Ngày 21/5, Trung tâm Thú y và chăn nuôi huyện Phú Giáo (Bình Dương) phun thuốc tiêu độc khử trùng hai điểm xuất dịch tả lợn châu Phi ở xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa, đồng thời tiêu hủy hơn 1.000 con heo nhiễm bệnh. Đây là lần đầu tiên dịch tả lợn châu Phi được ghi nhận ở tỉnh Bình Dương.
Ông Trần Minh Đức, Trưởng Trạm Thú y và Chăn nuôi huyện Phú Giáo kiểm đếm, toàn huyện có 113 trại với hơn 278.000 con. Ngoài ra huyện có 756 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 22.000 con.
"Địa phương có lượng heo lớn, lại giáp ranh hai tỉnh công bố dịch trước đó là Bình Phước và Đồng Nai nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao", ông Đức nói.
Tỉnh Bình Dương đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn ngừa lây lan sang các địa bàn khác.
Trong khi đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết vừa xuất hiện thêm ổ dịch ở đàn heo 12 con ở xã An Phước, huyện Long Thành. Như vậy, kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên cách đây một tháng, Đồng Nai đã ghi nhận bốn huyện xuất hiện dịch tả heo châu Phi gồm Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành.
Ngoài những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, dịch bắt đầu lây lan sang một số trang trại nuôi heo số lượng lớn, như ổ dịch gần 1.000 con ở xã Tân An huyện Vĩnh Cửu. Đến nay tỉnh Đồng Nai đã tiêu hủy 2.000 con heo nhiễm bệnh.
Tỉnh Bình Phước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi cách đây mười ngày với một số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng đáng chú ý, một trại nuôi heo rừng ở thành phố Đồng Xoài cũng có con mắc bệnh.
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh ở loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2016 đến nay, bệnh xuất hiện tại trên 59 quốc gia. Việt Nam là một trong ba nước châu Á có dịch (hai nước còn lại là Trung Quốc, Mông Cổ).
Ổ dịch tại Việt Nam được phát hiện hồi đầu tháng hai tại Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra hơn 34 tỉnh thành. Hơn 1,5 triệu con heo bị tiêu hủy, chiếm 5% tổng đàn lợn toàn quốc.
Nguyệt Triều