Khoảng 200.000 nhân viên công sở ở thành phố Mumbai, Ấn Độ hàng ngày không phải xách theo các cặp lồng cơm đến văn phòng mà vẫn được ăn cơm nhà nấu còn nóng sốt ngay tại bàn làm việc, theo Great Big Story.
Ở Mumbai, hệ thống giao cơm trưa từ nhà đến văn phòng đã tồn tại hơn 125 năm. Vào khoảng năm 1890, một nhân viên ngân hàng ở Mumbai thèm ăn cơm nhà "mẹ nấu, vợ chuẩn bị" đến mức thuê riêng một thanh niên hàng ngày giao cơm đến văn phòng cho mình. Năm tháng trôi qua, nghề đưa cơm này đã phát triển thành một hiệp hội lớn mạnh với hơn 5.000 thành viên được gọi là các dabbawala.
"Bất chấp mọi hoàn cảnh, chúng tôi tự hào đảm bảo dịch vụ luôn hoạt động. Chúng tôi vẫn làm việc giữa cơn lũ năm 2005 hay sau vụ tấn công khủng bố Mumbai vào tháng 11/2008, khi cả thành phố ngừng hoạt động", Vitthal Sawant, một dabbawala 34 tuổi với hơn 15 năm kinh nghiệm, chia sẻ.
Các dabbawala mặc trang phục truyền thống kurta màu trắng, đạp xe luồn lách qua các con phố, có lúc họ đi thành từng tốp, đội trên đầu những chiếc cặp lồng cơm là hình ảnh thường thấy ở Mumbai. Các cặp lồng cơm bằng sắt có 4-5 ngăn lèn chặt thức ăn sẽ được giao đến văn phòng và trường học đúng giờ và đúng địa chỉ.
Hoạt động giao cơm trưa trông có vẻ đơn giản này được coi là hệ thống giao hàng hiệu quả nhất thế giới. Xác suất giao đúng giờ và đúng địa chỉ của các dabbawala lên tới 99,99%, nghĩa là trong một triệu cặp lồng cơm, các dabbawala chỉ giao nhầm chưa tới 4 cặp lồng.
'Chuẩn cơm mẹ nấu'
Nhiều người dân Mumbai chỉ thích ăn cơm trưa nhà nấu vì theo họ bữa cơm không chỉ ngon miệng, sạch sẽ mà còn được chuẩn bị bằng tình yêu thương.
"Ăn trưa hàng ngày bên ngoài tốn kém, chưa kể không đảm bảo vệ sinh", chị Naina Bhonsle, một bà nội trợ 36 tuổi nói. "Tôi biết chồng tôi thích ăn gì, vì vậy tôi gửi cặp lồng cơm trưa tới văn phòng cho chồng hàng ngày".
Sau khi nhận cơm tại nhà của khách hàng, các dabbawala sẽ phân loại các cặp lồng dựa theo cả địa chỉ nhận và giao, sau đó họ đánh dấu từng cặp lồng cơm bằng một tổ hợp số, chữ cái và màu sắc riêng. Sau đó, các cặp lồng cơm sẽ được đưa lên tàu và vận chuyển vào nội đô. Tại đây, các dabbawala sẽ dùng xe đạp hoặc đi bộ để giao cơm tới tay từng khách hàng.
Vào giờ ăn trưa, các văn phòng ở Mumbai sực nức mùi cà ri và nghệ. Các dabbawala sau đó sẽ quay lại nhận cặp lồng cơm và trả về nhà của khách hàng.
"Công việc này tốn sức. Không nghi ngờ gì về điều đó", Pawan Agarwal, chủ tịch hiệp hội Mumbai Dabbawala, nói và ước tính mỗi chuyến hàng nặng 50-60 kg. Điều đặc biệt là đa số các dabbawala đều không biết chữ hoặc chỉ có trình độ văn hóa vỡ lòng nhưng làm việc với độ chính xác ở mức gần như hoàn hảo.
"Dù nhiều người gần như mù chữ, chúng tôi đã học sử dụng thành thạo cách đánh mã lên các cặp lồng cơm", anh Vitthal Sawant nói. "Chúng tôi không cần tới máy tính, chỉ dùng đầu óc".
Theo nghiên cứu của một giáo sư đại học Harvard, dịch vụ giao nhận cơm có truyền thống hơn 100 năm tuổi ở Mumbai đạt chất lượng tương đương quy trình "6 sigma" - một hệ phương pháp cải tiến quy trình dựa trên thống kê nhằm giảm thiểu tỷ lệ sai sót của sản phẩm, dịch vụ xuống đến mức 3-4 lỗi trên mỗi triệu trường hợp.
"Hàng trăm thứ có thể sai sót, cặp lồng cơm bị giao sai địa chỉ, bị thất lạc hoặc bị đổ vỡ, nhưng hiếm khi có chuyện đó xảy ra lắm", Vitthal Sawant xác nhận.
An Hồng