Dịch giả Huỳnh Phan Anh. |
- Ông đánh giá thế nào về đời sống văn học Mỹ?
- Thị trường văn học dịch ở đây vô cùng đa dạng. Tôi có cảm tưởng bất cứ tác phẩm cổ kim đông tây nào cũng đều được dịch hết. Điều khiến tôi ngạc nhiên là nhiều người sống khá sung túc, đầy đủ tiện nghi, nhưng họ vẫn dịch văn học, một công việc rõ ràng là không hề được trả công cao. Cách lý giải duy nhất chỉ có thể là: họ có nhiều tiền và khi đó, việc dịch văn học không phải nhằm mục đích sinh nhai nữa mà chỉ để làm phong phú thêm cho nền văn học Mỹ. Trong khi đó, triết học ở nước Mỹ khá nghèo nàn, hay nói cho đúng hơn là thiếu một căn bản triết học. Bởi vậy sách triết không phong phú cho lắm.
- Thế còn dòng văn học của người Việt ở hải ngoại?
- Tôi đọc không nhiều, nhưng theo những gì tôi biết thì trong bộ phận văn học hải ngoại này, những cây bút nữ có vẻ "sáng" hơn. Những cây bút trẻ cũng viết hay hơn, có lẽ bởi họ không nợ nần gì quá khứ.
- Cách đây chưa lâu, có một nhà văn hải ngoại đã tự nhận là "văn học hải ngoại đang tự ăn thịt mình". Ông lý giải điều này như thế nào?
- Tôi hiểu nhà văn nọ muốn ngụ ý đến cái không gian khá chật hẹp của văn học hải ngoại. Đặc điểm lớn nhất của những cây bút hải ngoại, cụ thể ở Mỹ, là họ sống ở ngoại quốc nhưng lại viết về tâm trạng Việt Nam. Nhưng họ có hít thở bầu không khí Việt Nam đâu mà viết! Tôi vẫn nhớ lời nhà văn Boris Pasternak nói rằng "một nhà văn không thể xa rời tổ quốc mình". Chính vì thế mà khi phải lựa chọn giữa giải Nobel và việc phải sống lưu vong thì ông đã chọn sống chết với nước Nga. Nếu không nặng lòng với đất nước quê hương thì không thể nào hiểu được tâm trạng của những người cùng dòng máu.
- Trước đây, ông có nói đến con số "1.000 bản" cho mỗi tác phẩm in trên thị trường Việt Nam. Theo ông, làm cách nào để ngành xuất bản Việt Nam thoát khỏi tình trạng ít ỏi đó?
- Tôi nghĩ chủ yếu vẫn do cơ chế xuất bản, chỉ có lợi với người làm sách, còn tác giả viết hoặc dịch không bao giờ giàu được. Ở Pháp, nếu in được 50.000 bản thì người ta khoe nhắng cả lên, còn ở ta thì càng giấu đi được bao nhiêu càng tốt! Chính cái hiện trạng này dễ tạo ra ấn tượng rằng người Việt Nam không đọc sách, còn tác giả viết sách, dịch sách thì không sống nổi. Như cuốn Thế giới của Sophie tôi dịch trước đây, trên thế giới bán được hàng triệu bản, ở Việt Nam cũng chỉ đề in có 1.000 bản mà thôi. Hầu hết sách đều do đầu nậu làm, chỉ cần nhấc điện thoại lên điều đình 5 phút là xong...
- Ở nước ngoài, ông có theo dõi văn học trong nước không?
- Thành thực mà nói tôi đọc không nhiều. Đó là thiếu sót lớn nhất của tôi. Nhưng qua những gì tôi biết, tôi vẫn cảm thấy những cây bút trẻ đã thổi một luồng không khí mới vào đời sống văn học Việt Nam. Những người trẻ viết ít run tay và rất trong sáng. Tôi vẫn nhớ những tên tuổi như Phan Thị Vàng Anh, Châu Giang, Phan Triều Hải. Đọc Bảo Ninh tôi rất thích. Cuốn Nỗi buồn chiến tranh anh ấy viết như một công trình văn chương chứ không phải một sơ đồ tư tưởng.
(Theo Thanh Niên)