Thông tin được ông Nguyễn Duy Hoàng, Cục phó Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đưa ra tại hội nghị sơ kết cải cách hành chính của TP HCM, sáng 12/8.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, 6 tháng đầu năm TP HCM thực hiện 5,3 triệu hồ sơ, tỷ lệ đúng hạn gần 99,9%. Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết mới có 11.000 hồ sơ được nhập vào phần mềm một cửa điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia, và tỷ lệ đúng hạn trong số này chỉ đạt 63%, còn lại trễ hẹn.
"Số hồ sơ còn lại còn trôi nổi, không kiểm soát được, dẫn đến tình trạng báo cáo sai với lãnh đạo thành phố. Con số gần 99,9% hồ sơ đúng hạn là không đúng", ông Hoàng nói và đề nghị TP HCM sớm cập nhất toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính vào phần mềm của quốc gia để có đánh giá toàn diện. Bởi đây là yếu tố phản ánh rõ nhất chất lượng giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng, Chính phủ yêu cầu toàn bộ 800 dịch vụ công trực tuyến phải được kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, TP HCM mới có 22 dịch vụ được kết nối. Số lượng này là rất ít, đơn lẻ và không liên thông, liên kết giữa các cơ quan, khiến thời gian giải quyết chưa rút ngắn. "Hầu hết các tỉnh, thành đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến liên thông trong thanh toán đất đai, thuế nhưng TP HCM không làm được. Ta quá chậm so với địa phương khác", ông Hoàng đánh giá.
Đại diện Văn phòng Chính phủ dẫn chứng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), TP HCM mất trung bình 28 ngày để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, trong khi các địa phương đã liên thông thủ tục này chỉ mất 30 phút tới một giờ. Thành phố cũng là một trong những địa phương nhận được nhiều phản ánh của người dân về sự chậm trễ, thái độ của công, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, và chiếm 1/5 tổng số phản ánh, kiến nghị của cả nước.
Về giải pháp, ông Hoàng đề xuất TP HCM nghiên cứu phân cấp việc tiếp nhận đối với loại thủ tục hành chính có nhu cầu lớn để hạn chế người dân, doanh nghiệp phải đến sở, ngành. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị thành phố cần số hóa hơn 1.760 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử để tạo thuận lợi cho người dân.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận nhiều địa phương năng lực cạnh tranh rất tốt, nhưng nhà đầu tư đang "chịu đấm ăn xôi" để về với thành phố vì lợi thế địa kinh tế. "Không phải nhà đầu tư về nhiều vì ta đang làm tốt đâu", ông nói và dẫn chứng một dự án vào thành phố làm hàng trăm, nghìn tỷ mà 3-5 năm mới xong, trong khi với số tiền đó ở nơi khác làm 1-2 năm là xong.
Cũng theo ông Mãi, các chỉ số thể hiện sự cải cách hành chính của thành phố đều không như kỳ vọng, cho thấy dù thành phố đã nỗ lực, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Ông đề nghị sở ngành không vịn cớ thành phố lớn, nhiều vấn đề phải giải quyết mà cần nhìn thẳng sự thật để nỗ lực khắc phục. "Chúng ta tìm giải pháp, không tìm giải thích", ông Mãi nói.
Theo Bộ Nội vụ, Chỉ số cải cách hành chính của TP HCM (PAR Index) năm 2021 đạt hơn 86,05%, xếp 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 20 bậc so năm 2020. Tỷ lệ này cũng thấp hơn trung bình cả nước là 86,37%, đứng thứ 4 trong 6 địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ.
Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh năm (PAPI) 2021 của TP HCM đạt 40,68 điểm, thuộc 15 tỉnh đạt điểm thấp nhất toàn quốc. Tất cả 8 chỉ số nội dung của kết quả chỉ số PAPI năm 2021 đều không đạt so với mục tiêu đề ra, nhiều chỉ số giảm điểm so với năm 2020.
Khảo sát hơn 2.500 người dân TP HCM cho thấy gần 80,5% phải đi lại 1-2 lần để giải quyết thủ tục hành chính; hơn 18,3% phải đi lại 3-4 lần; và 1,36% phải mất hơn 4 lần đi lại mới nhận được kết quả. 1,61% người được khảo sát cũng phản ánh từng bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu khi liên hệ giải quyết công việc; 0,62% bị công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí.
Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh năm (PAPI) 2021 của TP HCM đạt 40,68 điểm, thuộc 15 tỉnh đạt điểm thấp nhất toàn quốc. Tất cả 8 chỉ số nội dung của kết quả Chỉ số PAPI năm 2021 đều không đạt so với mục tiêu đã đề ra, nhiều chỉ số giảm điểm so với năm 2020.
Thu Hằng