Trở về quê nhà ở Hà Bắc vào dịp Tết Nguyên đán, Vương Lập Quân không mang theo hàng hóa như thường lệ, vì những món hàng mua cho năm mới của anh đã được chuyển về tận nhà qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
"Trước đây, việc trở về nhà vào dịp Tết Nguyên đán rất mệt mỏi về mặt thể chất, nhưng giờ thì dễ như trở bàn tay", người đàn ông 50 tuổi này cho biết.
Những chuyến hàng của Vương chỉ là một phần nhỏ trong số hàng tỷ bưu kiện được chuyển đi khắp Trung Quốc dịp Tết vừa qua. Việc thương mại điện tử gắn liền với đời sống hàng ngày khiến mùa lễ hội trở thành một trong những thời điểm bận rộn nhất đối với mạng lưới giao hàng của đất nước này.
Tại Sân bay quốc tế Sanya Phoenix, một trung tâm chính tại tỉnh đảo nhiệt đới Hải Nam của Trung Quốc, các gói xoài, thanh long và dừa được vận chuyển bằng đường hàng không đến những người mua trong kỳ nghỉ.
"Hơn 70% các bưu kiện được vận chuyển bằng đường hàng không là trái cây. Dịp cao điểm, hơn 70 tấn được gửi đi mỗi ngày", Zhao He từ chi nhánh YTO Express tại sân bay cho biết. Ngay cả ở các vùng đông bắc phủ đầy tuyết, đơn hàng giao có thể được giao đến nơi chỉ trong 24 giờ.
Dữ liệu từ JD.com - nền tảng thương mại điện tử hàng đầu quốc gia này, cho thấy, người tiêu dùng Trung Quốc được thưởng thức nhiều loại đặc sản hơn từ khắp cả nước trong dịp lễ hội. Doanh số bán các sản phẩm địa phương từ thành phố ven biển Thượng Hải đã tăng vọt 277% so với cùng kỳ năm trước tại tỉnh Thanh Hải trên nền tảng này.
Theo Cục Bưu chính Nhà nước, nhờ cơn sốt mua sắm trong kỳ nghỉ, mạng lưới chuyển phát nhanh của Trung Quốc đã hoạt động với công suất cao kể từ đầu năm nay. Trong ba ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày, các đơn hàng chuyển phát nhanh được xử lý trên toàn quốc đã vượt quá 670 triệu, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2024.
Tại trung tâm phân phối của Yunda Express ở Thượng Hải, hoạt động giao hàng trước kỳ nghỉ diễn ra sôi nổi. Để xử lý lượng bưu kiện tăng đột biến, công ty đã kích hoạt các dây chuyền phân loại thông minh tại trung tâm, mở rộng đội xe và nâng cấp thiết bị.
"Chúng tôi cũng đang cân nhắc việc thuê thêm nhân công tạm thời để đáp ứng nhu cầu kinh doanh", Yang Shuai, người phụ trách trung tâm cho biết.
Một số công ty hậu cần phải đối mặt với tình trạng nhiều nhân viên giao hàng trở về quê nhà để đón Tết, dẫn đến thiếu hụt nhân lực theo mùa. Ye Wenhui, Giám đốc chi nhánh Fengxian của ZTO Express tại Thượng Hải, cho biết, chỉ có 30% nhân viên giao hàng tại chi nhánh tiếp tục làm việc trong kỳ nghỉ. Để tăng cường nhân sự, nhân viên giao hàng được trả lương gấp ba lần thông thường. Họ cũng có thể nghỉ làm khi đồng nghiệp trở về.
Ye cho biết các giải pháp sáng tạo đã được đưa ra để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân viên, chẳng hạn như thiết lập các trạm nhận hàng không người lái và thêm tủ giao hàng vào các cửa hàng giao hàng.
Cainiao Network, bộ phận hậu cần của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group của Trung Quốc, giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động bằng cách triển khai các xe giao hàng không người lái.
Các hệ thống tự động này xử lý nhiệm vụ vận chuyển đòi hỏi nhiều nhân công nhất, cho phép công nhân tại chỗ tập trung vào việc phân loại và giao hàng chặng cuối. Một nhóm vận hành chuyên dụng đã được thành lập để đảm bảo hoạt động trơn tru của các xe không người lái trong suốt kỳ nghỉ lễ.
Theo một quản lý giao hàng của Cainiao tại Hàng Châu, năm nay, việc đưa 6 xe không người lái xử lý công việc vận chuyển cho phép 60% nhân viên tận hưởng kỳ nghỉ, hơn 30% trong những năm trước.
Anh Vũ (theo People's Daily Online)