![]() |
Một số công ty thức ăn gia súc có nguy cơ đóng cửa vì dịch cúm. Ảnh: Anh Tuấn. |
"2 tháng trước Tết, thức ăn dành cho lợn đã rất khó bán. Nay lại đến thức ăn cho gia cầm. Chúng tôi chỉ còn nước ngồi chờ mà thôi", ông Long than thở. Ông cho biết, cách đây hơn 2 tháng, giá thịt lợn giảm mạnh (xuống còn 8.000 đồng/kg hơi), nhiều bà con quyết định ngừng nuôi. Đến nay, khi giá đã nhích lên cao (9.000 đồng/kg), tổng đàn lợn lại giảm. "Giá thịt lợn sẽ tiếp tục chiều hướng tăng cao trong thời gian tới, vì lúc đó các sản phẩm thay thế thịt gà sẽ khan dần. Bà con chăn nuôi phấn khởi. Nhưng chúng tôi cũng không thể tăng được số lượng bán ra vì người ta đã thịt nhiều lợn rồi, nhu cầu thức ăn sẽ giảm", ông nói thêm.
Mỗi tháng, công ty của ông Long cung ứng vài trăm tấn thức ăn gia súc cho thị trường phía Bắc, đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, 1/4 trong số đó là thức ăn cho gà, vịt, ngan và cút. Ngoài những thiệt hại do không bán được hàng, ông lo ngại có nguy cơ không thu hồi được tiền của những lô hàng đã xuất trước đây. "Gà chết, bà con lấy đâu tiền mà trả cho đại lý thức ăn chăn nuôi. Tôi cũng chẳng biết là công ty có lấy lại được số tiền đó nữa hay không", ông lo lắng.
Hầu hết các đơn vị chế biến, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong nước đều lâm vào tình cảnh tương tự như công ty của ông Long. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại đối với các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài còn lớn hơn nhiều. Điển hình như CP, một tập đoàn của Thái Lan, hiện đang chiếm tới gần 40% thị phần thức ăn gia súc tại Việt Nam.
"Chúng tôi đã lỗ trong cả năm 2003. Nay lại gặp dịch bệnh, khó khăn càng lớn hơn", một cán bộ phòng kinh doanh của công ty tâm sự. Tuy nhiên, nỗi lo của doanh nhân người Thái Lan này không chỉ dừng lại ở chuyện làm ăn thua lỗ. Ông lo lắng cho những người nông dân nuôi gà sau khi phải diệt hết đàn, ngại cho những người trồng ngô, khoai, sắn, khi gà chết sẽ bán sản phẩm cho ai. Mức đền bù mà Chính phủ đưa ra hiện nay, theo ông, chỉ có thể giúp đỡ được một phần khó khăn của các chủ trang trại. Ông cho biết, ở bên Thái Lan, nhà nước hỗ trợ cho mỗi con gà thịt khoảng 0,5 USD, gà đẻ 1 USD và miễn lãi suất ngân hàng cho các chủ trang trại. Do Cục Thú y Thái Lan thiếu người, quân đội cũng được huy động cùng tham gia chống dịch.
Thức ăn gia cầm cũng chiếm hơn một nửa sản lượng của Công ty cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Pháp Việt (Proconco). Giám đốc Hồng Chương cho biết, hiện vẫn chưa thống kê được thiệt hại kể từ khi dịch cúm xảy ra. "Doanh số vào thời điểm sát Tết còn tăng mạnh, bởi lúc đó bà con mua thức ăn tích trữ cho cả tuần. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng tăng ảo. Thời gian tới chắc chắn sẽ khó khăn", ông nói.
Trung bình mỗi tháng, thị trường miền Bắc tiêu thụ khoảng vài nghìn tấn thức ăn gia cầm của Proconco. Theo ông Chương, dịch cúm diễn ra đúng vào mùa thấp điểm của ngành chăn nuôi nên mức độ tác động đối với các công ty chế biến thức ăn gia súc đỡ hơn. Thường thì sau Tết, gà lợn bị thịt hết nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi giảm sút chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với bình thường.
"Tuy nhiên, nếu dịch cúm tiếp tục kéo dài, mối nguy hiểm không chỉ xảy ra đối với riêng công ty mà cho toàn xã hội. Đặc biệt, nếu không dập được dịch, có nguy cơ sẽ không còn gà bố mẹ, mất nguồn kế cận cho đàn gà giống trong tương lai", ông Chương lo lắng. Ông cho biết, hiện Proconco phải chi phí thêm cho các trại chăn nuôi, là khách hàng lớn của công ty. "Chúng tôi cung cấp thuốc tiệt trùng, cử nhân viên thú y xuống tận nơi để giúp phòng chống dịch bệnh. Những chi phí như vậy, với một đơn vị kinh doanh là khá lớn", ông nói.
Song Linh