Con mèo nặng 3 kg, 18 tháng tuổi của Huy được bác sĩ thú y chẩn đoán trầm cảm. Trận mưa lớn kèm sấm sét khiến nó hoảng loạn, rơi từ tầng 3 xuống và tử vong. Mất thú cưng, Huy suy sụp tinh thần nên muốn hoả táng giữ lại cốt. "Tôi xem nó như con mình nên muốn mai táng tử tế", chàng trai 27 tuổi ở huyện Hóc Môn nói.
45 phút sau, nhân viên dịch vụ mai táng có mặt. Họ nói lời chia buồn với Huy rồi cho mèo vào balo mang đi. Anh nhận được hình ảnh cập nhật, Bim được làm sạch, sấy khô lông, quấn vải trắng, đặt trên khay có hoa cúc vàng và nến. "Tang lễ" kéo dài khoảng 15 phút, cuối cùng được mang đi hoả táng.
Huy chi hai triệu đồng cho dịch vụ này. Khoảng 6 tiếng sau anh nhận lại hũ gốm đựng cốt của Bim. Anh đặt nó cạnh bát ăn của Bim trên thanh gỗ, treo nơi góc phòng để tưởng niệm.
Dịch vụ tang lễ thú cưng mà Huy sử dụng đã xuất hiện ở TP HCM được khoảng ba năm nhưng bắt đầu nở rộ và được nhiều người biết đến kể từ đầu 2023. Đây được cho là sự ra đời tất yếu trong bối cảnh người Việt ngày càng chuộng nuôi thú cưng, coi chúng như thành viên trong gia đình, được đặt tên và sinh hoạt chung với gia chủ.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, thị trường thú cưng Việt Nam phát triển bùng nổ, tăng trưởng nhanh thứ hai ở Đông Nam Á, theo hãng nghiên cứu thị trường iPrice. Số lượng tăng mạnh kéo theo các ngành dịch vụ chăm sóc phát triển. Xử lý thú cưng chết cũng là bài toán cần giải quyết trong bối cảnh các đô thị lớn không có quỹ đất để chôn cất chúng.
Anh Hồ Đắc Trung, chủ cơ sở mai táng thú cưng tại TP Thủ Đức, cho biết trước đây chủ nuôi có hai cách xử lý phổ biến là vứt vào bãi rác hoặc đưa đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Ngày nay, thuê dịch vụ mai táng đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu của người nuôi.
Theo khảo sát nhanh của VnExpress, TP HCM hiện có 4-6 cơ sở cung ứng dịch vụ này với hình thức chung là hỏa táng, thời gian giao nhận trung bình 24 – 36 tiếng, giá từ một đến bốn triệu đồng, tùy theo cân nặng của vật nuôi.
Anh Trung cho biết nhu cầu với dịch vụ mai táng thú cưng tăng 30% tính từ tháng 1/2023, độ tuổi khách hàng phổ biến từ 25-35. Cơ sở của anh nhận 35-40 ca một tuần. Dịch vụ bao gồm đến đón thú cưng qua đời, tổ chức lễ tang (nếu có yêu cầu), hỏa táng (có hoặc không lấy tro cốt), giá dao động từ 540.000 đến 2,9 triệu đồng.
Cơ sở của anh Trung thường nhận chó, mèo mất do già yếu hoặc tai nạn. Chúng sẽ được "khâm liệm" bằng cách lau cồn, sấy khô lông. Mỗi con sẽ được bôi mực vào chân in lên giấy, giữ lại một phần lông hoặc móng làm kỷ niệm cho chủ.
Lễ tang thú cưng thường kéo dài 15-30 phút. Tên và ngày mất của chúng được ghi lên một tấm bảng. Anh sẽ đặt máy quay ghi lại cảnh đọc thư tưởng niệm của chủ (nếu có), vuốt ve an ủi mong chúng ra đi thanh thản. Chủ vật nuôi thường vắng mặt, chỉ xem lại các hình ảnh và video để theo dõi các thủ tục tang lễ.
Trần Sinh, Giám đốc Học viện đào tạo dịch vụ thú cưng TP HCM, nói mai táng là nhánh mới của ngành chăm sóc thú cưng. Theo báo cáo của tổ chức Pet Fair Asia năm 2021, doanh số ngành chăm sóc thú cưng Đông Nam Á đạt khoảng 4 tỷ USD. thị trường Việt Nam chiếm 13%, tương đương 500 triệu USD và tăng trưởng khoảng 11% một năm.
Theo anh Sinh, thói quen xử lý xác động vật bằng cách vứt xuống ao, hồ, kênh rạch sẽ tác động đến môi trường và sức khoẻ con người, đặc biệt là với các động vật mang bệnh truyền nhiễm. Dịch vụ mai táng thú cưng giải quyết được vấn đề trên, đồng thời cũng thể hiện được sự văn minh và nhân đạo của chủ vật nuôi. Tuy nhiên, các cơ sở mai táng thú cưng cần được kiểm tra về cách vận hành lò hoả táng, thực hiện các quy định pháp luật về xử lý xác động vật và môi trường.
Hỏa táng được xem là hình thức phù hợp nhất với vật nuôi trọng lượng lớn. Giữa tháng 9, chị Lê Hà (44 tuổi, ở quận 12) vừa buồn, vừa bối rối khi chú chó tên Shadow, thuộc giống Rottweiler nặng 35 kg bắt đầu hấp hối. "Nó khá nặng cân, thành phố không chỗ chôn cất. Tôi không nỡ mang ra bãi rác và điều này cũng không hợp lệ", Hà nói. Chị được bác sĩ thú y gợi ý dịch vụ mai táng thú cưng.
Chị gọi họ ngay lúc Shadow mất, khoảng 1h sáng. Chi phí mai táng ba triệu đồng, chị nhận được lọ đựng lông, móng và cốt của Shadown ngày hôm sau. Thi thoảng, người phụ nữ này vẫn xem lại các hình ảnh, video về chú chó và cảm thấy được an ủi bởi nó đã được chăm sóc tử tế đến phút cuối cùng.
Không chỉ để xử lý vật nuôi chết, người sử dụng dịch vụ mai táng thú cưng còn muốn được giải tỏa nỗi đau tinh thần. Anh Trung từng nhận trường hợp của Miu và Luc, hai chú chó mất do rò điện tại TP Thủ Đức. Gia đình không khá giả nhưng vẫn chọn dịch vụ mai táng bởi họ tin rằng hai chú chó đã cứu mạng thành viên trong gia đình.
Các dịch vụ mai táng cũng đi kèm với việc thăm hỏi, an ủi gia chủ bởi một số người bị sốc tâm lý, không chấp nhận được việc thú cưng qua đời.
Huỳnh Thùy (29 tuổi, ở quận 12) cho biết chi một triệu rưỡi để mai táng chú mèo tên Mít gắn bó một năm để cảm thấy lòng mình được an ủi. Cô tìm đến dịch vụ này thông qua mạng xã hội.
Hôm mèo Mít chết, nhân viên trực điện thoại hẹn giờ đến lấy xác động vật và động viên Thùy rằng chú mèo "đã hoàn thành sứ mệnh" và ra đi nhẹ nhàng.
"Tôi luôn muốn giữ ký ức thật đẹp về Mít, kể cả khi nó không còn trên cuộc đời này", cô gái nói.
Ngọc Ngân