Tại Đại học Sư phạm TP HCM, hết giờ làm bài tất cả thí sinh mới ra khỏi phòng thi. Em Lê Thanh Toàn quê ở Đồng Nai cho biết, đề thi môn Anh không khó nhưng quá dài. Thời gian làm bài 90 phút nhưng có tới 64 câu trắc nghiệm và 5 câu đọc hiểu. “Đề thi có hỏi về vận động viên Ánh Viên, người vừa đạt 8 huy chương vàng ở SEA Games 28 và mức độ nguy hiểm của đại dịch MERS. Em làm được khoảng 70%”, Toàn nói.
Tương tự, thí sinh Nguyễn Thị Tuyết Hương thi tại Đại học Sài Gòn cho biết, đề thi dài nên mỗi câu em chỉ làm trong một phút, sau đó mới dò lại bài và chỉnh sửa thêm. Kiến thức trong đề thi khá rộng, có cả chương trình năm lớp 10 và 11. So với đề thi tốt nghiệp năm trước và đề thi minh họa mà Bộ đã công bố, Hương đánh giá đề này dễ hơn. “Em chắc chắn làm được 80%. Ngày thi đầu tiên với em đã rất thành công”, Hương chia sẻ.
Tại điểm thi Đại học Khoa học Tự nhiên của cụm thi Đại học Quốc gia TP HCM, không có thí sinh nào ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian. Em Lương Trường Sinh cho biết, đề thi khá dễ. “Nếu kiếm 5 điểm để xét tốt nghiệp thì em nghĩ không khó. Kiến thức trong đề trải đều ở 3 năm phổ thông nhưng trọng tâm là lớp 12”, Sinh nói.
Điểm thi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), từ 16h10 các thí sinh bắt đầu rời khỏi trường thi với tâm trạng khá thoải mái. Nhiều em cho biết làm tốt đề thi tiếng Anh, dù năm nay có sự thay đổi trong cấu trúc đề - ngoài phần trắc nghiệm còn có tự luận. Phần trắc nghiệm 8 điểm gồm 64 câu về các dạng bài: ngữ âm, ngữ pháp, đọc hiểu, điền từ, chọn lỗi sai, viết câu.
Theo Trịnh Ngọc Tú (THPT chuyên Biên Hoà, Hà Nam), phần đề này khá phù hợp với thí sinh thi để xét tốt nghiệp. “Học sinh trung bình cũng có thể dễ dàng kiếm được 4-5 điểm ở phần trắc nghiệm này. Đề thi nhìn chung phù hợp cho cả 2 mục đích xét tốt nghiệp và thi đại học”, Tú nói và cho biết, các dạng bài trong đề thi đều quen thuộc với thí sinh. Kiến thức trong đề trải đều ở cả 3 lớp của THPT nhưng trọng tâm là lớp 12.
Phần viết luận năm nay mới có nhưng không làm khó thí sinh bởi chủ đề quen thuộc là lợi ích của việc đọc sách. Đồng thời, đề cũng cho một vài gợi ý để sĩ tử dễ dàng hoàn thành. Có 30% câu hỏi trong đề dùng để phân loại học sinh, rơi vào các câu điền từ, trọng âm, đọc hiểu. Sau gần hết thời gian làm bài, thí sinh thi khối A này tự tin sẽ đạt trên 7 điểm.
Đặng Thị Nhung (thí sinh khối D, THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông) thì cho rằng, đề thi tiếng Anh năm nay nếu dành cho tuyển sinh đại học thì khá dễ. Câu khó nhất giúp phân loại học sinh, theo em là bài tự luận (2 điểm). Tuy nhiên, bài này đã đưa sẵn 3 gợi ý nên người làm không gặp khó khăn.
“Bài tự luận khá gần gũi với mọi người. Đề tài đọc sách là phổ biến và được đề cập đến hàng ngày nên có trong bài thi cũng khá dễ. Đề gồm nhiều câu cơ bản và phần tự luận 2 điểm chính này chính là để phân loại học sinh giỏi”, Nhung nói và cho rằng để làm tốt được đề tiếng Anh năm nay, sĩ tử chỉ cần nắm chắc chương trình sách giáo khoa và có vốn từ rộng một chút.
Tại điểm thi THCS Nghĩa Tân, hết 90 phút em Nguyễn Thị Hồng Ngọc (Trực Ninh, Nam Định) là người đầu tiên bước ra khỏi trường thi. Trái với vẻ hào hứng buổi sáng khi làm bài tốt môn Toán, Ngọc cho hay làm bài tiếng Anh bình thường. Theo em, phần khó nhất là viết lại câu và viết đoạn văn về lợi ích của việc đọc sách. Dù đề khuyến khích khả năng viết, vận dụng từ, cấu trúc câu, nhưng vẫn có một số từ gợi ý sẵn nên phải làm theo khuôn khổ.
Thí sinh này lo lắng phần phát âm khó. Học sinh đến từ một số địa phương hay bị nói ngọng như em phát âm không chuẩn, dễ bị lệch đáp án. "Em thấy đề tiếng Anh khó so với tốt nghiệp nhưng lại dễ so với đại học. Đề này có lợi cho các bạn học ban D nhưng không lợi cho các bạn ban A", Ngọc đánh giá.
Nhiều thí sinh thi ban A ở địa điểm này cho biết chỉ làm bài thi để chống điểm liệt, đủ điểm xét tốt nghiệp. Nhiều yêu cầu của đề, các em đọc không hiểu nên đánh dấu bừa vào đáp án. Môn Ngoại ngữ diễn ra buổi chiều trong tiết trời nắng gay gắt khiến cho các thí sinh buồn ngủ, nhiều em nằm gục ra bàn.
Tại điểm trường Đại học Sư phạm Huế thuộc cụm thi số 26 dành cho thí sinh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, đa phần sĩ tử than đề tiếng Anh khó và dài. “Với những bạn sức học trung bình thì không thể hoàn thành bài thi”, Huyền Tôn Nữ Hạ Quyên (Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế) đánh giá.
Trong khi đó, nhiều nam sinh ở điểm trường Đại học Sư phạm Huế chia sẻ không hoàn thành phần đọc hiểu và viết. "Em chỉ làm xong phần trắc nghiệm còn phần đọc hiểu hầu như không hiểu gì”, Tuấn Long trú tại Quảng Trị chia sẻ.
Tại điểm thi Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hết giờ thi thí sinh mới bắt đầu bước ra khỏi cổng trường với khuôn mặt không vui. Nhiều em cho hay chỉ làm được khoảng 50%, còn lại chọn theo kiểu may rủi. "Đề thi chỉ có khoảng 10 câu là cơ bản dễ còn lại mất rất nhiều thời gian để nghĩ. Phần đọc hiểu thì có một phần dễ, 2 phần khó vì từ vựng nhiều quá. Riêng phần tự luận em chưa quen với kiểu bài tập này nên còn làm chậm", thí sinh Hồ Bảo Trân (quê Quảng Nam) nói.
Trong khi đó một số thí sinh lại cho rằng đề thi không khó vì đã được ôn tập ở các trung tâm luyện thi nên khá quen thuộc với các dạng bài. "Đề có nhiều từ vựng và khá dài nhưng có nhiều câu ngữ pháp nhìn vào là làm được ngay. Nếu có quá trình ôn tập tốt, thí sinh kiếm 6-7 điểm không khó", Lê Thị Hoàng (Đà Nẵng) nhận xét.
Cô Võ Mỹ Dung, trưởng tổ tiếng Anh, trường THPT Anhxtanh Hà Nội nhận xét, về cấu trúc, đề thi THPT quốc gia tương tự đề minh họa, nhưng mức độ dễ hơn. Đề gồm 2 phần, phần trắc nghiệm 64 câu và phần thi viết. Phần ngữ âm: Giống đề minh họa, tương đối dễ. Phần trắc nghiệm ngữ pháp: Giống đề minh họa, tương đối dễ. Nội dung có đề cập đến vấn đề thời sự như dịch MERS, SEA Game 28, vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên. Phần từ gần nghĩa: Số lượng câu có từ gần nghĩa ít hơn so với đề minh họa. Phần đọc - điền từ: Tương tự đề minh họa, mức độ tương đối dễ, học sinh trung trình có thể làm được nhưng để lấy được điểm tối đa thì phải khá. Phần từ trái nghĩa: Phần từ trái nghĩa có thể khiến học sinh bối rối vì trong đề minh họa không có. Phần này học sinh khá trở lên mới có thể lấy điểm tối đa. Phần tìm lỗi sai: Cấu trúc ngữ pháp tương tự đề minh họa. Mức độ của phần này vừa phải, học sinh khá trở lên mới có thể lấy điểm tối đa. Phần đọc hiểu: Tương tự đề minh họa, gồm 2 bài, mỗi bài 10 câu. Học sinh trung bình làm được khoảng 20%, học sinh khá trở lên mới có thể lấy điểm tối đa. Phần viết: + Phần I: Số lượng câu và cấu trúc tương tự đề minh họa. Có 2 câu học sinh trung bình có thể lấy điểm tối đa, 3 câu còn lại thì khó hơn. + Phần II: Chủ đề viết đoạn văn quen thuộc, có các gợi ý để giúp học sinh định hướng rõ ràng. Tổng quát đề thi nằm trong chương trình, yêu cầu rõ ràng, không lắt léo, không đánh đố. Phần học sinh lo ngại là phần thi viết thì đã có gợi ý. Đề thi đảm bảo được cả 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp và xét vào đại học. Học sinh học lực trung bình có thể được 5-6 điểm, học sinh khá có thể được 7-8. Học sinh giỏi, làm bài cẩn thận có thể được 9. |
Nhóm phóng viên