả sau 15 - 20 ngày. Giá mỗi lần sửa dao động từ 80.000 đồng đến 200.000 đồng, tùy loại.
Cũng cung cấp dịch vụ thiết kế quần áo cũ từ đầu tháng 8, Xuân Nhạn (24 tuổi) ở TP HCM, cho biết số đơn khách đặt tăng theo ngày. Cô từng làm kế toán tại một công ty nhưng thấy công việc này rất triển vọng lại phù hợp với sở thích cá nhân nên chuyển nghề.
Ngay khi chia sẻ video đầu tiên tự thiết kế đồ cũ lên trang cá nhân, cô gái 24 tuổi lập tức nhận 30-40 yêu cầu đặt hàng. Dẫu vậy, trung bình mỗi tháng Nhạn chỉ nhận tối đa 70 đơn hàng để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tránh để khách chờ lâu.
Cũng có đôi lần nữ thợ may bị khách chê thiết kế không đúng ý, phải sửa lại nhiều lần. "Quần áo sửa chắc chắn không hoàn hảo như nguyên gốc, nhưng tôi luôn cố gắng thiết kế cho đến khi khách hài lòng", Nhạn nói.
Đánh giá cao xu hướng mới nhưng PGS.TS Đỗ Minh Cương khuyến cáo mọi sự sáng tạo, phá cách cần tuân thủ các chuẩn mực xã hội, tránh những thiết kế dị hợm. "Dù đổi mới, sáng tạo cũng cần giữ giới hạn, đừng biến những xu hướng có xuất phát điểm ban đầu là tích cực trở nên xấu xí", ông Cương nói.
Với những người muốn tự thiết kế quần áo cũ thay vì gửi đến thợ do ngại chờ lâu hoặc muốn nâng cao tay nghề, nữ thợ may Xuân Nhạn khuyên nên tìm hiểu kỹ các video hướng dẫn, sau kiên trì tập luyện.
"Việc luyện tập nên làm thường xuyên, liên tục. Đến khi quen tay, định hình được kiểu cách muốn thực hiện, việc sửa chữa các món đồ cũ cũng dễ dàng hơn", Nhạn nói.
Quỳnh Nguyễn