-
Kết thúc 1,5 ngày thảo luận về kinh tế xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 77 đại biểu đăng đàn, 9 ý kiến tranh luận; còn 16 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và 4 Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài chính, Giáo dục & Đào tạo, Kế hoạch & Đầu tư đã giải trình, làm rõ thêm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
-
Ông Dương Trung Quốc tiếp tục nêu kiến nghị về vụ Đồng Tâm
Dành thời lượng phát biểu để "thực thi trách nhiệm giám sát của đại biểu có mặt trong vụ Đồng Tâm (Hà Nội)", ông Dương Trung Quốc nêu lại chất vấn về việc bắt giữ ông Lê Đình Kình và kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ.
Ông nói, gần đây Thanh tra Chính phủ đã khẳng định kết quả thanh tra của TP Hà Nội trước đó là đúng, những người tố giác không chính xác; song theo ông, những người dân Đồng Tâm có kiến nghị đã "không được lấy ý kiến".
Ngoài ra, với tư cách nhà sử học, ông Quốc cho hay, "từ thời thượng cổ khi nói về đất đai bao giờ cũng đi kèm với bản đồ", trong khi đó, bản đồ liên quan đến vụ này đều dựng lại từ giai đoạn 2013 - 2014. "Tôi rất muốn Chính phủ nhìn nhận một cách hết sức khách quan", ông nói.
Trước đó ngày 15/4/2017, khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở xã Đồng Tâm. Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng dẫn đến 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị người dân giữ tại nhà văn hóa thôn. 7 ngày sau, toàn bộ người bị giữ được thả khi Chủ tịch Hà Nội về đối thoại và cam kết làm rõ nguồn gốc đất khu sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp - mấu chốt cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của nhiều người dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt 4 người nêu trên.
Ngày 25/7, thanh tra TP Hà Nội có thông báo kết luận thanh tra với khẳng định, "toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng".
Không đồng tình với kết luận này, ông Lê Đình Kình (đại diện cho người dân có khiếu kiện ở xã Đồng Tâm) gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết và xem xét tính chính xác, hợp pháp của kết luận mà Thanh tra Hà Nội công bố.
-
Giao thông đang là 'điểm nghẽn' của đồng bằng sông Cửu Long
Được mời giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói bên cạnh những thành tựu kinh tế - xã hội thời gian qua, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông chưa đạt yêu cầu, trở thành điểm nghẽn phát triển ở nhiều địa phương...
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Với đồng bằng sông Cửu Long, ông Dũng cho hay, Chính phủ đã bố trí hơn 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hàng năm và dự phòng chung chi cho phát triển giao thông khu vực này. Song, "đúng là giao thông tại đây đang trở thành điểm nghẽn".
Phát biểu trước đó, bà Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, theo lộ trình nhiều dự án cao tốc quan trọng như Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Rạch Miễu 2... cần 4-5 năm nữa mới hoàn thành, trong thời gian này các tuyến đường từ miền Tây đi TP HCM qua địa bàn tỉnh Long An sẽ ùn tắc nghiêm trọng.
Để khắc phục tình trạng trên, bà Dung đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông & Vận tải cần có giải pháp khắc phục. Chẳng hạn, đẩy nhanh mở rộng tuyến giao thông qua Long An - Tiền Giang - Đồng Tháp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên; mở rộng đoạn quốc lộ 50 qua TP HCM, mở thêm một con đường song song với quốc lộ 50 cùng kết nối với đường Nguyễn Văn Linh (TP HCM)...
-
Thời điểm tăng giá điện không phù hợp khiến người dân bức xúc
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Kiên Giang nhận xét công tác tham mưu chính sách, thực hiện nhiệm vụ của một số Bộ, ngành còn hạn chế.
"Tham mưu chưa bám vào tình hình thực tiễn để xây dựng chính sách; thực hiện chỉ đạo của các cấp thẩm quyền chậm, kéo dài... gây bức xúc trong dư luận xã hội", bà nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Đơn cử việc tăng giá điện vừa qua, bà Kim Bé đồng ý với giải trình của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trước Quốc hội. Tuy nhiên bà cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến bức xúc của người dân là tham mưu thời điểm tăng giá điện không phù hợp; ngoài ra người dân cho rằng phải xem lại cách tính giá điện bậc thang, biểu giá điện...
Trường hợp nữa được bà Bé nhắc đến là việc tham mưu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn nước mắm làm dư luận xôn xao, báo chí tốn giấy mực phân tích. Cuối cùng Chính phủ phải vào cuộc thì mới lắng xuống.
Bà nhấn mạnh, Chính phủ và các Bộ, ngành cần rà soát, xem xét lại công tác tham mưu chính sách, hạn chế thấp nhất bức xúc dư luận.
Từ ngày 20/3 giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36%. Việc tăng giá này nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận, nhiều phản ánh việc hoá đơn điện tăng đột biến sau tăng giá. Thời điểm tăng giá điện, theo Chính phủ, được tính toán trên cơ sở đồng bộ với các điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí... Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%, ở mức 3,3-3,9%, thấp hơn mức 4% Quốc hội thông qua.
-
Vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn 'nhức nhối'
Ông Nguyễn Anh Trí - Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương băn khoăn trước vấn nạn an toàn thực phẩm. Ông nhắc lại một số vụ việc nổi cộm gần đây như trường hợp phát hiện lợn gạo vào trường học; rồi hàng ngàn phụ huynh ở Bắc Ninh đưa con về Hà Nội xét nghiệm sán lợn... gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.
"Lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm đang gióng lên hồi chuông nhức nhối. Bộ Y tế cần quan tâm mạnh mẽ hơn", ông nhấn mạnh.
Về giải pháp, ông Trí đề nghị, ngoài hàng rào hành lang pháp lý, cơ quan quản lý cần lập hệ thống phòng lab hiện đại, xét nghiệm, kiểm tra đạt tiêu chuẩn quốc tế.
-
Phải có 'bộ lọc' thu hút FDI
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lâu nay đã mang lại nhiều lợi ích, song thực tế phát sinh nhiều vấn đề như chuyển giá, trốn thuế; năm 2017 hụt thu từ khu vực này khoảng 28.000 tỷ đồng và tăng lên 36.000 tỷ đồng vào năm 2018.
Cũng băn khoăn về chuyển giá tại các doanh nghiệp khu vực FDI, bà Nguyễn Thị Kim Bé nói, nếu không đưa ra giải pháp thì đây sẽ là nguồn thất thu lớn của ngân sách.
Vì thế, ông Ngân đề nghị trong điều kiện hiện nay, khi dòng vốn nước ngoài đang tiếp tục được đổ vào Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ cần phải tạo ra những bộ lọc để chọn được những dự án có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn về môi trường của Việt Nam.
-
Việt Nam tiêu huỷ hơn 2 triệu con lợn do dịch tả châu Phi
Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã tập trung nói về dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông, đây là vấn đề rất lớn, trong lịch sử chưa bao giờ xảy ra với ngành chăn nuôi trên thế giới. Dịch đã lan đến Việt Nam, trong khi đó ngành chăn nuôi lợn nước ta chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp; giá trị ngành nông nghiệp hiện khoảng một triệu tỷ đồng thì chăn nuôi lợn chiếm khoảng 90.000 tỷ, gần bằng 10%. Khu vực này giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ, 10.000 hộ trang trại quy mô lớn và vừa.
Trong cơ cấu thực phẩm, thịt lợn chiếm 70% về thịt trong bữa cơm hàng ngày của người dân.
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Bộ trưởng Cường nói, khi dịch xảy ra ở Trung Quốc ngày 23/8/2018, sau một tuần Việt Nam đã ban hành công điện khẩn yêu cầu ngăn chặn từ xa bằng các biện pháp kiểm soát cửa khẩu, biên giới. Đáng tiếc là đến ngày 1/2, ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Hưng Yên. Dù các cơ quan chức năng, hộ chăn nuôi, người dân đã triển khai nhiều giải pháp, song do những đặc thù của loại bệnh này, đến nay dịch đã lan tới 48 tỉnh, thành, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã với 2 triệu con lợn (117.000 tấn) bằng 6,5% tổng đàn lợn toàn quốc. "Đây là thiệt hại vô vùng lớn", ông Cường nói.
Dự báo thời gian tới, với tình hình thời tiết phức tạp, điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc thù của bệnh, thì nếu không có biện pháp tích cực, dịch sẽ tiếp tục lan rộng đến những nơi chưa có; quay lại nơi ổ dịch đã qua 30 ngày; lan vào những hộ chăn nuôi lớn.
Theo ông, về giải pháp kỹ thuật phòng, chống dịch, an toàn sinh học là biện pháp duy nhất đến lúc này; tất cả các trang trại lớn chưa có dịch do đảm bảo an toàn sinh học tốt.
"Chúng ta còn 94% đàn lợn sạch, chưa có bệnh nên cần tuyên truyền các biện pháp phòng dịch", ông Cường nhấn mạnh.
Đề phòng khủng hoảng thiếu thịt lợn, Bộ Công Thương đã cùng các đơn vị liên quan bàn giải pháp dự trữ thịt lợn đông lạnh, Chính phủ sẽ có biện pháp khuyến khích hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn khuyến cáo người dân không tăng đàn lợn lúc này, vì nguy cơ rủi ro cao; thúc đẩy các nhóm chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò); gia cầm; thuỷ sản.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang tập trung nghiên cứu vắcxin; thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân và các thành phần kinh tế.
"Thủ tướng đã giao ngành nông nghiệp tổng kết 10 năm ngành chăn nuôi để xây dựng dịch bản, chiến lược chăn nuôi mới; chúng tôi sẽ trình vào tháng 10 tới", ông Cường nói.
-
"Xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng"
Đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ đề cập tới các loại tội phạm bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em xu hướng gia tăng, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Theo bà, nạn nhân của loại tội phạm này thường không có khả năng tự bảo vệ, nhỏ tuổi (3-4 tuổi), có những vụ án sau khi thực hiện hành vi đồi bại, kẻ phạm tội còn đánh đập nạn nhân, giết người phi tang. "Đây là vấn đề báo động về sự xuống cấp đạo đức, nhân cách trong xã hội hiện nay", bà Thuỷ nhận xét.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Hậu quả của loại tội phạm này, theo bà, hết sức nặng nề cho gia đình bị hại và nạn nhân. Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thì 60% trẻ em sau các vụ xâm hại tình dục trẻ em bị tổn thương ở các mức độ khác nhau, luôn mặc cảm, lo sợ và xa lánh mọi người.
Bà đề nghị Chính phủ cần tăng cường giải pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, kiên quyết với loại tội phạm nêu trên.
-
Việt Nam cần đẩy nhanh chuyển đổi số
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh chuyển đổi số để phát triển nền kinh tế số. Theo ông, đây là chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên chính sách chưa đầy đủ, "cần có lộ trình cụ thể trong chuyển đổi số, tập trung lĩnh vực ngành trọng điểm, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm phát triển kinh tế mũi nhọn".
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trước những tác động tiêu cực của loại rác thải này, ông Thọ đề nghị cần có giải pháp hành động quyết liệt thay đổi nhận thức và có chế tài mạnh hơn để hạn chế đưa rác thải nhựa ra môi trường.
"Thừa Thiên Huế đã thực hiện chủ trương này với việc nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Tôi đề nghị Chính phủ phải tăng cường chính sách xử lý rác thải, hỗ trợ cơ sở sản xuất bao bì thân thiện với môi trường và việc sử dụng loại bao bì này", ông Thọ nói.
-
Tranh luận về việc hàng trăm dự án vướng Luật Quy hoạch
Ông Phùng Văn Hùng - Thường trực Uỷ ban Kinh tế tranh luận với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về Luật Quy hoạch. Theo đó, ông Hùng cho rằng nhận định của ông Phương về việc hàng trăm dự án ngừng trệ không thể triển khai do bất cập của Luật Quy hoạch là "sự phóng đại quá mức".
Ông Hùng phân tích, trước khi có Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch của Việt Nam còn "tư duy nhiệm kỳ", tạo ra nhiều xung đột liên quan tới đất đai. "Luật Quy hoạch ra đời là giúp hình thành hệ thống quy hoạch quy củ, có tầng lớp và đề cao tính tuân thủ", ông Hùng nói và một lần nữa khẳng định sự không đồng tình với đại biểu Phương khi phủ nhận vai trò của Luật Quy hoạch.
Ông Nguyễn Ngọc Phương giơ biển tranh luận lại, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị "các đại biểu gặp riêng để thảo luận".
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 30/5, ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn tỉnh Quảng Bình nói hàng trăm dự án cấp quốc gia, tỉnh và ngành ở địa phương phải dừng lại vì vướng Luật quy hoạch. Ông đề nghị Chính phủ chấp thuận cho các dự án đã được duyệt hồ sơ thẩm định trước năm 2018, đặc biệt là dự án nằm trong quy hoạch phát triển điện lực và lĩnh vực khoáng sản.
Quốc hội cần mạnh dạn sửa đổi những bất cập của Luật Quy hoạch, ban hành nghị quyết riêng về việc chuyển tiếp trước khi các dự án quy hoạch cấp quốc gia, vùng và tỉnh của nhiệm kỳ 2021-2030 được phê duyệt.
Quan điểm của ông Phương cũng không nhận được ý kiến đồng tình từ ông Đỗ Văn Sinh - Thường trực Uỷ ban Kinh tế. Ông Sinh tranh luận, Chính phủ mới ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều để thi hành Luật; chưa triển khai trong thực tiễn, chưa được đánh giá tác động, vì thế chưa có cơ sở để đánh giá vướng mắc.
Trước ý kiến cho rằng Luật Quy hoạch khiến nhiều dự án gặp vướng mắc, không thể triển khai, ông Sinh đề nghị Chính phủ báo cáo rõ "vướng mắc ở nội dung, điều luật nào".