Ngày 17/8, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An cho biết theo quy luật một năm tồn tại 4 thế hệ sâu róm, hiện sâu cắn phá ở thế hệ thứ 3, đang tập trung làm kén. Giữa tháng 8, sâu chuẩn bị kết thúc lứa, khả năng phát triển thêm không đáng kể. Sau khi phun thuốc, cán bộ Chi cục hôm qua đã kiểm tra, ghi nhận sâu giảm mạnh, dự kiến cuối tháng này không còn.
Ông Trần Văn Trường, Phó ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc, cho hay đầu tuần tới đơn vị sẽ đặt 12 bẫy đèn chiếu sáng nhằm dẫn dụ tiêu diệt sâu róm trưởng thành tại những khoảnh rừng bị cắn phá nặng. Cụ thể sẽ đào hố kích thước 3 m, bên dưới rải dầu khoáng và đặt đèn chiếu lên rừng dụ sâu về. Bướm sâu nhìn thấy ánh sáng sẽ lao đến và bị dính bẫy không thể thoát ra.
"Phương pháp này hiệu quả. Bắt được nhiều sâu trưởng thành thì sau này lượng trứng và sâu non sẽ giảm, đến thế hệ sau sâu xuất hiện ít hơn", ông Trường nói.
Theo ông Trường, trước đây rừng thông ở huyện Nghi Lộc xuất hiện dịch sâu róm, nhưng thời gian ngắn sau đó phục hồi và không ảnh hưởng đến thảm thực vật xung quanh. Cây thông trong rừng đến nay trồng hơn 20 năm, khoảng hai tháng nữa ra lá mới, tái sinh bình thường.
Thời điểm này ngoài bẫy đèn, đơn vị cũng phối hợp với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng để phun thuốc bột sinh học trên những diện tích có mật độ sâu trung bình. "Địa hình Nghi Lộc dốc, nhiều rãnh khe do quá trình xói lở. Nếu dùng drone phun thuốc sẽ đạt hiệu quả, tuy nhiên cần kiến nghị cơ quan quản lý cấp trên xem xét bố trí máy móc", ông Trường cho hay.
Cơ quan chuyên môn cũng tính đến trường hợp để thiên địch diệt sâu róm. Thiên địch của sâu róm là các loài như ong mắt đỏ, bọ ngựa, bọ xít, chim... Tuy nhiên, ông Trường nói thiên địch chỉ duy trì tự nhiên, không phải vùng nào cũng có. Những điểm mật độ sâu róm lên cao thì nằm ngoài khả năng khống chế của thiên địch, vì thế cần phun thuốc không có hóa học để tránh nguy hại đến cây.
Dịch sâu róm xuất hiện tại các cánh rừng thông trên địa bàn Nghi Lộc từ giữa tháng 7. Vòng đời sâu róm khoảng 50 ngày, hiện đã đến thế hệ thứ 3. Đến nay, 300 ha rừng thông ở các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang, Nghi Xá bị sâu ăn trụi lá, mật độ khoảng 350-400 con một cây. 450 ha rừng thông trải dài trên 17 xã khác cũng bị sâu tấn công với mức độ trung bình, mật độ 150-200 con một cây. Một số điểm nhỏ lẻ là 10-30 con một cây.
Nguyên nhân vừa qua trời nhiều sương mù, nắng mưa thất thường, độ ẩm cao, tạo điều kiện cho sâu róm sinh trưởng mạnh. Hiện sâu ăn, cắn phá lá thông một chu kỳ, nếu để sâu phát triển thêm nhiều chu kỳ có thể nguy hại đến cây.
Sâu róm hay còn gọi là sâu lông, khi trưởng thành có lông chứa độc tố.