Tiến sĩ Jide Idris, Tổng giám đốc NCDC, cho biết trong tuyên bố ngày 31/3, trong ba tháng đầu năm, Nigeria ghi nhận 645 ca sốt Lassa trong tổng số 3.465 trường hợp nghi nhiễm tại 33 bang. Tỷ lệ tử vong 18,3%, với 1118 ca.
Trong số các ca nhiễm mới, có hơn 20 nhân viên y tế tại 5 bang.
Ngoài ra, các trung tâm điều trị đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực. Nhiều bệnh nhân chậm trễ trong việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế, họ tự chữa trị hoặc áp dụng các phương pháp không chính thống, hầu hết không mang lại hiệu quả.
NCDC đã đưa các Đội phản ứng nhanh tới 10 bang, đồng thời kêu gọi chính quyền bang và khu vực tư nhân nỗ lực đối phó với dịch bệnh.
Sốt Lassa là bệnh truyền nhiễm do virus lây lan qua loài gặm nhấm, được phát hiện lần đầu vào năm 1969 tại bang Borno, đông bắc Nigeria. Căn bệnh do virus cấp tính này là bệnh đặc hữu ở Nigeria, lây truyền sang người chủ yếu qua tiếp xúc với thực phẩm hoặc đồ gia dụng bị nhiễm nước tiểu hoặc phân của loài gặm nhấm. Trong nhiều năm qua, virus này đã gây ra hàng nghìn ca tử vong, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, nơi việc bảo quản thực phẩm thường không đảm bảo vệ sinh.
Các chiến dịch tuyên truyền phòng chống sốt Lassa đã được triển khai trong nhiều năm, tuy nhiên tình trạng vệ sinh môi trường ở nông thôn nghèo vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Chuột vẫn xâm nhập nhà dân, tiếp xúc với thực phẩm và đồ dùng, tăng nguy cơ lây lan bệnh.

Mô phỏng virus gây bệnh sốt Lassa. Ảnh: Gavi
Các triệu chứng sốt Lassa gồm hội chứng cúm, đau họng, đau cơ, ho, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Ở giai đoạn nặng, bệnh có thể gây sưng mặt, tràn dịch màng phổi, chảy máu miệng, mũi và các bộ phận khác trên cơ thể. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy tạng, viêm màng ngoài tim hoặc viêm não, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện chưa có vaccine phòng sốt Lassa, nhưng có thể điều trị bằng thuốc kháng virus ribavirin nếu được phát hiện sớm. Bên cạnh đó, chăm sóc y tế đóng vai trò quan trọng trong điều trị sốt. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm bù nước, kiểm soát huyết áp, duy trì cân bằng điện giải và điều trị triệu chứng. Nếu được can thiệp kịp thời, các biện pháp này có thể giúp cải thiện đáng kể cơ hội sống sót của bệnh nhân.
Để phòng tránh bệnh, các chuyên gia khuyến cáo duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường sống, bảo quản thực phẩm trong hộp kín, hạn chế tiếp xúc với loài gặm nhấm và sử dụng bẫy chuột. Đồng thời, cần tăng cường giám sát y tế, nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh sốt Lassa và báo cáo kịp thời các trường hợp nghi nhiễm để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Chăm sóc hỗ trợ tích cực sớm bằng bù nước và điều trị triệu chứng giúp cải thiện cơ hội sống sót. Hầu hết bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, nhưng bệnh cũng có thể gây tử vong.
Thục Linh (Theo Reuters)