Mặc dù mới chỉ xuất hiện chính thức tại Việt Nam cách đây 3 ngày (6/8), nhưng tựa game Pokemon Go nhanh chóng tạo nên cơn sốt. Với cách chơi kích thích sự vận động, nhiều người tỏ ra hứng thú, nhưng cũng khá nhiều đã nản lòng vì quãng đường yêu cầu phải đi trong game.
Cũng chính vì điều này, nhiều người chơi tìm cách gian lận. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, không thiếu những bài viết chỉ cách hack thời gian, quãng đường… để có được Pokemon mạnh. Bên cạnh đó, cũng có những người muốn nhờ người khác chơi hộ vì ngại di chuyển, hoặc vì lý do nào đó không thể ra đường. Từ đây, các dịch vụ nhận chơi hộ cũng hình thành.
"Thấy dân mạng rầm rộ chơi Pokemon Go, mình cũng thử tìm hiểu và nhanh chóng thích trò này. Nhưng vì mình làm văn phòng phải ngồi một chỗ, lại không muốn tốn quá nhiều tiền cho trò chơi, nên mình nhờ đến các dịch vụ chơi hộ trên mạng", anh Đăng Tuấn, một nhân viên văn phòng tại TP HCM, chia sẻ.
"Nhóm bạn tôi đã chơi Pokemon Go từ khi trò chơi này chưa ra mắt tại Việt Nam. So với bạn, tôi biết tới trò chơi và tiếp cận nó hơi muộn nên tài khoản không có nhiều Pokemon mạnh. Tôi đã mua một vài thứ mình cần trong game với giá rẻ qua một số Fanpage trên Fanbook để không mất nhiều thời gian", Duy Phong, sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành (quận 4, TP HCM), cho biết.
Với nhu cầu đó, trên Facebook và các diễn đàn xuất hiện khá nhiều hội nhóm nhận chơi giùm, hay còn gọi là "cày" thuê. Người chơi có thể đưa tài khoản của mình cho bên nhận chơi, hoặc họ bán những tài khoản đã chơi sẵn. Giá tiền tùy thuộc vào cấp độ và độ đầy đủ của vật phẩm game. Mức giá của từng cấp độ cũng khác nhau, càng lên cao càng đắt, đặc biệt là sau cấp 20 trở đi nhưng nhìn chung ở cấp độ thấp nhất là 3.000 đồng, từ 10 lên 20 giá là 8.000 đồng, sau cấp 20 từ 20.000 - 30.000 đồng một cấp.
"Từ cấp 1 đến cấp 10 chỉ mất khoảng một vài giờ để lên. Nếu từ 10 lên 20 thì mất khoảng một ngày. Sau cấp 20, nhanh nhất phải một tuần mới lên level được", một người nhận chơi thuê cho biết.
Trong khi đó, người khác nhấn mạnh có thể đáp ứng được sở thích của từng người chơi, như tự chọn Pokemon, số lượng/cấp độ Pokeball… Đồng thời, người này cũng khẳng định họ không sử dụng các thủ thuật để ăn gian, và sẽ đền bù thiệt hại nếu như tài khoản bị khóa.
Theo anh Nguyễn Quân, quản trị một hội nhóm chuyên chia sẻ kinh nghiệm chơi Pokemon trên Facebook, thường có 2 dạng "cày" thuê Pokemon Go: một dạng xài phần mềm gian lận và một dạng chơi tay. Với những người xài phần mềm gian lận, họ thường dùng các công cụ giả mạo GPS để đến các địa điểm nhiều Pokemon, Pokemon mạnh, nhiều pokestop hoặc Gym mà không cần phải di chuyển. Trong khi những người chơi tay thường tranh thủ, ví dụ vừa đi bộ hay vừa đạp xe tập thể dục vừa bắt Pokemon. Tất nhiên, những người này thấy Pokemon nào là bắt không phân biệt mạnh yếu, và các vật phẩm game cũng nghèo nàn hơn.
"Với những tài khoản gian lận, việc bắt được Pokemon mạnh không chỉ gây mất cân bằng game mà còn có thể bị nhà phát hành theo dõi. Những tài khoản này sớm muộn cũng sẽ bị loại bỏ vì có các hành vi bất thường. Do đó, không nên mua để tránh tiền mất tật mang", anh Quân cảnh báo. Theo anh Quân, cũng không nên đưa tài khoản của mình cho người khác chơi giùm để tránh trường hợp bị đánh cắp. Nếu có thể, người chơi nên tự mình trải nghiệm khi có thời gian, bởi không chỉ giúp thay đổi không khí, việc tự chơi còn mang lại lợi ích sức khỏe.
Bảo Lâm