Từ ngày 16 đến 17/10, hội thảo quốc tế đầu tiên về bộ tiểu thuyết nổi tiếng diễn ra tại Sở Châu, thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Địa điểm này cũng chính là quê hương của tác giả Ngô Thừa Ân, cha đẻ của bộ sách Tây Du Ký.
Hội thảo do chính quyền thành phố Hoài An, Hội nghiên cứu văn hóa Tây Du Ký Trung Quốc, Đại học Nam Kinh, Học viện sư phạm Hoài Âm phối hợp tổ chức. Lục Tiểu Linh Đồng được xem là linh hồn của sự kiện này, và ông đại diện ban tổ chức mời dịch giả Lệ Chi đến tham dự.
Dịch giả Lệ Chi từng mang sách Việt Nam sang triển lãm và tổ chức họp báo giới thiệu ở Trung Quốc. Chị cũng có mối quan hệ với nhiều nhà văn đương đại của Trung Quốc. |
Hội thảo văn hóa quốc tế Tây Du Ký lần thứ nhất tập trung nhiều đại diện xuất bản trên thế giới từng xuất bản các ấn phẩm liên quan tới bộ Tây Du Ký. Sự kiện này hứa hẹn sự giao thoa văn hóa quốc tế đặc sắc, thu hút nhiều học giả của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Pháp…
Dịch giả Lệ Chi cho biết, chị sẽ tham gia hội thảo với bài tham luận nói về hình ảnh và vị trí của nhân vật Tôn Ngộ Không trong lòng trẻ em Việt Nam, cũng như ảnh hưởng và tác động của nhân vật này với quá trình trưởng thành ở trẻ nhỏ.
"Tây Du Ký với hình tượng Tôn Ngộ Không là một phần ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của tôi và rất nhiều bạn nhỏ. Tôi nghĩ mình thật may mắn và cũng thật bất ngờ khi có một ngày được gặp Tôn Ngộ Không bằng xương bằng thịt ở ngoài đời. Ngoài ra, việc được ngồi chung với giới xuất bản thế giới cùng niềm yêu thích Tây Du Ký, về Tôn Ngộ Không, cùng chia sẻ những suy nghĩ và kỷ niệm ấu thơ về những nhân vật này có thể nói là một cơ duyên, một may mắn lớn trong công việc xuất bản của tôi cũng như cuộc đời tôi", nữ dịch giả bày tỏ.
Lệ Chi chia sẻ thêm, chị mong rằng những nhân vật yêu thích khác của độc giả nhỏ tuổi Việt Nam như Dế mèn phiêu lưu ký sẽ không chỉ giới hạn trong nước, mà có dịp mở rộng ra hơn với nhiều bạn nhỏ quốc tế. Để một ngày nào đó, Việt Nam cũng có dịp tổ chức hội thảo văn hóa quốc tế về nhân vật ấn tượng trong tác phẩm văn học.
"Tôi cũng mong rằng nhân chuyến đi này, tôi sẽ giới thiêu với giới xuất bản các nước về hình tượng Dế mèn của văn học Việt Nam và việc làm sao để hình tượng Dế mèn luôn sống mãi, có tác động rộng rãi tới độc giả ở nhiều lứa tuổi trong, ngoài nước", Lệ Chi nói.
Các nhân vật trong tiểu thuyết cũng như bộ phim chuyển thể "Tây Du Ký" hồi năm 1986 được độc giả khắp thế giới, nhất là tại các nước châu Á, đón nhận nồng nhiệt. Ảnh: Tom. |
Tây Du Ký được coi là một trong bốn kiệt tác kinh điển của văn hóa Trung Quốc, bên cạnh các bộ Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử, từng được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới, được chuyển thể thành các loại hình nghệ thuật: phim truyện, phim truyền hình, phim hoạt hình, kịch, tuồng, truyện tranh, kinh kịch…
Năm 2010 được coi là Năm Du lịch Văn hóa Tây Du Ký tại Sở Châu, Trung Quốc bởi các hoạt động khác liên quan tới bộ tác phẩm kinh điển này diễn ra liên tục suốt 6 tháng tại đây. Mở màn là hoạt động văn hóa quần chúng tại quảng trường “Sở Châu xinh đẹp” vào ngày 3/5.
Cũng trong thời gian diễn ra hội thảo, có khoảng 20 hoạt động văn hóa khác với nội dung đặc sắc như: lễ công chiếu bộ phim truyền hình 3D đầu tiên Ngô Thừa Ân và Tây Du Ký (do Lục Tiểu Linh Đồng đóng 2 vai chính), Tuần lễ triển lãm văn hóa nghệ thuật dân gian về các nhân vật trong Tây Du Ký bằng các loại hình nghệ thuật dân gian như cắt giấy, múa rối, dân ca, tạp kỹ…
Cùng thời gian này, tại Bắc Kinh cũng tổ chức triển lãm nghệ thuật văn hóa Tây Du Ký, hội thảo sáng tạo mới về Tây Du Ký, cuộc thi sáng tác hoạt hình Tây Du Ký trên Internet toàn quốc, cuộc thi tranh thiếu nhi toàn quốc về "Mỹ hầu vương trong trái tim tôi"...
Diễn viên kỳ cựu Lục Tiểu Linh Đồng đang kêu gọi xây dựng một công viên Tây Du Ký ở nước này.
Trước đó, diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng trao cho công ty Chibooks của Nguyễn Lệ Chi bản quyền bộ sách Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây Du (2 tập) do ông là tác giả. Tập đầu tiên của bộ sách xuất bản tại Việt Nam vào tháng 5.
Thoại Hà