Việt Nam ghi nhận 361 ca bệnh mới (308 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa) trong ngày 29/6, nâng tổng số bệnh nhân cả nước trong đợt dịch thứ tư lên 13.054. Đây là ngày số ca nhiễm ở phía Nam tăng mạnh, đặc biệt ở các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ.
Trong đó, TP HCM ngày thứ mười ba liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm lên đến 3 con số, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 3.591, xếp thứ hai cả nước. Thành phố đã trải qua 29 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nhưng số ca bệnh vẫn tăng cao. Nguyên nhân được cho là do biến chủng nCoV lây lan nhanh, các ca nhiễm âm thầm trong cộng đồng đông dân, địa bàn rộng, phức tạp.
"Thành phố đã triển khai nhiều các biện pháp phòng chống dịch, thậm chí áp dụng một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 16. Tuy nhiên số ca nhiễm hàng ngày còn cao, chưa có dấu hiệu thuyên giảm", ông Phong nói tại cuộc họp hôm 28/5 và yêu cầu các quận huyện, sở ngành cần phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 10.
Dự kiến, chiều nay Ban chỉ đạo chống dịch TP HCM sẽ họp và đưa ra các biện pháp chống dịch tiếp theo sau 30 ngày thực hiện giãn cách xã hội. Hiện, ngành y tế thành phố đã chia các quận huyện trên địa bàn thành 3 nhóm nguy cơ để có giải pháp chống dịch phù hợp cho từng khu vực.
Theo đó, nhóm "nguy cơ rất cao" gồm các quận, huyện: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Đây là những khu vực ghi nhận số ca Covid-19 cao, xuất hiện nhiều ổ dịch tốc độ lây nhiễm cao, chưa rõ nguồn.
Nhóm nguy cơ cao là các quận 1, 4, 5, 12, Gò Vấp, Củ Chi, Bình Thạnh, Tân Bình và một phần TP Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Trong đó quận Gò Vấp ghi nhận 176 ca nhiễm, cũng là nơi xuất hiện ổ dịch liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng ở phường 3.
Các quận huyện có nguy cơ gồm quận 3, 6, 10, 11, 7, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè, Cần Giờ. Đây là địa bàn ghi nhận ít ca nhiễm, cao nhất quận 7 phát hiện 42 ca, thấp nhất huyện Cần Giờ mới 2 ca.
Ngoài TP HCM, trong ngày 29/6, một loạt địa phương khác ở phía Nam cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng trên đà hai con số. Bình Dương thêm 24 ca, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 ở tỉnh này 326 và là vùng dịch lớn thứ hai ở phía Nam.
Bình Dương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong 14 ngày tại bốn phường Hiệp An, Chánh Mỹ, Phú Hòa và Hiệp Thành (TP Thủ Dầu Một), thị xã Tân Uyên và TP Thuận An.
Hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp cũng vừa ghi nhận thêm mỗi tỉnh 22 ca nhiễm nâng tổng số ca trên địa bàn lên lần lượt là 89 và 34.
Tỉnh Tiền Giang đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ ngày 12/6, trừ thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè giãn cách theo Chỉ thị 16. Từ 0h ngày 30/6, 15/17 phường, xã ở TP Mỹ Tho giãn cách xã theo Chỉ thị 16.
Ở khu vực Nam Trung Bộ, Phú Yên cũng ghi nhận thêm 20 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 58. Địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thị xã Đông Hòa, rộng hơn 265 km2, gần 120.000 dân của 10 xã phường.
Bà Rịa - Vũng Tàu trong ngày 29/6 cũng ghi nhận ca nhiễm đầu tiên trong đợt dịch thứ tư. Bệnh nhân là một ngư dân 29 tuổi ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. 129 hộ với hơn 400 nhân khẩu bị phong toả để phòng dịch lây lan.
Như vậy, trong 8 tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh) hiện chỉ còn Bình Phước chưa xuất hiện dịch.
Hữu Công