Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ cuối tháng 9 tới nay dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 37 xã của 8 huyện. Tổng số lợn phải tiêu hủy hơn 1.900 con, trên 122.000 kg.
Ngành thú y nhận định, virus có sức đề kháng cao, mầm bệnh đã lưu hành rộng trong quần thể, đường lây truyền phức tạp là một trong những nguyên nhân khiến dịch bùng phát mạnh. Trong khi nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng trực tiếp thức ăn cho lợn từ nguồn đồ ăn thừa thu gom, sử dụng nước ao, hồ chưa qua xử lý để tắm cho lợn cũng khiến bệnh dễ lây lan.
Ngoài ra, người dân khi có lợn ốm chết không báo ngay cho cơ quan chuyên môn mà mổ thịt chia nhau ăn, chất thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường, gây khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ. Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều gây ngập lụt cũng khiến mầm bệnh phát tán.
Theo ông Tống Văn Giáp, Phó chi cục trưởng Chăn nuôi Thú Y Thanh Hóa, để khống chế dịch bệnh, các địa phương phải tiêu hủy ngay toàn bộ lợn mắc bệnh; hộ dân dùng hóa chất và vôi bột tiêu độc, khử trùng chuồng trại, và những khu vực có nguy cơ cao.
Thanh Hoá đặt mục tiêu đến ngày 5/12 sẽ công bố hết dịch. Toàn tỉnh hiện có hơn 335 trang trại và hàng nghìn gia trại chăn nuôi lợn, trong đó có nhiều trại quy mô lớn ở các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống...
Nghệ An ghi nhận 169 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 19 huyện, thành, thị chưa qua 21 ngày. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận định, từ tháng 9 tới nay dịch có xu hướng bùng phát mạnh tại các hộ nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Hơn 12.400 con với tổng trọng lượng hơn 600.000 kg đã phải tiêu hủy.
Ngày 3/11, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu các huyện thị tập trung nguồn lực phòng chống dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, tiêu hủy triệt để lợn bệnh. Người chăn nuôi được khuyến cáo theo dõi sức khỏe đàn lợn, nếu có hiện tượng lợn ốm, chết bất thường cần báo ngay cho cơ quan thú y.
Tại Hà Tĩnh, từ tháng 9 dịch cũng bùng phát, lây lan ra 18 xã, phường, thị trấn của 9 đơn vị cấp huyện. Ông Nguyễn Khắc Khánh, Phó chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết lợn nhiễm bệnh chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tính riêng trong đợt dịch tái bùng phát 9 đến nay, cơ quan chức năng đã phối hợp tiêu hủy hơn 300 con. Hiện địa bàn còn hơn 25 ổ dịch chưa qua 21 ngày.
"Virus tả lợn châu Phi chưa có vaccine để xử lý triệt để, do vậy cứ tồn tại âm ỉ tại những ổ dịch cũ. Ngoài ra, thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi xảy ra lũ lụt, virus đi theo dòng nước cũng là nguyên nhân khiến dịch phát sinh", ông Khánh nói.
Hà Tĩnh có tổng đàn 383.000 con lợn, trong đó 58% thuộc quy mô trang trại, 42% quy mô nông hộ. Để dập dịch, ngành thú y đang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khoanh vùng, bảo vệ đàn nuôi, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình giấu dịch.
Ngày 29/10, hàng chục con lợn của 4 hộ dân ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cũng được ghi nhận mắc dịch tả lợn châu Phi. Chính quyền huyện Cam Lộ đã tổ chức tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, tuyên truyền người dân thường xuyên vệ sinh chuồng trại, có các biện pháp phù hợp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Tính từ đầu năm 2021, dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở 6 huyện thị của tỉnh Quảng Trị, buộc tiêu hủy hơn 1.500 con.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên đầu tháng 2/2019, sau 7 tháng lan ra 63 tỉnh, thành. Nhiều địa phương phải chi hàng nghìn tỷ đồng để ngăn chặn dịch. Dịch cũng làm sản lượng thịt lợn giảm, giá thịt lợn tăng cao cuối năm 2019.
Nhóm phóng viên