Bùi Việt Bắc
Điều đáng nói hơn là người dịch sai hơi bị nhiều kia lại đã từng nhiều chục năm đứng trên bục giảng đại học để dạy chính môn dịch tiếng Anh. Để chia sẻ nỗi niềm, tôi đưa ông xem một trang bản thảo cùng với photo nguyên bản: Cả thảy 15 câu tiếng Anh mà dịch sai 14 lỗi!
Tiếng Việt đang mất dần bản sắc vì ta phải nghe quá nhiều lối hành văn do dịch không thoát. Thí dụ, "thú nhỏ nhất là loài dơi đến từ Thái Lan" (trên một tờ báo to), "Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã bị thua trước đội Mianma 3-0" (trên một tờ báo khác), "Ban văn hóa giáo dục trong thành phần của quốc hội", "Những chiếc lá trên một cành cây đang tỏ ra rung rinh trước những cơn gió", "Cụ Nguyễn Trãi được biết đến như một nhà thơ lớn"... Có ông nhà văn, không biết tiếng Tây nhưng lại hành văn với những chữ thừa kiểu như vừa nêu (những chữ in nghiêng).
Dịch sai còn tác hại hơn nhiều. Tôi không nói về lỗi dịch sai của từng cá nhân (việc đó phải nhiều tập sách mới kể hết) mà đi thẳng vào những cái sai đã qua mắt hầu như tất cả chúng ta, nghiễm nhiên đi vào tiếng Việt!
Có một từ mà tần số xuất hiện chắc chắn là hàng đầu trong lời nói, trên truyền thông... Chúng ta hàng ngày đều đụng đến!
Đó là từ vi tính.
Từ này có nguồn gốc dịch sai.
Chúng ta đều biết trong các tổ hợp từ vi trùng, thế giới vi mô... thì vi bổ nghĩa cho từ đứng sau nó để đem lại ý nghĩa cực nhỏ: Trùng cực nhỏ, thế giới cực nhỏ... Vậy vi tính là tính cái cực nhỏ. Nhưng microcomputer là cái máy cực nhỏ chứ đâu phải vi tính nhỏ! Đó là cái sai thứ nhất. Cái sai thứ hai: Tính không phải là âm Hán Việt để mà kết hợp với vi theo kiểu này! Cùng xuất hiện với từ microcomputer trong tiếng Anh còn có từ microplane (máy bay cực nhỏ). Nếu mà cứ dịch theo kiểu máy vi tính thì trong tiếng Việt ta còn có thêm máy vi bay (!)
Bớt chữ vi, đỡ nhiêu khê lại tiết kiệm biết bao giấy mực và thời gian!
Có cụm từ mà tôi thấy phân vân ngay khi nghe lần đầu tiên. Đó là tên bộ phim hoạt hình Nga nhiều tập Hãy đợi đấy. Phải dịch là Liệu hồn chứ. Về lời dịch này tôi đã trao đổi với vài đồng nghiệp người Nga. Họ hoàn toàn nhất trí. Có người nói Hãy đợi đấy cũng ngụ ý lời đe dọa.
Từ đầu những năm 70 trong nhiều bài báo, tên tạp chí Nga Sovremennik được dịch là "Người đương thời". Khi viết bài báo này tôi có hỏi một loạt các nhà văn, dịch giả, biên tập... Họ đều trả lời rằng người đương thời là người đang sống với chúng ta bây giờ. Những người dịch ra "Người đương thời" đã mắc một lúc hai cái sai.
Trong tiếng Nga danh từ sovremennik chỉ có một nghĩa duy nhất là người cùng thời mà thôi! Có nghĩa là những người sống cùng thời với nhau, không nhất thiết trong quá khứ hay hiện tại. Họ đã nhầm với một trong các nghĩa của tính từ sovremennyi là hiện thời, hiện nay. Đó là cái sai thứ nhất. Còn cái sai thứ hai là diễn đạt tiếng Việt cũng sai nốt! Từ xưa đến nay chúng ta đều hiểu đương thời là thời bấy giờ, thời đó, tức là quá khứ chứ đâu phải là bây giờ! Cho đến nay, tất cả các từ điển tiếng Việt chưa có quyển nào viết đương thời là thời bây giờ cả.
Ba mươi năm trôi qua, từ dịch sai, viết sai, kết cục là biến thành khái niệm. Bây giờ rất nhiều người tưởng người đương thời là người đang sống cùng chúng ta, chỉ vì đọc và nghe cách dịch sai này mãi thành quen! Đài truyền hình cũng có một chương trình mang cái tên sai tiếng Việt này nên số người hiểu sai do đó càng tăng nhanh.
Tương tự, đương đại cũng được hiểu là đang diễn ra. Những người được hỏi còn giải thích: "Là những gì diễn ra trong vòng mươi, mười lăm năm lại đây". Hiểu như thế là chưa được chuẩn. Thứ nhất: Nếu xem đương là đang thì nó là âm Việt, không thể kết hợp với đại vì đại là âm Hán Việt. Thứ hai, đương = đang là một trạng từ, chỉ có thể bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ chứ không thể bổ nghĩa trực tiếp cho danh từ. Thứ ba: Đã là thời đại thì không thể là giai đoạn ngắn trước mắt được!
Trong nền văn hóa phương Đông có con vật linh thiêng tưởng tượng là con rồng. Chúng ta đều hình dung được hình hài và bản chất của nó: Mình dài, có vảy, không cánh, phun ra mưa..., không hề gây ác, là biểu tượng của sự cao sang hùng vĩ, của vua chúa.
Huyền thoại phương Tây có con quái vật hình thù gớm ghiếc: Mình ngắn, bụng to, đuôi dài, có cánh, phun lửa, tác quái hại dân. Tên nó là dragon trong tiếng Anh, tiếng Pháp và drakon trong tiếng Nga. Theo hình hài các họa sĩ mô tả, tính chất kể trong truyện cổ, định nghĩa trong các từ điển của họ thì nó chính xác là con chằn tinh trong tiếng Việt.
Con rồng không hề có trong văn hóa phương Tây. Khi dịch từ con rồng Trung Hoa ra tiếng phương Tây, các dịch giả không thể tìm được từ tương ứng, đành phải chọn con chằn tinh để thay con rồng! Cú dịch này quả nhiên là có khiếm khuyết! Tuy nhiên ở mức độ ta có thể thông cảm. Thứ nhất là vì không có từ thích hợp hơn, thứ hai là vì người đầu tiên dịch từ này có lẽ đã lâu lắm rồi, lúc đó sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hóa Đông, Tây chắc hẳn rất mù mờ.
Còn các dịch giả và những người làm từ điển của ta khi dịch con chằn tinh của phương Tây ra con rồng của ta thì đáng trách quá vì ta có từ để dịch đúng, và ta đang sống trong thời đại giao lưu!
Bây giờ chắc các bạn đã rõ tại sao mấy thập kỷ qua vườn cổ tích trẻ em Việt Nam lại vắng bóng gã chằn tinh. Chúng ta đều đã gặp con quái vật ăn thịt người này trong truyện Thạch Sanh, rồi biệt tăm. Hóa ra là người ta bắt chước nhau đeo mặt nạ rồng cho gã chằn tinh đáng ghét, nên các em vẫn thường xuyên gặp chúng trong các phim hoạt hình, truyện tranh, cổ tích nước ngoài mà không biết, cứ tưởng đó là rồng. Còn cụ rồng kiêu hãnh vốn chỉ ngự ở các đền chùa và những nơi tôn nghiêm bỗng biến thành con quái vật khát máu. Oan này biết kêu ai?
Người đọc vì thế mà còn có khái niệm sai lệch về con rồng. Từ đó suy ra: Không nên dịch thành con rồng Cômôđô như mọi người đang làm mà phải dịch là con kỳ đà Cômôđô.
Một từ nhiều nghĩa là hiện tượng phổ biến trong mọi ngôn ngữ. Trong tiếng Anh giấc mơ và ước mơ, nữ hoàng và hoàng hậu, công chúa và vương phi, gia đình và dòng họ... là những cặp nghĩa khác nhau của cùng một từ. Những người dịch ẩu cứ nhầm lẫn nghĩa nọ với nghĩa kia, đọc mãi thành quen, bây giờ trên báo chí không những trong bài dịch mà cả bài viết cũng đầy dẫy sự lẫn lộn này.
Một số từ cũng có mặt trong vài thứ tiếng nhưng không hoàn toàn cùng nghĩa... Universitet trong tiếng Nga là trường đại học tổng hợp có nghĩa là chỉ đào tạo cán bộ nghiên cứu mà thôi. Còn university trong tiếng Anh lại là trường đại học nói chung. Thế mà rất nhiều người vẫn cứ dịch university là "đại học tổng hợp".
Tương tự, từ tekhnika trong tiếng Nga và từ technics trong tiếng Anh không hoàn toàn đồng nghĩa. Nghĩa chính của tekhnika trong tiếng Nga lại tương ứng với technology trong tiếng Anh. Cho nên người ta chỉ nói Science and technology chứ không ai nói Science and technics. Vậy mà Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật lại lấy tên tiếng Anh là Science and Technics Publishing House.
Ai cũng biết thành phần là một từ Hán Việt có nghĩa là một phần để hợp thành một cái gì đó, một phần tử để cấu tạo nên một tổng thể. Thí dụ "protein là một thành phần dinh dưỡng của đậu nành".
Còn từ sostav trong tiếng Nga thì có nghĩa ngược lại là tổng thể của các thành phần. Thế mà không hiểu sao các từ điển Nga-Việt đều in sostav là thành phần. Hậu quả là biết bao người đã viết những câu đại loại "Ucraina là nước cộng hòa nằm trong thành phần của Liên Xô". Khác nào: "Khi tôi còn nằm trong bụng của đứa con của mẹ tôi".
Dẫn chứng còn nhiều nhưng để gói gọn vấn đề, tôi xin đưa ra hai câu chuyện do một đồng nghiệp khả kính góp vui.
Trong Từ điển kỹ thuật tổng hợp Anh-Việt và cả Nga-Việt, từ metallography dịch là kim tương học, mà đúng ra phải là kim tướng học. Tướng là cái mặt như trong chữ chân tướng. Đây là khoa học nghiên cứu kim loại thông qua cấu trúc của nó thấy trên kính hiển vi. Hậu quả là tất cả sách vở đều viết kim tương học và Đại học Bách khoa Hà Nội có bộ môn Kim tương học. Biết bao thế hệ kỹ sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy... đều gọi là kim tương học!
Hà Nội ta có phố Lê Đại Hành. Thực ra chẳng có ông vua nào lấy hiệu Đại Hành cả, mà vua nào cũng được gọi là Đại hành tức là đang thực hiện chuyến đi lớn. Sang thế giới bên kia! Một nhà sử học dịch bài văn điếu, gọi Lê Hoàn là Lê Đại Hành, những nhà sử học khác cứ đinh ninh cho rằng đó là đế hiệu của ông ta!
Hai mẩu chuyện cho thấy, nếu đế ý và chịu khó tra cứu, ta còn phát hiện mà loại bỏ được nhiều cái nhiêu khê, làm trong sáng tiếng Việt. Chuyện thứ nhất tôi đã đi xác minh, hoàn toàn có thật. Còn chuyện thứ hai, có lẽ xin nhường cho các nhà sử học.
Biên tập sách dịch trên ba mươi năm, được quan sát sự nảy sinh của nhiều từ ngữ trong khu vườn tiếng mẹ đẻ, tôi đã phát hiện đôi điều thú vị để tâm sự cùng bạn đọc. Đây là những cái sai đã đi vào tiếng Việt, rất nhiều người dùng mà chưa ai có ý kiến. Chúng làm méo mó tư duy, lệch lạc khái niệm, giảm tính lôgic, giảm tính khoa học và tính thẩm mỹ của tiếng Việt.
Bạn thử nghĩ xem, con rồng và chằn tinh cũng như nhau, đợi đấy, cứ hiểu là liệu hồn, thành phần với tổng thể cũng thế thôi, nữ hoàng chính là hoàng hậu, gọi thái phi là công chúa thì đã sao, giấc mơ khác gì ước mơ, tướng biến thành tương... Rõ ràng những từ dùng sai này đã xóa nhòa các khái niệm rành mạch đã định hình từ trước đây. Theo tôi hiểu thì một ngôn ngữ có tính khoa học cao sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng trong mọi lĩnh vực: khoa học, nghệ thuật, pháp luật, giáo dục... cũng như có tác dụng rèn luyện tư duy lôgic thế hệ trẻ. Và điều cuối cùng này rất quan trọng đối với việc hình thành nhân cách, tạo lập dần năng lực sáng tạo trong tương lai của các em.
Tóm lại, bên cạnh những tác hại hiển nhiên ai cũng biết, dịch sai còn là một trong những cách tàn phá tiếng Việt. Với bài viết này chúng tôi mong muốn những người làm công tác dịch thuật và biên tập hãy cẩn trọng hơn, trách nhiệm hơn với bản dịch trước khi đưa đến với công chúng.
(Nguồn: Văn nghệ, số 1 + 2/2005)