Tình trạng lây lan của chủng virus corona mới (nCoV) ở Trung Quốc không có dấu hiệu chậm lại, với gần 10.000 ca nhiễm và hơn 200 người tử vong. Khi thành phố Vũ Hán và các vùng lân cận ở tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa, nhiều quốc gia đang theo chân Pháp, Nhật Bản và Mỹ sơ tán công dân khỏi tâm dịch.
Tuy nhiên, một số câu hỏi được đặt ra về tính thực tế của động thái này, sau khi có thông tin hôm 30/1 rằng ba công dân Nhật Bản dương tính với virus corona, vài giờ sau khi được hồi hương từ Vũ Hán cùng với 203 người khác. Có nghi ngờ họ có thể lây nhiễm cho các hành khách khác trên máy bay về Tokyo.
Mỹ cũng hồi hương 195 công dân từ Vũ Hán. Các hành khách đến miền nam California ngày 29/1 trên máy bay Boeing 747-400 Kalitta Air. Tất cả hành khách phải trải qua hai lần kiểm tra trước khi rời Vũ Hán và trong thời gian dừng tiếp liệu ở bang Alaska. Họ bị cách ly ít nhất ba ngày trước khi được phép rời đi.
Các mẫu xét nghiệm của họ được gửi đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ để xác định xem họ có nhiễm virus hay không. Hiện không hành khách nào có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều một máy bay vận tải quân sự để đưa về 35 công dân Thổ Nhĩ Kỳ và 10 người Azerbaijan cùng gia đình họ ngày 30/1. Tất cả những người này, bao gồm cả tổ bay, bị cách ly trong 14 ngày.
Tại Hàn Quốc, một chuyến bay chở 367 công dân từ Vũ Hán hạ cánh tại sân bay quốc tế Gimpo ngày 31/1. Khoảng 700 người Hàn Quốc đã đăng ký lên các chuyến bay như vậy để về nước.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết chính phủ chuẩn bị hai máy bay đến Hồ Bắc để hồi hương công dân. Ước tính khoảng 300 người Philippines ở tỉnh này. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte trước đó nói rằng việc sơ tán có thể gây hại nhiều hơn là lợi, vì "virus có thể lây lan" ở Philippines. Ngày 30/1, Philippines xác nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên ở nước này là một phụ nữ từ Trung Quốc.
Pakistan ngày 31/1 cho biết họ chưa có kế hoạch sơ tán. 30.000 công dân nước này sống ở Trung Quốc, khoảng 500 sinh viên Pakistan ở Vũ Hán vào thời điểm dịch bùng phát. Zafar Mirza, cố vấn cho Thủ tướng Imran Khan về y tế, cho biết có 4 sinh viên Pakistan ở Trung Quốc nhiễm bệnh và tình trạng của họ ổn định.
Khi các cuộc sơ tán tiếp tục được thực hiện trong những ngày tới, nhiều người đặt câu hỏi về nguy cơ lây lan trong máy bay nếu có hành khách nhiễm virus. Matthew Driskill, biên tập viên của tạp chí hàng không Asian Aviation, cho biết hệ thống lọc không khí trên máy bay ít khả năng ngăn được virus lây lan.
"Đúng là hệ thống lọc của các hãng hàng không mới được cải thiện rất nhiều. Nhưng dù tốt đến đâu, nó không thể lọc những thứ nhỏ như virus", Driskill nói. Ông cũng cho biết những giọt nước bọt từ hành khách ho bên trong máy bay có thể văng ra xa nên hệ thống lọc trên máy bay "không làm được gì cả".
Tuy nhiên, Benjamin Cowling, giáo sư tại Đại học Hong Kong, cho rằng một số quốc gia quyết định sơ tán vì "mối quan tâm của họ đối với công dân". "Điều này cũng xảy ra trong các tình huống khác. Nếu có thiên tai, các quốc gia cũng sắp xếp để sơ tán công dân", ông nói thêm.
Cowling chỉ ra rằng những người được sơ tán khỏi Vũ Hán được theo dõi chặt chẽ hoặc cách ly trong các cơ sở đặc biệt. "Ngay cả trong trường hợp có người nhiễm bệnh trong số được sơ tán thì tôi cũng nghĩ rằng không có quá nhiều nguy hiểm khi đưa họ về nhà. Vì chúng ta đều biết rằng có những người nhiễm bệnh khác đã đến Mỹ, Pháp hoặc Nhật Bản trên máy bay thương mại", ông nói thêm.
Hiện hầu hết ca nhiễm bệnh ở ngoài Trung Quốc có liên quan trực tiếp đến Vũ Hán. Trong vài tuần tới, mức độ lây lan sẽ trở nên rõ ràng hơn nhiều, Cowling nhận định.
Về mức độ nghiêm trọng của virus gây viêm phổi Vũ Hán, Cowling cho biết so với dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003, tỷ lệ tử vong "khá thấp". Nó "ít nghiêm trọng hơn mọi người tưởng tượng", ông nói thêm.
Phương Vũ (Theo Aljazeera)