- Anh đang dịch những trang cuối của "Nắng tháng tám" và anh từng chia sẻ, sau khi dịch xong, anh bị ấn tượng mạnh đến mức không muốn đọc những cuốn sách khác. Vì sao thế?
- Tôi bị rúng động bởi nội dung đầy chất nhân văn của tiểu thuyết này. Cốt truyện có vẻ đơn giản nhưng càng đọc càng thấy tác giả dẫn ta đi sâu vào những nỗi đau sâu thẳm trong nội tâm con người trong một bối cảnh xã hội ngột ngạt.
Cũng như trong cuốn Âm thanh và cuồng nộ (The sound and the fury) trước đó, trong Nắng tháng tám Faulkner không sử dụng lối kể truyện đơn tuyến, sắp xếp các tình tiết theo thời gian, ông chọn lối trình bày khá phức tạp, theo cấu trúc vòng tròn, tức là bắt đầu kể câu chuyện khi nó gần kết thúc rồi mới quay ngược về các tình tiết trong quá khứ để rồi chấm dứt nó ở chương cuối. Và cùng lúc, ông cũng sử dụng một cách tuyệt vời các kỹ thuật tiểu thuyết tân kỳ như đồng hiện, như độc thoại nội tâm, như đa bội điểm nhìn.
Tôi chỉ muốn nói thêm là tôi trả lời câu hỏi với tư cách khiêm tốn của một người dịch, tôi không phải là nhà phê bình hay nghiên cứu về Faulkner. Bạn đọc, nếu muốn, có thể tìm hiểu sâu về cuốn Nắng tháng tám qua bốn bài giảng ở trường đại học Yale danh tiếng của giáo sư Wai Chee Dimock mà các bạn có thể tìm thấy trên youtube. Còn có hàng chục cuốn sách bằng tiếng Anh nghiên cứu về Nắng tháng tám nữa để giúp chúng ta có thể tiếp cận tác phẩm từ nhiều góc độ khác nhau.
- Hầu hết tác phẩm của Faulkner bao trùm bóng tối của tội lỗi và chết chóc nhưng chính tác giả lại phát biểu rằng: "Tôi không chấp nhận sự tận cùng của con người". Anh có ý kiến gì về điều này?
- Đúng là trong bài diễn văn đáp từ, ngắn gọn nhưng sâu sắc, khi nhận giải Nobel vào cuối năm 1950 ở Stockholm, Faulkner có đưa ra quan điểm: "Tôi quyết không chấp nhận sự cùng tận của con người".
Để hiểu rõ ý ông, tôi thấy không gì hay hơn là trích dẫn thêm lời giải thích của chính ông, trong cùng diễn từ đó: "Rất dễ nói rằng con người bất tử chỉ vì giỏi chịu đựng, rằng khi tiếng chuông tận thế đã ngân tàn từ mỏm đá cuối cùng vô nghĩa, giữa hoàng hôn đỏ úa cuối cùng không có thủy triều lên, rằng ngay cả khi ấy vẫn còn âm thanh là tiếng nói yếu ớt không tắt của con người. Tôi quyết không chấp nhận điều ấy. Tôi tin rằng con người không chỉ chịu đựng: mà hơn nữa, sẽ vượt qua. Con người bất tử, không vì giữa muôn loài, nó có tiếng nói không bao giờ tắt, mà chính vì nó có một tâm hồn, một tinh thần biết đồng cảm, hy sinh và chịu đựng. Bổn phận của nhà thơ, nhà văn là viết về những điều đó. Có sứ mệnh giúp con người chịu đựng bằng cách nâng dậy tâm hồn con người, gợi nhớ lòng can trường và danh dự, hy sinh và tự hào, đồng cảm và trắc ẩn, cùng với sự hy sinh đã làm nên vinh quang trong quá khứ của con người". (Nhật Chiêu dịch)
Nhưng không phải "hầu hết tác phẩm của Faulkner bao trùm bóng tối của tội lỗi và chết chóc" đâu. Chẳng hạn như cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, The reivers (Những tên trộm) xuất bản năm 1962, một tháng trước khi ông qua đời đột ngột, và được trao giải Pulitzer danh giá của nước Mỹ, đọc thấy nhẹ nhàng và dí dỏm lắm.
Dù biết rằng trong bóng tối mọi sự đều có thể, từ những nỗi ham muốn bí ẩn đến những tội lỗi khó thú nhận, và ngay cả những tội ác hung hãn, Faulkner vẫn thường để cho bi kịch bao giờ cũng thắt nút và gỡ nút giữa ban ngày, và vào mùa hè, tức tháng sáu, bảy, tám hay bắt sang tháng chín một chút. Đọc Nắng tháng tám sẽ thấy rõ thiên nhiên và mặt trời tác động gần như định mệnh lên các nhân vật của ông, những con người sống một đời sống quẩn quanh ở miền nam nước Mỹ.
- Nếu nói chính sự mâu thuẫn trong quan niệm nhân sinh ở William Faulkner khiến trang văn của ông cuốn hút độc giả, anh nghĩ sao?
- Điều mà tôi thấy đáng chú ý ở Faulkner là nhìn chung, các tác phẩm của ông là nơi hợp lưu, là điểm hội tụ giữa cái lịch sử và cái vĩnh hằng. Cái lịch sử thì bám sâu vào vùng đất quê hương ông (quận Lafayette, bang Mississipi thuộc miền Nam mà người Mỹ thường gọi là "the Deep South", nơi mà ông hư cấu thành quận Yoknapatawpha trong các tiểu thuyết của mình), một vùng đất nghèo nàn, khô kiệt dưới mặt trời thiêu đốt, với những phố thị bụi bặm, buồn hiu, cư dân da trắng, da đen thì bị chia rẽ, dày vò bởi nạn kỳ thị chủng tộc, lại còn bị ám ảnh nặng nề bởi dư chấn của cuộc Nội chiến Mỹ (1861-65).
Cái vĩnh hằng thì gắn chặt với thân phận con người sống trong một bối cảnh xã hội và lịch sử được phân định rõ ràng đó, với cái khổ, cái đau, cái ác vừa song hành, vừa giằng co túi bụi với cái vui, cái sướng, cái thiện. Và từ chỗ hợp lưu này, người ta thấy được con người vẫn thắng thế, vẫn vượt qua (to prevail, Faulkner dùng đến hai lần động từ này trong diễn từ Nobel ngắn gọn của mình) những nghịch cảnh đau buồn đầy dẫy trong cõi nhân sinh.
Nhìn như vậy thì tôi không thấy có gì mâu thuẫn mà trái lại, thấy ra sự mạch lạc, sự gắn bó chặt chẽ giữa các ý tưởng tiểu thuyết của ông, hay nói rộng ra, thấy được cái tâm thế nhất quán của ông trước thân phận con người.
- Anh đánh giá thế nào về việc những tác giả khổng lồ của nền văn học thế giới, như Faulkner, được giới thiệu ở Việt Nam?
- Tôi nghĩ các nhà văn lớn của những nền văn học khác nhau trên thế giới, mà các tác phẩm đã vượt qua sự thử thách của thời gian, nên và cần được giới thiệu. Chắc phần lớn bạn đọc sẽ đồng ý với điều này.
Cho phép tôi lấy một ví dụ, dù xưa cũ vẫn còn khá thú vị: Tiểu thuyết Nắng tháng tám xuất hiện lần đầu ở Mỹ, vào năm 1932, chỉ ba năm sau là đã có bản dịch tiếng Pháp do nhà xuất bản uy tín Gallimard ở Paris ấn hành, vào năm 1935. Nên nhớ là không có internet vào thời đó, và sự quảng cáo các tác phẩm văn học trên các phương tiện truyền thông thì cực kỳ hiếm hoi.
Không những thế, trong những năm 30 thế kỷ trước, người Pháp cũng xuất bản các bản dịch những tác phẩm khác, nay đã thành kinh điển, của Faulkner như Âm thanh và cuồng nộ (The sound and the fury), Khi tôi nằm chết (As I lay dying) và Absalom, Absalom!... Sự xuất hiện các tiểu thuyết này, qua bản dịch, đã gây chấn động trên văn đàn Pháp hồi đó, và các nhà văn lớn của Pháp như André Malraux (tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng La condition humaine (Thân phận con người), Jean-Paul Sartre (Nobel văn học 1964), đã viết ngay những lời giới thiệu hay nhận định trân trọng và nể phục về kỹ thuật viết tiểu thuyết tân kỳ và độc đáo cũng như lòng thương cảm sâu sắc của ông trước những nỗi đau của kiếp người.
Người Pháp, cho tới nay, vẫn còn nhắc tới một cách hãnh diện là đã khám phá ra đầu tiên thiên tài văn học Faulkner còn trong bóng tối trước các nước khác, và trớ trêu thay, trước cả quảng đại quần chúng Mỹ (Khi ông được giải Nobel văn học thì họ mới biết đến ông!)... Sau đó thì hầu như toàn bộ tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, truyện phim, các bài giảng ở đại học, ngay cả thư tín của Faulkner cũng đã được dịch ra tiếng Pháp, và được tái bản ít nhiều, nhất là hai cuốn Nắng tháng tám và Âm thanh và cuồng nộ.
- Theo anh sự đón nhận của độc giả trong nước với "Nắng tháng tám" nói riêng và các tác phẩm kinh điển thế giới nói chung, như thế nào?
- Với số lượng ấn bản khiêm tốn hiện nay (mỗi lần in khoảng 1.500 hay 2.000 cuốn) thì khó mà đánh giá một cách khách quan và đầy đủ việc giới thiệu các tác giả và tác phẩm lớn tác động thế nào đến công chúng đọc sách trong xã hội ta.
Tôi không thể biết trước được độc giả sẽ đón nhận Nắng tháng tám như thế nào. Tôi biết là đọc nó thì cần nhiều thì giờ (bản dịch tiếng Việt dài gần 650 trang) và đòi hỏi sự tập trung, sự chú ý nhiều hơn thường lệ. Tuy vậy, trước mắt tôi vẫn mong là nó sẽ có ích ít nhiều đối với các bạn sinh viên đang học hay quan tâm đến văn học nước ngoài, đơn giản vì nó là một kiệt tác của nền văn học Mỹ, và của cả thế giới.
Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Nắng tháng tám: Lena Grove, một cô gái bụng mang dạ chửa, đi bộ cả tháng trời từ bang Alabama đến thành phố Jefferson (thuộc bang Missisippi, nhưng là một thành phố hư cấu trong tiểu thuyết) để tìm người yêu tên là Lucas Burch, cha của đứa bé sắp sinh. Ngày nàng đặt chân đến Jefferson cũng là ngày người ta khám phá ra cô gái già da trắng Burden bị cắt cổ, ngôi nhà lớn của cô bị đốt cháy, bởi người tình trong bóng tối của mình là Joe Christmas, một người mà ai cũng nghĩ là da trắng nhưng anh ta mang một bí mật bi thảm ít ai biết là có máu da đen trong người. Christmas bị săn đuổi, bị bắt giam vào ngục ở Jefferson nhưng rồi lại trốn thoát, chạy đến ẩn núp trong ngôi nhà quạnh quẽ của mục sư Hightower, và cuối cùng anh ta bị bắn chết rồi bị thiến ở đó. Trong thời gian đó thì Lena sinh con, rời bỏ Jefferson ra đi cùng với Byron Bunch, một người thợ làm trong cùng xưởng bào với Christmas và Lucas Burch, và là bạn của mục sư Hightower. Nhân vật Christmas hiện ra dưới mắt ta như vừa là nạn nhân, vừa là biểu tượng, của những tội lỗi ở miền Nam nước Mỹ, nơi mà tâm lý kỳ thị màu da còn rất nặng nề vào thời điểm câu chuyện, tức những năm 20 thế kỷ trước. Mục sư Hightower là biểu tượng cho những ảo tưởng của miền nam đối với quá khứ (nhất là cuộc Nội chiến 1861-65) và nỗi đau dai dẳng vì bất lực, mất hết ý chí để sống trong hiện tại. Còn Lena, một nhân vật rất được độc giả Mỹ yêu thích, là biểu tượng của tuổi trẻ, của lòng tin yêu nơi con người, của sức mạnh tinh thần tiềm ẩn giúp ta vượt qua nghịch cảnh. Cách đây vài năm, tờ tuần báo lâu đời và uy tín của nước Mỹ, Time, đã lập ra một danh sách (không xếp hạng) "Một trăm tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất", xuất bản trong vòng 102 năm, kể từ năm 1923 (khi báo Time này ra đời) đến năm 2005 (khi lập danh sách) thì trong đó có Nắng tháng tám. Trước đó, vào năm 1999, trước thềm thiên niên kỷ mới, nhà xuất bản văn học danh tiếng ở New York là Modern Library cũng lập ra một danh sách "Một trăm tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất của thế kỷ 20" thì Nắng tháng tám được xếp thứ 54. |
Ngân Hoa thực hiện