Năm 2022, người mẫu nổi tiếng Emily Ratajkowski, người vừa chia tay chồng đã "khoe" chiếc nhẫn ly hôn của mình trên Instagram. Sản phẩm này được làm lại bởi Alison Lou, một nhà kim hoàn tại New York, cũng chính là thương hiệu đã tạo ra chiếc nhẫn đính hôn cho cô.
Barkev Meserlian, người sáng lập và CEO của cửa hàng trang sức Barkev's ở California nói rằng, trong trường hợp của Emily Ratajkowski, hai chiếc nhẫn ly hôn mới của cô được chế tác lại từ chiếc nhẫn đính hôn cũ gồm hai viên đá quý.
"Khách hàng tìm cách tái tạo nhẫn cưới thành nhẫn ly hôn đã có sự tăng trưởng đáng kể thời gian gần đây", Meserlian nói. "Mọi người đang tìm cách để biểu tượng hóa việc bước tiếp sau cuộc hôn nhân đổ vỡ trong khi vẫn giữ giá trị tình cảm của trang sức gốc".
Thương hiệu trang sức Fewer Finer ở New York mới đây cũng đăng tải một clip chia sẻ việc dùng lại viên kim cương từ một chiếc nhẫn cưới cũ tạo thành một chiếc nhẫn mới có biểu tượng "mắt quỷ" với niềm tin bảo vệ người đeo bởi mọi thế lực xấu. Nhà chế tác cũng khắc chữ "badass" (bá đạo) bên trong.
Zache Emigh-nhà thiết kế nhẫn đính hôn tại California cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự về việc tái chế nhẫn cho người đã ly hôn trên trang cá nhân với hơn 200.000 lượt theo dõi của mình.
"Ý tưởng về việc đeo kim cương từ cuộc hôn nhân trước có thể khiến một số người cảm thấy không thoải mái. Nhưng tôi nghĩ đó là một lựa chọn thông minh để tái sử dụng một thứ đẹp đẽ và tượng trưng cho sự khởi đầu mới", Zache Emigh nói.
Theo Meserlian, có nhiều cách để tái chế một chiếc nhẫn cưới cũ. Ví dụ như đổi kích cỡ hoặc hình dạng, thậm chí có thể làm tan chảy kim loại để tạo ra một chiếc nhẫn hoàn toàn mới. Khách hàng có thể chọn khắc thông điệp và biểu tượng tùy thích vào chiếc nhẫn ly hôn hoặc kết hợp với những loại đá quý đắt tiền.
"Việc thêm đá quý mới, đặc biệt là những loại mang tính chất chữa lành như thạch anh tím hoặc thạch anh hồng có thể biểu thị sự khởi đầu của một hành trình hàn gắn vết thương lòng" Meserlian chia sẻ. Vị này cũng khẳng định, dù quyết định thế nào thì việc tái chế nhẫn đính hôn hoặc nhẫn cưới cũng là một ý tưởng tốt nếu chủ nhân không biết phải làm gì với nó.
Meserlian cũng cho rằng, việc tái chế nhẫn là một quyết định có ý thức về môi trường và tài chính, vì tái sử dụng vật liệu có sẵn. Đó cũng là cách nhìn về tương lai với một biểu tượng hữu hình của sự kiên cường và yêu bản thân.
Không chỉ sửa nhẫn cưới thành nhẫn ly hôn, khách hàng còn có những lựa chọn khác phù hợp với nhu cầu. Jennifer, 27 tuổi, người vừa mới ly hôn đã không tái chế nhẫn cưới thành nhẫn khác mà dùng lại viên kim cương tạo thành mặt dây chuyền đeo cổ.
"Thay vì cất nó trong hộp, tôi muốn đeo nó để ghi nhớ rằng bản thân mình không bắt đầu lại từ đầu mà bắt đầu lại từ trải nghiệm", cô nói. "Hãy làm một điều gì đó giúp bản thân chữa lành hoặc tự trao quyền cho mình trên con đường mới sau khi một cuộc hôn nhân kết thúc".
Với Meserlian, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành trang sức, có nhiều cách để xử lý di sản sau ly hôn. Việc chuyển đổi nhẫn cưới thành nhẫn ly hôn theo ông là một cách thức mạnh mẽ để báo hiệu sự khởi đầu mới.
"Nó biến một vật phẩm có thể kích hoạt những ký ức đau buồn thành một biểu tượng của sức mạnh, kiên cường và hy vọng cho tương lai", vị này chia sẻ.
Trang Vy (Theo popsugar)