![]() |
Chuẩn bị đem gà chết đi tiêu huỷ. |
Chi cục Thú y Long An cho biết, đến ngày 6/1, tại thị xã Tân An, ngoài các xã Khánh Hậu, phường 4, phường 6, dịch đã lan sang xã Bình Tâm, An Vĩnh Ngãi, phường 3. Các xã Vĩnh Công, Thanh Phú Long, Bình Quới, Phước Tân Hưng, Hòa Phú (huyện Châu Thành), huyện Tân Trụ và một xã của huyện Bến Lức cũng bắt đầu có gà bệnh. Tổng số gà chết và bán "tháo" là 457.000 con. Tuy nhiên, tỉnh mới xử lý thiêu hủy được 10.000 con.
Nhằm hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại do gà chết, tỉnh có chủ trương khoanh nợ cho dân. Chi cục Thú y cũng tham mưu cho UBND tỉnh để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ hỗ trợ Long An 10 tỷ đồng.
Tại Tiền Giang, dịch bệnh đã lan sang huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và sáng 6/1, cán bộ thú y phát hiện gà chết ở một hộ tại Mỹ Tho, tìm thấy dấu hiệu bệnh ở một trại chăn nuôi thuộc xã Long Hưng (Châu Thành). Riêng 2 xã bùng phát đầu tiên là Tân Hội Đông và Tân Hương có 100.000 con gà chết trên tổng đàn 150.000 con.
Tại TP HCM, sau khi bắt được 1.600 kg gà chết, Trạm thú y quận 5 và ban quản lý chợ gà Trần Chánh Chiếu tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa tình trạng này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiểu thương lén lút mang gà chết vào chợ. 3h ngày 7/1, nhân viên Trạm thú y quận 5 và ban quản lý chợ đã bắt quả tang một đối tượng đang vận chuyển 2 bao gà vào chợ Trần Chánh Chiếu. Đến 12h cùng ngày, Trạm thú y quận 5 tiếp tục phát hiện thêm 100 con, tương đương 180 kg và đem đi thiêu hủy ngay.
Tại chợ gà Bình Đăng, các tiểu thương cho biết không nhận thêm gà vào chợ. Tuy nhiên số lượng gà chết tại chợ vẫn đáng kể. Theo trưởng Trạm thú y quận 8 Nguyễn Thị Thanh Vân, chiều qua, trạm thú y quận đã lập biên bản đưa đi thiêu hủy thêm 287 kg, nâng tổng số trên địa bàn quận 8 là 449 kg.
Để ngăn chặn gà chết được đưa vào thành phố, hôm qua, Chi cục Thú y TP HCM đã chỉ đạo các trạm thú y trên địa bàn: “Tất cả nguồn gà đưa về thành phố nếu chủ nhân không xuất trình giấy kiểm dịch từ phía cơ quan thú y, khi phát hiện thì cũng xử lý đem đi tiêu hủy như gà chết".
Tại tỉnh phía Bắc Hà Tây, dịch gà lại bùng phát tại một công ty chăn nuôi (có vốn đầu tư của Thái Lan) với hàng chục nghìn con gà chết. Một chuyên gia thú ý cho hay, tình hình trở nên nghiêm trọng bởi virus gây bệnh dịch gà tại những địa phương này là loại virus nguy hiểm tìm thấy trong đợt dịch gà tại trại gà Tam Dương (Hoà Hợp, Vĩnh Phúc) vào cuối năm ngoái.
Tối qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ đã ký quyết định thành lập ban chỉ đạo chống dịch gia cầm cấp bộ. Ban sẽ đề ra nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả để ngăn chặn vụ dịch gia cầm này. Ông Nguyễn Văn Thông - Phó cục trưởng Cục Thú y - kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên đề nghị với Chính phủ công bố dịch. Khi công bố dịch thì sẽ có cơ chế chống dịch. |
Trong cuộc họp giao ban giữa Trung tâm Thú y vùng TP HCM với 12 tỉnh từ Bến Tre đến Lâm Đồng, Giám đốc Trung tâm Thú y vùng TP HCM Đồng Mạnh Hòa, cho biết, từ ngày 18/12/2003, trung tâm đã nhận được mẫu bệnh do người dân gửi về, nhưng mãi đến 26/12/2003 mới có thông tin từ Chi cục Thú y Long An. Nếu địa phương phản ứng nhanh hơn thì đã có kết luận sớm hơn. Ông Hòa thừa nhận hệ thống thông tin ngành thú y chưa tốt. Theo ông thì từ tháng 3/2003 đã phát hiện dịch từ Hà Nội và không loại trừ nguồn lây từ miền Bắc vào.
Về nguyên nhân gây dịch, ông Hòa cho biết xét nghiệm 2 mẫu ở Long An và 4 mẫu ở Tiền Giang đều giống nhau, cùng loại bệnh. Một lần nữa, ông cảnh báo về mối nguy hiểm đặc biệt, bởi loại virus lạ này không chỉ gây bệnh cho gà, vịt, ngan, ngỗng, chim trời mà có thể cả với heo, ảnh hưởng cả với sức khỏe con người. Do vậy, cách khống chế an toàn nhất là diệt tất cả gia cầm trong vùng dịch, tiêu hủy xác và tiêu độc sát trùng chuồng trại. Nếu không thì cho dù dịch có qua đi nhưng nguy cơ vẫn còn.
Phó cục trưởng Cục Thú y Phạm Chung đề nghị chính quyền tỉnh nhanh chóng công bố dịch, đó là bệnh "tụ huyết trùng ghép với một loại bệnh nguy hiểm khác". Kết luận cuộc họp, ông Đồng Mạnh Hòa đề nghị hai tỉnh Tiền Giang, Long An phải công bố dịch và nhanh chóng thành lập các chốt kiểm soát tạm thời hoạt động 24/24 giờ. Cụ thể Tiền Giang phải lập trạm tại địa điểm giáp 2 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long; Long An lập trạm tại huyện Bến Lức. Tất cả xe chở gia cầm qua vùng có dịch đều không được ngừng lại. Tiêu hủy toàn bộ số gà, vịt bị bệnh và tiêu độc tất cả khu vực có dịch bằng hóa chất và cơ giới. Riêng các tỉnh chưa có dịch thì lập phương án đề phòng và thông báo khẩn cấp cho các chủ trang trại.
Mặc dù chưa có dấu hiệu dịch, một số tỉnh lân cận với Long An, Tiền Giang đã áp dụng ngay những biện pháp phòng chống. Tại Cần Thơ, hôm qua, tất cả cán bộ lãnh đạo Chi cục Thú y Cần Thơ đã chia nhau xuống các địa bàn Ô Môn, Phụng Hiệp, Châu Thành A, Châu Thành để nắm tình hình và chỉ đạo các biện pháp phòng tránh dịch bệnh trên gia cầm. Tại các chợ trên địa bàn, thịt gà làm sẵn đã giảm hẳn vì lượng gà thịt nhập từ các tỉnh có dịch bệnh đã bị cấm.
Chi cục Thú y thành phố Cần Thơ cũng đã thông báo tình hình dịch bệnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến tận các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn để họ biết và có biện pháp phòng tránh trước mắt. Theo đó, hạn chế việc tham quan, đi lại của những người không có trách nhiệm vào cơ sở chăn nuôi. Gà bệnh chết bán trên thị trường sẽ bị tịch thu, thiêu hủy và người mua bán gà bệnh sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật nếu có hành vi làm dịch bệnh lây lan.
Tại Vĩnh Long, Chi cục trưởng Thú y tỉnh đã tăng cường cán bộ theo sát các huyện, thị, nhất là các địa phương chăn nuôi nhiều gia cầm, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Cũng theo bà Dung, cho đến chiều 7/1, trên địa bàn chưa phát hiện trường hợp dịch bệnh gia cầm.
Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre đã có thông báo đến các huyện thị của tỉnh về tình hình dịch bệnh gia cầm, đồng thời tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa gà thịt nhập vào tỉnh 24/24 giờ. Trong 3 ngày qua, đơn vị này đã ngăn chặn được nhiều phương tiện chở số lượng lớn gà thịt và gà làm sẵn nhập vào tỉnh qua cửa ngõ bến phà Rạch Miễu, Tân Thạch không có giấy chứng nhận của cơ quan kiểm dịch.
(Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong)