Các quầy tiền lẻ di động này chạy dài hơn trăm mét, hoạt động công khai. Những năm trước, tại đây chỉ có vài quầy tự phát thì năm nay phố Quang Trung có hơn 20 quầy.
“Đổi bao nhiêu, vào đây chị có hết. Hai triệu chứ cả trăm triệu cũng có ngay", vừa nói, người phụ nữ to béo đặt những cọc tiền mệnh giá 200 đến 20.000 đồng mới cóng ra chứng minh. Tuy nhiên, trước khi về nhà mang tiền lẻ ra, bà chủ này cẩn thận giao giá, một triệu đồng chỉ đổi 800.000 đồng.
Khách đổi tiền lẻ nhộn nhịp tại phố Quang Trung, Hà Đông. Ảnh: T.A. |
Đi vài lần quanh khu chợ, chị Lý (khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) đành chấp nhận phí giao dịch cắt cổ. "Tết sắp đến nhưng tôi vẫn chưa kiếm được tiền lẻ đi chùa làm lễ và lì xì. Nhờ người quen vào ngân hàng đổi trước đó nửa tháng nhưng không được. Giá cao thế này chắc cố đổi một triệu đồng loại mệnh giá 10.000 đồng", chị Lý nói.
Càng về trưa, lượng người đến giao dịch ngày càng đông, có bàn, gần chục khách vây kín. "Đổi tiền lẻ cứ như đi chợ mậu dịch trước đây, khổ quá. Không đổi thì không có để lì xì", một bà lão trên 70 tuổi nói.
Nắm bắt lượng người tìm đến chợ, dân buôn nhanh chóng đẩy giá. 10h sáng nay, tỷ lệ quy đổi tiền mệnh giá 10.000 đồng là 10 ăn 8; loại 5.000 đồng tỷ lệ 10 ăn 7; 2.000 đồng tỷ lệ 10 ăn 6. Đắt nhất là mệnh giá 500 đồng, khách đưa một triệu đồng chỉ thu về 500.000 đồng.
Một chủ đổi tiền tên Hoa tiết lộ, muốn đẩy giá lên cao, các quầy phải liên kết. "Chợ này có nguyên tắc, tăng cùng tăng, giảm cùng giảm. Không ai được phá giá". Rút kinh nghiệm những năm trước, từ cuối năm 2007, dân buôn đã đổ tới ngân hàng đổi tiền, sau đó "găm" chờ giáp Tết tung ra.
Theo tìm hiểu của VnExpress, "chợ tiền" này có ba "đại gia" là Trung, Tuấn và Ngân. Theo lời khẳng định của họ, khách có nhu cầu họ có thể sẵn sàng cung ứng ngay hàng trăm triệu đồng tiền lẻ.
"Gia đình tôi vẫn chưa ăn thua gì, đầu tháng 12 mới đổi được gần 300 triệu đồng. Mấy đại gia ở đây đã bỏ tiền tỷ để vào ngân hàng đổi, Tết này chắc họ trúng đậm", anh Mạnh, một dân buôn, cho biết.
Nếu các chủ buôn nhỏ lẻ đua nhau lao xuống đường mời chào thì các "đại gia" lại bình chân như vại trên vỉa hè. "Đại gia" Ngân huy động thêm 2 cô con gái ra hỗ trợ. Thượng đế nào đến quầy, bà này đều khẳng định, nếu thích đổi nhiều thì vào ngõ cạnh đó, có cả máy đếm tiền.
"Quầy" của một "đại gia tiền lẻ "luôn chật kín khách. Ảnh: T.A. |
Quy mô nhỏ hơn khu vực Quang Trung, nhưng "chợ tiền" ở La Khê, Yết Kiêu, Bà Triệu (Hà Đông), cũng rất nhộn nhịp. Tại di tích lịch sử đến Bia Bà (La Khê), ngày thường chỉ có 3 quầy đổi tiền lẻ phục vụ người đi lễ, sáng 3/2 có gần 20 quầy đổi tiền lẻ chạy dài ven hồ dẫn vào khu lễ thờ.
Giá đổi ở đây thấp nhất khách hàng cũng chịu thiệt 20% (mệnh giá 20.000 đồng), cao đến 60% (loại 500 đồng). Các chủ quầy cho hay, đến tuần sau, giá quy đổi sẽ còn tăng 10-20%.
Theo một số người dân sống quanh các "chợ tiền", nhiều khách đã bị "rút ruột" sau khi giao dịch. "Tối qua, một khách đổi tiền ở phường Yên Sở (Hà Nội) hớt hải đến chợ để đòi 200.000 đồng bị rút ruột", một người dân ở đây cho biết.
Tuấn Anh - Xuân Tùng