Sáng nay (24/7), Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov). PayGov được phát triển không làm chức năng thanh toán trực tuyến mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ, ngành, địa phương kết nối với các hệ thống trung gian thanh toán.
Hiện tại, PayGov đã hợp tác với 9 trung gian thanh toán gồm Napas, Viettel Digital, Vnpay, M_Service, Viet Union, VTC, Ngân Lượng, ViMass và FPT Telecom. Thời gian tới, cổng sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi kết nối, hướng đến tất cả trung gian thanh toán tại Việt Nam.
PayGov đã hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cổng dịch vụ công của Bộ Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Quảng Ninh và sẵn sàng đưa vào sử dụng chính thức. Cổng cũng đang kết nối thử nghiệm với các cổng dịch vụ công các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Hà Nội...
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, việc bộ phát triển, sớm đưa vào sử dụng PayGov, cũng như hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương kết nối, sử dụng cổng này cũng là một trong các giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 năm nay.
Tuy nhiên, theo ông, việc đưa vào sử dụng hệ thống PayGov chỉ mới là sự bắt đầu của một quá trình. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai một số việc để PayGov tốt hơn. Trong đó, các trung gian thanh toán cần phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác đã ký, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thanh toán trực tuyến chất lượng cao.
Cục Tin học hóa cần chủ động nghiên cứu hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định, chính sách về phí/giá sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến...
Anh Tú