Thứ bảy, 9/11/2024
Chủ nhật, 4/1/2015, 13:03 (GMT+7)

Dịch vụ có một không hai trong các sân bay Mỹ

Làm “thượng đế” trên những chuyến bay của các hãng hàng không nước Mỹ, bạn được chăm sóc mọi bề như dễ dàng gửi áo rét tại phi trường khi du lịch đến vùng nhiệt đới hay đọc sách trong thư viện ảo.

Tại New York, câu hỏi thường đặt ra với nhiều khách du lịch vào mùa đông là “Liệu tôi có phải mang theo áo khoác khi điểm đến sắp tới là xứ nhiệt đới?”. Đó là một phần lý do ra đời của CoatChex, dịch vụ giúp hành khách có thể ký gửi áo khoác tại sân bay JFK và lấy lại sau khi trở về.

Với một phần mềm (app) chạy trên điện thoại, du khách có thể để lại mọi thông tin về ngày, giờ hạ cánh. Những chiếc áo sẽ được sẵn sàng khi họ đặt chân xuống JFK sau những ngày nghỉ ấm áp. Dịch vụ giữ áo khoác bởi CoatChex có từ tháng 11/2014 tại quầy phục vụ của hãng JetBlue ở sân bay JFK, Terminal 5 - New York. (Ảnh: Josh Anderson)

Sân bay quốc tế Philadelphia (PHL) trang bị một thư viện điện tử lớn cho các hành khách với tên gọi Virtual Library Hot Spot, tọa lạc trên đường nối giữa Terminal D và E. Ngoài việc nghỉ ngơi thoải mái trên những chiếc ghế của phòng đọc ảo, hành khách còn có thể truy cập wifi tại sân bay để vào thư viện (e-books), nơi có chứa khoảng 1.200 tác phẩm của các tác giả.

Được thiết kế để mang đến cái nhìn và không khí như một phòng đọc sách, thư viện đặt những chiếc ghế nhiều màu sắc, miếng dán trên kính có hình giá sách với những cuốn san sát nhau và ánh đèn vàng ấm áp. (Ảnh: Philadelphia International Airport)

Southwest Airlines lại trang trí lại quầy phục vụ mặt đất để hợp với gam màu chủ đạo của hãng trong năm 2014 tại nhiều sân bay. (Ảnh: Southwest Airlines) 

Tại sân bay Dallas Love Field, hãng Virgin America mở quầy phục vụ hành khách vé hạng nhất và thẻ vàng (First Class Check-in Lounge) sang trọng, tiện nghi. 

Ngoài ra, hãng còn trang trí không gian theo đúng phong cách “Virgin” với những bốt điện thoại màu đỏ kiểu London hay các bức ảnh về lịch sử toàn cảnh thương hiệu này treo trên tường. (Ảnh: Harriet Baskas)

Một robot đang làm nhiệm vụ hỗ trợ hành khách tại sân bay quốc tế Indianapolis (IND), bang Indianapolis. (Ảnh: Indianapolis International Airport).

 

Sân bay quốc tế Portland (Portland International Airport) có 2 phiên chợ nông sản tươi mỗi tuần. Trong hình là tấm bảng quảng cáo với dòng chữ “Oregon farm to table”, có nghĩa “từ nông trại Oregon đến thẳng quầy bán” tại quán cà phê Capers trong sân bay. (Ảnh: Harriet Baskas)

Một nhà báo đang thử nghiệm dịch vụ vận chuyển trong sân bay của United Airlines trên chiếc Mercedes-Benz GL350 BlueTEC SUV. Đây là dịch vụ mang đến quyền ưu tiên đối với các hành khách nối chuyến trong thời gian ngắn.

Nó cũng dành cho hành khách thường xuyên mang thẻ United Global First hay các thành viên của Global Service. Nhân viên hãng sẽ đón khách ngay tại máy bay và đưa họ thẳng đến chuyến bay tiếp theo. Dịch vụ có mặt tại Chicago, Houston, New York (sân bay Newark), San Francisco, Los Angeles và Washington Dulles.

Ngoài ra, trong năm 2014, United Airlines cũng bắt đầu dự án lắp đặt 500 trạm sạc pin quanh khu vực ghế ngồi của các sân bay mà họ đang khai thác. ( Ảnh Usa Today)

Hành khách cảm thấy đói bụng khi chuẩn bị bước ra cửa máy bay có thể chọn món snack hay sách báo tạp chí tại xe đẩy dịch vụ mang tên At Your Service. Dịch vụ này có mặt khắp nơi trong phòng chờ sân bay Palm Beach International Airport ở Florida và John Wayne Airport tại California. (Ảnh: Paradies)

Delta Airlines chọn cách truyền thống hơn là giới thiệu các bảng thông tin cập nhập ở 34 sân bay tại MỹTháng 11/2014, hãng cho ra mắt thiết kế màn hình liên thông với các kênh thông tin gồm website delta.com, những ki-ốt tự phục vụ tại sân bay và phần mềm Fly Delta.

Các chuyên gia thiết kế đã tập trung vào phần cung cấp thông tin mới cho hành khách về những chuyến bay, bên cạnh đó là những sản phẩm hàng không quan trọng của Delta cũng như tin tức về du lịch, đi lại. (Ảnh: Usa Today)

Hawaiian Airlines lại chọn cách chạy thử nghiệm chương trình “home-tagging” cho hành lý vào năm ngoái. Đây là dịch vụ cho phép hành khách in sẵn thẻ hành lý tại nhà, sau đó nhét vào chiếc bao thẻ (có thể sử dụng nhiều lần) nhằm tiết kiệm thời gian check-in tại sân bay.

Đại diện Hawaiian Airlines cho biết sau 2 tháng thực hiện, lượng khách sử dụng dịch vụ này đang gia tăng. Ngoài Hawaiian, Alaska Airlines cũng triển khai dịch vụ này tại nhiều thành phố để phục vụ hành khách. (Ảnh: Hawaiian Airlines)

Hoài Nam

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net