Dù bận rộn với công việc cuối năm nhưng chị Thu Nhàn, nhân viên một công ty may mặc tại quận Tân Bình (TP HCM) vẫn không quên gọi điện hỏi thăm người quen làm ở ngân hàng về việc đổi tiền lẻ mới cho gia đình để lì xì Tết 2019.
Chị cho biết, năm ngoái cần đổi khoảng chục triệu cho hai bên nội ngoại, nhưng vì phải đổi ở bên ngoài nên tốn phí rất cao. "Năm nay, tôi phải chủ động gọi điện sớm để nhờ mấy người bạn làm ở ngân hàng đổi giúp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa biết có đổi được không bởi họ chỉ được chia hạn mức giới hạn mà lại quá nhiều người nhờ", chị chia sẻ.
Chị Mai Hoa, nhân viên giao dịch tại một ngân hàng cổ phần có trụ tại TP HCM tâm sự, những ngày này thường rất sợ nghe điện thoại từ bạn bè, người quen vì chủ yếu là các lời nhờ đổi tiền tiền lẻ. "Từ chối thì sợ họ giận nhưng nhận lời lại không đổi được vì mỗi nhân viên cũng chỉ có hạn mức được đổi tiền lẻ nhất định", chị nói.
Trong khi đó, các điểm đổi tiền lẻ ngoài thị trường chợ đen đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp cách đây cả tuần. Nhiều điểm trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp), Sư Vạn Hạnh, 3/2 (quận 10), Lê Quang Định (quận 1)... cho biết đã có nhiều người đến đổi hoặc đặt cọc.
Tại một điểm đổi tiền trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, ông chủ cho biết nếu đổi mệnh giá 2.000 đồng thì phí là 12%, tờ mệnh giá 5.000 đồng, phí 10%. Các mệnh giá giá hơn thì phí sẽ rẻ dần. Trong khi đó, các mệnh giá nhỏ như 500 đồng đến 1.000 đồng thì được cho biết là hơi khan hàng, khách phải đặt trước và mức phí thì khá cao, lên trên 100 - 200%.
Ngoài ra, hàng loạt trang đổi tiền lẻ trực tuyến cũng nở rộ với các cam kết mua bán tại nhà, đảm bảo tiền thật, trùng series và đặc biệt là chi phí đổi thấp.
Tuy nhiên, lướt qua một lượt các mức phí thì thấy dao động 10 - 50% tuỳ mệnh giá. Trong đó, riêng mệnh giá 500 đồng được cho là khan hiếm, nên nhiều nơi đề nghị người mua phải trả mức phí lên tới 400% (tức đổi 100 tờ 500 đồng mất phí 200.000 đồng).
Bảng phí đổi tiền lẻ lì xì Tết 2019 của một trang website. Ảnh chụp màn hình. |
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM thì cho rằng, nhu cầu sử dụng tiền lẻ, mới dành cho việc lì xì Tết là có thật, nhưng không đến nỗi phải đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, để nhiều người lợi dụng trục lợi. Chỉ khi nào thật sự cần thiết mới đổi, nhất là đừng lạm dụng đổi tiền lẻ để đi lễ, cúng chùa làm rối thị trường.
Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, chức năng của Ngân hàng Nhà nước là đáp ứng nhu cầu tiền trong lưu thông đầy đủ, kịp thời mà không phân biệt tiền mới hay cũ. Do vậy, cơ quan này không có kế hoạch liên quan đến tiền mới phục vụ nhu cầu lì xì Tết cuối năm. Đối với những loại tiền không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường sẽ được thu hồi về. Trong số tiền mà Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nhận được từ Ngân hàng trung ương, nếu có tiền mới cũng sẽ được phân bổ xuống các ngân hàng thương mại để đưa ra thị trường lưu thông.
Mấy năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết, chẳng hạn năm 2013 không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000 - 2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và năm 2016 là không cho chi ra tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống. Việc này đã giúp ngân sách tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.
Trong lưu thông tiền tệ của Việt Nam hiện nay gồm có các mệnh giá từ 200 đồng đến 500.000 đồng. Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ thường tăng cao cục bộ vào dịp cuối năm để lì xì, đi lễ, chùa... dẫn đến phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch. Theo Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 - 40 triệu đồng.
Lệ Chi