Sáng 10/5, tại cuộc họp về kinh tế - xã hội tháng 4, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm bày tỏ lo ngại khi dịch tả heo châu Phi đã lan đến Đồng Nai, sát TP HCM. "Chiều qua thành phố đã họp khẩn với các sở ngành để giao nhiệm vụ cụ thể đối phó bệnh dịch", ông Liêm nói và đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thông tin thêm.
Phó giám đốc Sở, ông Trần Ngọc Hổ cho biết, từ lúc dịch xuất hiện ở biên giới các tỉnh phía Bắc, TP HCM đã có kế hoạch ứng phó với 3 tình huống: dịch tả ở phía Bắc, ở các tỉnh giáp thành phố và dịch tả xuất hiện tại TP HCM. "Chúng ta đang vận hành tình huống thứ hai, cụ thể là dịch đang có ở huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Bình Phước", ông Hổ nói.
TP HCM đánh giá bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch. Thành phố hiện có 4.000 hộ chăn nuôi heo (gần 280.000 con), trong đó có nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, không nấu chín, cho heo ăn nên khả năng lây lan cao.
Theo đó, thành phố thực hiện 3 giải pháp để đối phó là: lập kênh chia sẻ thông tin chính xác, thống nhất với các tỉnh giáp ranh để có biện pháp ngăn ngừa; tăng cường kiểm soát ở các cửa ngõ vì có 45-50% heo cung cấp cho TP HCM đến từ Đồng Nai, tổ chức các trạm tạm thời ở vùng giáp ranh như cầu Phú Long, cầu Bến Súc; kiểm soát trong nội bộ, không để giết mổ trái phép và tập trung tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó chủ tịch Lê Thanh Liêm yêu cầu: "Phải lấy mẫu thường xuyên để kiểm tra vì tình trạng giết mổ lậu vẫn xảy ra. Quận huyện nào để xảy ra tình trạng này lãnh đạo phải chịu trách nhiệm".
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan (Ban an toàn thực phẩm TP HCM), dịch bệnh không lây cho người, chỉ ảnh hưởng cho đàn heo. Nhưng heo bệnh vào thành phố sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn gây nhiều loại bệnh khác. Trong khi đó TP HCM là thị trường mở, nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra. Virus này có thể tồn tại cả nghìn ngày trong điều kiện đông lạnh, trong xúc xích, thịt nguội...
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn.
Tính từ năm 2017 đến ngày 18/2 đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), hơn một triệu con buộc phải tiêu hủy. Riêng tại Trung Quốc có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới Việt Nam), tiêu hủy hơn 950.000 con heo.
Ổ dịch tại Việt Nam được phát hiện ngày 1/2 tại Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra 22 tỉnh, thành gồm: Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
Đến giữa tháng 4, Cục Thú y xác định dịch cơ bản đã được khống chế.
Trung Sơn