Tập thơ Đồng của nhà thơ Trần Lê Khánh với 100 bài theo thể loại lục bát giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2025 ở hạng mục thơ. Là người chuyển ngữ sang tiếng Anh, nhà thơ, dịch giả người Mỹ Bruce Weigl chia sẻ xung quanh tập thơ này.
![Nhà thơ, cựu binh Mỹ Bruce Weigl. Ảnh: Cordoba](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2025/02/07/bruce-weigl-1738830612-1738830-3240-3051-1738901628.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=B2c29d9QbNtk9jISgoFG4w)
Nhà thơ, cựu binh Mỹ Bruce Weigl. Ảnh: Cordoba
- Cơ duyên đưa ông tới thơ ca của Trần Lê Khánh như thế nào?
- Tôi đã biết và làm việc với nhà thơ Trần Lê Khánh, cùng dịch các bài thơ của anh sang tiếng Anh trong nhiều năm. Khi được tiếp xúc với tập thơ Đồng, tôi có những hiểu biết về thơ ca của Khánh mà không nhiều người khác có được. Đồng là tập thơ lục bát phong phú, là ví dụ về một nhà thơ cố "tự làm khó mình", chấp nhận thách thức thậm chí là định nghĩa lại một truyền thống thơ ca.
Tôi đã trò chuyện rất nhiều với Trần Lê Khánh để hiểu được chính xác nhất bản gốc, hiểu được ý tứ sâu xa ngay từ ban đầu. Điều này giúp cho bản dịch chuyển tải được thông điệp, tinh thần của nguyên tác. Trần Lê Khánh là một nhà thơ giỏi ngoại ngữ. Điều này giúp cho tôi và anh ấy có những sự đồng điệu lớn trong thơ ca.
- Điều gì trong thơ của Trần Lê Khánh thu hút ông?
- Thành tựu nghệ thuật trong tập thơ này nằm ở sự kết hợp giữa tinh thần tôn trọng truyền thống thơ lâu đời, bằng thể thơ lục bát, với cách tiếp cận hậu hiện đại, mới mẻ. Với sự kết hợp này, nhà thơ đã nâng những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày, những thất bại đau đớn và những chiến thắng nhỏ bé - lên tầm nghệ thuật. Sự mâu thuẫn này, hoặc đúng hơn, nghịch lý này, là một trong những đặc điểm làm nên sự khác biệt của tập thơ.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng nhà thơ Trần Lê Khánh đã phá vỡ mọi rào cản truyền thống để đạt tới một mức độ biểu đạt thi ca mà tôi chưa từng thấy trước đây, ít nhất là trong trải nghiệm của tôi. Tôi ngưỡng mộ những bài thơ này. Chúng thực sự là những tác phẩm xuất sắc và quan trọng và ý nghĩa.
- Khi chuyển ngữ tập thơ ông gặp khó khăn ra sao?
- Tôi đã dịch tập thơ này được một năm. Rào cản rất nhiều, nhưng không đến từ thể loại mà đến từ tư duy thơ khác biệt của Trần Lê Khánh. Cái khó của việc chuyển ngữ đến từ việc Trần Lê Khánh rất giỏi trong cách viết khi anh đề cập đến sự hài hước, trớ trêu của cuộc sống này. Trần Lê Khánh không làm thơ mang tính giải trí thông thường. Anh đặt những mảng đối lập cạnh nhau để tìm ra được bản chất của vấn đề. Điều này đến từ việc anh có thực hành thiền và hiểu thiền để sáng tỏ mọi sự vật hiện tượng.
Điều này cũng dẫn đến thử thách tiếp theo cho người dịch. Đó là thơ Trần Lê Khánh mang tính thiền. Đó không phải là thiền theo hiểu biết thông thường. Để hiểu được điều này trong thơ anh ấy, tôi đã phải đọc cả về vật lý lượng tử. Trần Lê Khánh tư duy hiện đại về mọi mặt, kể cả tâm linh.
Ngoài ra thì còn là thể thơ. Thể thơ có ảnh hưởng rất lớn đến việc đọc thơ. Lục bát là thể thơ vừa dễ vừa khó. Khi chuyển ngữ tôi cũng phải nỗ lực để truyền tải được tốt nhất những yếu tố đó.
![Tập thơ Đồng ghi lại những chiêm nghiệm của Trần Lê Khánh thông qua những sáng tạo trong cách thể hiện thơ lục bát. Ảnh: NVCC](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2025/02/07/z6295181597399-a7455998f274568-9346-9405-1738901629.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MlqtN4XB4GCKdzMTji2ErQ)
Tập thơ "Đồng" ghi lại những chiêm nghiệm của Trần Lê Khánh thông qua những sáng tạo trong cách thể hiện thơ lục bát. Ảnh: NVCC
- Ông làm thế nào để đưa được chất Thiền đến độc giả khi chuyển ngữ?
- Có thể nói, tính thiền trong thơ Trần Lê Khánh sẽ có hai kiểu độc giả. Một là người có hiểu biết về thiền, tất nhiên họ sẽ đọc ra được điều đó. Và người chưa có hiểu biết về thiền cũng sẽ hiểu được vì có những hình ảnh rất trực tiếp, có những gợi ý sâu xa mà không cần qua nhiều bước gián tiếp về mặt tư duy.
Ở phương Đông, thiền là một cách sống, một thái độ sống. Phương Tây lại trí thức hóa thiền để hiểu nó là như thế nào. Độc giả tiếng Anh sẽ hiểu được tinh thần thiền trong thơ Trần Lê Khánh. Còn để hiểu sâu thì phụ thuộc vào xuất thân, nền tảng của họ với thiền. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng Trần Lê Khánh đã vượt qua được những giới hạn để cộng đồng đọc tiếng Anh cũng có thể cảm nhận được thơ anh ấy một cách thấu đáo. Không nhiều nhà thơ làm được như vậy.
- Cảm nhận riêng ông thế nào về tập thơ này?
- Thơ Trần Lê Khánh rất giàu hình ảnh. Khi tìm hiểu về lịch sử thơ Mỹ có hẳn một dòng thơ tập trung về hình ảnh. Thơ ca thế giới hiện đại cũng giao thoa với nhau về mặt này. Tôi không nhìn thơ Trần Lê Khánh có sự tương đồng hay khác biệt với thơ ca thế giới hiện đại. Mà thơ anh ấy đã ở tầm phổ quát, vượt qua được rào cản ngôn ngữ hay văn hóa quốc gia. Việc nhà thơ ở đâu đã không còn quan trọng. Cái cốt yếu là thơ anh ấy đã kết nối được nhiều người, nói được câu chuyện của chúng ta một cách sâu nhất, hiệu quả nhất.
-Tập thơ "Đồng" có sự khác biệt như thế nào với những tập thơ của các tác giả Việt mà ông từng dịch?
- Khác biệt lớn nhất là sự tinh lọc, kỹ càng. Ở Trần Lê Khánh không có sự lan man, kể lể. Anh giống như một học giả về thơ. Anh đọc rất nhiều thơ của các nhà thơ thế hệ trước để chắt lọc ra những giá trị bền vững. Nhiều nhà thơ thường chỉ để ý đến những cái mới lạ, ngay cả các nhà thơ ở Mỹ cũng vậy. Nhưng điều khác biệt và làm nên dấu ấn Trần Lê Khánh sâu đậm là anh quan tâm đến thơ truyền thống để tìm ra sự tinh túy và những giá trị bền vững.
Có thể khẳng định, đóng góp của Trần Lê Khánh qua tập thơ Đồng là anh đã đưa ra một mảnh ghép chân thực, có bản sắc và thú vị về thơ ca Việt Nam đương đại, và góp phần kết nối thơ ca Việt Nam với thơ ca thế giới.
Yên Chi
Nhà thơ Bruce Weigl sinh năm 1949, là nhà thơ người Mỹ có nhiều gắn bó với Việt Nam. Ông nguyên là chủ tịch Chương trình Viết văn quốc gia Mỹ, chủ tịch Hội đồng Thẩm định thơ của Giải thưởng Văn học quốc gia Mỹ và là người đã dịch 2 tập thơ của Trần Lê Khánh sang tiếng Anh. Tháng 9/2024, ông được trao Huân chương hữu nghị nhờ đóng góp tích cực trong việc quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam, góp phần xây dựng tình hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ.
Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971, là chuyên gia tư vấn tài chính cấp cao, hiện sống và làm việc tại TP HCM. Anh bắt đầu sáng tác thơ từ cách đây 10 năm, đã xuất bản nhiều tập thơ như Lục bát múa (2016), Dòng sông không vội (2017), Ngày như chiếc lá (2018), Lục bát múa trọn bộ (2018), Giọt nắng tràn ly"(2019), Xứ - Rung một ngọn mây (đạt giải thưởng Văn học nghệ thuật xuất sắc của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2021), Ngàn bài thơ khác (2022), Đồng (2024)... Tập thơ Sự bắt đầu của nước được xuất bản song ngữ tại Mỹ với tựa đề tiếng Anh là The Beginning of Water, nhận giải thưởng văn học dịch Cliff Becker 2021. Tác giả sắp ra mắt tập thơ The Sum of Now tại Mỹ