Giáp Tết là thời điểm buôn bán gia cầm tăng cao. |
Tại Bạc Liêu, ngày 4/12, cúm gia cầm tấn công đàn gà 160 con ở xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, làm 110 con chết. Trong các ngày 5-10/12, tại thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, dịch cúm cũng tiêu diệt 1.500 con vịt. Ngay sau khi cả đàn vịt gồm 1.900 con bị tiêu hủy thì ngày 14/12, dịch lại xảy ra trên đàn chim cút 3.000 con ở xã Kiến Bình, huyện Tân Thành làm chết 2.200 con. Ở các tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang, Bình Phước và thành phố Cần Thơ, dịch cúm gia cầm đã tái phát trên đàn gà, vịt, ngan, ngỗng.
Ông Quang Anh cho hay, ngay sau khi phát hiện ổ dịch, lực lượng thú y địa phương đã tiêu hủy cả đàn gia cầm, thực hiện tiêu độc, khử trùng tại cơ sở chăn nuôi, không để lây lan. Tuy nhiên, Cục trưởng Thú y cũng không giấu được lo lắng, ông nói: "Tình hình dịch bệnh trong tháng 12 tăng gấp nhiều lần so với tháng 11 và đang có nguy cơ phát sinh, lây lan, đặc biệt là thời gian từ nay đến Tết Nguyên Đán. Nếu các bộ, ngành và địa phương không kịp thời triển khai biện pháp phòng chống một cách quyết liệt, hiệu quả thì rất có thể dịch sẽ lây lan trên diện rộng".
Trước nguy cơ dịch lây lan, sáng nay tại Hà Tây, Cục Thú y khẩn cấp tổ chức hội nghị tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm khu vực phía bắc. Lãnh đạo các tỉnh đều lo lắng sẽ lặp lại đợt dịch như năm ngoái. Xét về khách quan, virus cúm tồn tại khắp nơi, trong thiên nhiên, trong dã cầm, thủy cầm nên rất khó để tiêu diệt bệnh triệt để. Nhiệt độ tháng 12 xuống thấp là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển. Đây cũng là thời điểm cận Tết, việc vận chuyển, lưu thông gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng mạnh.
Về chủ quan, theo lời ông Chu Văn Thưởng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tây, lực lượng thú y của Hà Tây nói riêng và cả nước nói chung đều thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn và nghèo nàn về trang thiết bị. Có tỉnh toàn bộ lực lượng thú y chỉ 30 người. Ông Thưởng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có văn bản hướng dẫn các tỉnh đầu tư cơ sở vật chất để phòng chống dịch. Trong đó phải nói rõ cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị những gì.
Đại diện các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hoá cho rằng Cục Thú y cần tham mưu cho Bộ ban hành hướng dẫn xử lý gia cầm nghi cúm hoặc bị chết hàng loạt. Hiện nay, nếu gia cầm xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus H5, đa số tỉnh cho tiêu hủy. Tuy nhiên, việc này lại trái với quy định của ngành thú y (phải phân lập được virus H5N1 mới tiêu huỷ) nên bị người dân phản đối. "Đàn gà, vịt đang chết dần, nếu chờ 5-10 ngày sau có kết quả xét nghiệm chính thức và khi ấy mới quyết định tiêu hủy thì quá muộn. Dịch đã phát tán rộng, gây thiệt hại nặng nề hơn", ông Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, nói.
Ngoài ra, lãnh đạo các tỉnh cũng đề nghị Bộ yêu cầu một số ngành hải quan, quản lý thị trường, biên phòng phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát, ngăn chặn gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam. Hiện nay, tại chợ gia cầm đầu mối thôn Hà Vĩ, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, ngành thú y phát hiện nhiều gia cầm Trung Quốc, song một mình tỉnh thì không thể ngăn chặn hết. "Chúng tôi không thể đứng ra ngăn sông, cấm chợ được", một lãnh đạo tỉnh phàn nàn.
Trước kiến nghị của các tỉnh, Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh ghi nhận sẽ tham khảo ý kiến của Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xử lý gia cầm nghi cúm; kiến nghị với các ngành liên quan trong việc kiểm soát vận chuyển gia cầm qua biên giới. Về phía ngành, ông Bùi Quang Anh chỉ đạo ngay tuần sau, các tỉnh phía bắc phải phun thuốc tiêu độc, xử lý môi trường; tăng cường các biện pháp tuyên truyền bởi sau một thời gian dịch tạm lắng, nhiều địa phương và ngay cả người dân có tâm lý chủ quan.
Ngày 21/12, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã ra công điện yêu cầu 64 tỉnh thành triển khai ngay 6 biện pháp: 1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho mọi người hiểu biết về cúm gia cầm để chủ động phòng, chống dịch và khi phát hiện phải báo cáo ngay chính quyền địa phương , thú y sở tại. Việc thông tin về tình hình dịch bệnh phải kịp thời, tránh gây hoang mang trong nhân dân, làm ảnh hưởng tới giá cả thị trường, lợi ích chính đáng của người chăn nuôi. 2- Các tỉnh, thành phố tổ chức ngay cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, phân công địa bàn phụ trách của các thành viên ban chỉ đạo, đồng thời tổ chức đoàn công tác tổ chức kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, ấp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp bệnh; ngăn chặn có hiệu quả việc bán chạy gia cầm nhiễm bệnh; tăng cường tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, chú trọng những nơi có ổ dịch cũ, nơi chôn huỷ gia cầm trước đây. 3- Tăng cường theo dõi dịch tễ, kiểm soát vận chuyển gia cầm trong nước cũng như ở biên giới, kiểm soát giết mổ gia cầm ở các thành phố, thị xã. Cơ quan thú y các cấp triển khai ngay việc lấy mẫu xét nghiệm để xác định sự lưu hành virus, xử lý các trường hợp dương tính huyết thanh và phân lập được virus trên đàn vịt theo hướng dẫn của Cục Thú y. 4- Những tỉnh có chăn nuôi vịt, UBND các tỉnh chỉ đạo nuôi nhốt, không được lùa vịt từ nơi này sang nơi khác, ít nhất trong thời gian đến hết Tết Nguyên đán; áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn sinh học theo hướng dẫn của thú y; có hình thức xử phạt nghiêm khắc nếu cố tình vi phạm các quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 5- Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y, xác định những địa phương, cơ sở chăn nuôi không nhiễm bệnh cúm gia cầm; cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện buôn bán lưu thông gia cầm, sản phẩm gia cầm, nhưng vẫn đảm bảo không để dịch cúm lây lan. 6- Chủ động phòng bệnh cho người bằng cách trang bị đầy đủ bảo hộ lao động; sử dụng thuốc phòng bệnh cho người, đặc biệt là những người có tiếp xúc với gia cầm theo hướng dẫn của ngành y tế. Tuyệt đối không mổ thịt gà bệnh, không ăn sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến thích hợp nhằm tiêu diệt virus H5N1. |
Như Trang