"Cảm giác chung của những người Mỹ đang ở đây là tuyệt vọng và bị bỏ rơi", Perez, công dân Mỹ sống tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, trả lời phỏng vấn qua mạng hôm 30/1. Dù vậy, anh nói thêm rằng sẽ không rời đi mà không có bạn gái người Trung Quốc và con chó cưng của mình.
Chính phủ Trung Quốc tuần trước ra lệnh phong tỏa hoàn toàn Vũ Hán, nơi khởi phát dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới thuộc họ corona (nCoV), khiến 9 triệu người mắc kẹt, bao gồm hàng nghìn người nước ngoài. Dịch viêm phổi đến nay đã cướp đi sinh mạng của 213 người, đa số ở Vũ Hán, và gần 10.000 ca bệnh trên toàn cầu.
Mỹ hôm 28/1 điều máy bay đầu tiên sơ tán 195 công dân nước này từ Vũ Hán tới căn cứ không quân March ở bang California, trong đó hầu hết là quan chức ngoại giao và gia đình họ. Washington cho biết một số công dân bình thường cũng được sơ tán, ưu tiên những người có nguy cơ nhiễm virus nCoV cao như trẻ em hoặc người già.
Tuy nhiên, hàng trăm người Mỹ hiện vẫn mắc kẹt ở Vũ Hán với rất ít thông tin hỗ trợ. Gavenraj Sodhi, chuyên gia Mỹ về robot và trí tuệ nhân tạo sống tại Thượng Hải, cho biết người vợ Trung Quốc của ông cùng con trai 18 tháng tuổi Dylan đang vô phương thoát khỏi Vũ Hán.
Khi Sodhi đưa gia đình tới đây để thăm họ hàng vào ngày 14/1, chính quyền thành phố vẫn chưa công bố dịch, khiến ông không nắm được tình hình. Người đàn ông Mỹ trở về Thượng Hải ngay hôm sau, nhưng vợ con ông ở lại Vũ Hán.
Sodhi cho biết những thông tin ông nhận được từ đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Mỹ mơ hồ và thường mâu thuẫn, buộc ông phải nắm tình hình từ báo chí. Điều này còn gây cảm giác chính phủ Mỹ không có nỗ lực thực sự hoặc kế hoạch phù hợp nào để sơ tán công dân khỏi Vũ Hán.
"Nếu họ không thể đưa chúng tôi ra khỏi đó, ít nhất hãy đưa thông tin về cách chúng tôi có thể nhận đồ tiếp tế, hay nguồn nước và thực phẩm sẽ được cung cấp bằng cách nào. Tuy nhiên, chẳng có gì xảy ra cả", Sodhi nói.
Cảm giác bực bội ngày càng tăng khi việc liên lạc với lãnh sự quán gặp khó khăn. Một phụ nữ Mỹ giấu tên đang thăm người thân ở Vũ Hán dịp Tết Nguyên đán cho biết cô bị sốc trước phản ứng hờ hững từ lãnh sự quán Mỹ tại đây, cũng như đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.
Người phụ nữ kể lại rằng cô liên lạc với cả lãnh sự quán và đại sứ quán khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa. Sau khi biết có một chuyến bay được thu xếp để sơ tán nhân viên ngoại giao, cô tiếp tục gọi điện và gửi email tới các cơ quan Mỹ.
"Sau khi hỏi tôi có phải công dân Mỹ hay không, nhân viên đại sứ quán ở Bắc Kinh ngay lập tức chuyển cuộc gọi của tôi sang tổng đài trả lời tự động, nơi họ nói rằng tin tức về chuyến bay là không đúng, thêm rằng những công dân cần hỗ trợ hồi hương nên liên lạc với các dịch vụ công dân của đại sứ quán thông qua email, điều mà tôi cũng đã làm", người phụ nữ cho hay.
Người phụ nữ sau đó nhận được email từ đại sứ quán cho biết công dân bình thường rất ít khả năng lên được chuyến bay sơ tán, đồng thời được yêu cầu cô cung cấp thông tin cá nhân. Lãnh sự quán cuối cùng cũng liên lạc với cô, nhưng chỉ bảo cô chờ đợi.
"Tôi cùng một số người bạn đang liên lạc với các thượng nghị sĩ và đại diện tại quê nhà, hy vọng họ có thể tác động tới Bộ Ngoại giao để sắp xếp nhiều chuyến bay hơn, giúp những người còn lại cũng được hồi hương", cô nói. Perez cho biết nhiều đồng hương của anh cũng chia sẻ nỗi thất vọng tương tự.
Trong khi đó, Nhật Bản đã đưa hơn 400 công dân rời Vũ Hán và đang thu xếp chuyến bay sơ tán thứ ba. Hàn Quốc cũng có kế hoạch tổ chức thêm hai chuyến bay nữa để đưa công dân nước này khỏi "ổ dịch". Australia, New Zealand, Canada và Ấn Độ nằm trong số những nước đang thảo luận về các chuyến bay sơ tán công dân với chính quyền Trung Quốc.
Một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh phúc lợi và sự an toàn của công dân Mỹ là ưu tiên cao nhất với họ, nói thêm rằng đại sứ quán ở Bắc Kinh "đang tiếp tục làm việc với chính quyền Trung Quốc về những lựa chọn khác cho công dân Mỹ ở Vũ Hán để giúp họ rời khỏi đây".
Trong khi đó, Perez cùng bạn gái và chó cưng Chubby đang ẩn náu trong ngôi nhà hai tầng, hàng ngày xem tivi và "có nhiều việc khác để làm". Perez tận dụng thời gian đọc sách và học lập trình máy tính, dắt Chubby đi dạo trên những con đường vắng vẻ với khẩu trang dành cho cả hai. Anh còn cẩn thận đeo găng tay cao su và tránh xa người khác.
Thỉnh thoảng họ cũng mạo hiểm tới các cửa hàng địa phương để mua đồ dự trữ. Dù thực phẩm không thiếu hụt, Perez vẫn lo lắng do tình hình ngày càng trở nên "kỳ quái". "Họ kiểm tra nhiệt độ của mọi người ở cửa hàng tạp hóa. Một người đàn ông trở nên hoảng loạn và liên tục sờ trán", anh kể lại.
"Mọi thứ giống như trong phim khoa học viễn tưởng. Người dân đeo mặt nạ cùng kính bảo hộ. Họ dí máy đo nhiệt độ lên trán từng người, trong lúc bạn xếp hàng chờ với những người xung quanh đều đeo khẩu trang", người đàn ông 28 tuổi nói thêm.
Perez, giáo viên dạy tiếng Anh tới từ San Francisco, cho biết anh yêu thích cuộc sống tại Vũ Hán hai năm qua bất chấp vấn đề ô nhiễm không khí và vệ sinh công cộng, bởi mức lương tại đây khá ổn và chi phí sinh hoạt thấp hơn Bắc Kinh hoặc Thượng Hải.
Anh cho biết tâm trạng những người Trung Quốc mắc kẹt tại Vũ Hán cũng không tốt. "Chắc chắn rất nhiều người hoảng loạn và sợ hãi. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra chứ? Thật vô cùng tuyệt vọng", Perez nói.
Chính quyền Vũ Hán lo ngại các bệnh viện và nhân viên y tế bị quá tải nên khuyên những người có triệu chứng nhẹ ở nhà. Nhiều người cũng quyết định tự chữa trị thay vì đối mặt với sự hỗn loạn tại bệnh viện.
"Người Trung Quốc tại đây nhìn chung cảm thấy không an toàn khi đến bệnh viện bởi chúng quá đông đúc. Họ lo rằng có thể lây virus từ những bệnh nhân khác nếu tới đó", Perez nói.
Vũ Hán đang gấp rút xây dựng hai bệnh viện dã chiến để cách ly hàng nghìn bệnh nhân. Tuy nhiên, giới chức thừa nhận các cơ sở không đủ giường để xử lý số lượng lớn trường hợp nghi ngờ nhiễm virus. Trung Quốc ban đầu từ chối đề nghị hỗ trợ từ các quan chức y tế quốc tế, nhưng cuối cùng đồng ý cho nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới Vũ Hán.
"Nếu có thể yêu cầu bất cứ điều gì, tôi đề nghị hãy gạt vấn đề chính trị sang một bên, hợp tác với Trung Quốc để đưa người dân ra ngoài. Nếu Mỹ có thể quyên góp đồ tiếp tế cho Trung Quốc và Bắc Kinh chấp nhận chúng thì thật tuyệt", Perez nêu ý kiến.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)