![]() |
Những bệnh nhân nghi mắc cúm A tại bệnh viện Nhiệt đới. |
Theo ông Quang Anh, các tỉnh phía Bắc phát hiện và dập dịch sớm nên cúm gà được khoanh vùng trong những ổ dịch nhỏ. Tuy nhiên, việc vận chuyển gia cầm chưa được kiểm soát triệt để khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Trước Tết, các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng còn tuyên bố an toàn thì tới 27/1 đã bị đưa vào danh sách vùng dịch. Trước tình hình trên, Cục Thú y chiều 26/1 đã có công điện đề nghị chính quyền các tỉnh phía Bắc huy động mọi lực lượng, kể cả quân đội, công an để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý gia cầm, sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh vận chuyển vào và ra khỏi địa phương.
Đánh giá về tình hình vận chuyển gia cầm trên toàn quốc, ông Quang Anh nói: "Tổng số gà bị tiêu hủy chỉ chiếm 80% tổng số gà trong vùng dịch, 20% còn lại đã và đang được người dân bán chạy. Tình hình này khiến dịch có thể còn lan rộng nữa".
Ngày 26/1, Ban Chỉ đạo chống dịch trung ương đã họp với các chuyên gia virus. Các nhà khoa học thống nhất chưa sử dụng vacxin vì có thể tạo điều kiện thuận lợi cho virus H5N1 biến chủng thành loại nguy hiểm hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng không thể chỉ khoanh vùng dịch trong bán kính 1-3 km từ ổ dịch mà phải căn cứ vào vị trí địa lý (sông suối, kênh mương, ao hồ...) để xác định chính xác hơn những khu vực có nguy cơ.
Khoảng 15.000 người đang được huy động tham gia tiêu hủy gia cầm vùng dịch. Cơ quan thú y đang rất thiếu thiết bị bảo hộ như khẩu trang, kính mắt, quần áo, găng tay... Một quan chức Cục Thú y nhận xét nhiều cán bộ chống dịch chưa ý thức đầy đủ về nguy cơ lây nhiễm bệnh từ gà. |
Cục Thú y đã cử một đoàn chuyên gia tới Vĩnh Long, nơi trước đó có tin lợn chết vì cúm gà, song đoàn công tác này không phát hiện con lợn nào nhiễm H5N1. Trong các mẫu bệnh phẩm gia súc ở các địa phương khác được gửi đi xét nghiệm ở Mỹ cũng không tìm thấy virus này. "Nhiều khả năng virus cúm từ gà đã trực tiếp lây sang người. Đây chỉ là giả thiết vì thực tế nhiều người tiếp xúc với gà bệnh mà vẫn không mắc cúm H5N1", ông Anh nói.
Đồng tình với quan điểm trên, bác sĩ Peter Horby, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, H5N1 có thể lây nhiễm trực tiếp từ gà sang người. Tuy chưa xác định được cách thức lây nhiễm, nhưng ông cho rằng, dịch cúm ở gia cầm càng kéo dài thì virus càng có thời gian để biến đổi và lây nhiễm sang người. "Số người nhiễm H5N1 tăng dẫn tới nguy cơ virus này kết hợp với virus cúm khác ở người thành một chủng mới có khả năng lây từ người sang người cũng cao hơn", ông giải thích.
Hôm qua, trong cuộc gặp Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến và Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, tiến sĩ Shigeru Omi, giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã kiến nghị Việt Nam mạnh tay hơn trong xử lý gia cầm vùng dịch và cần lưu ý tới các nguồn nước bởi đây có thể là đường truyền dịch từ vùng này sang vùng khác.
Sáng nay, Ban chỉ đạo chống dịch liên Bộ sẽ được thành lập. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm có thể trực tiếp chỉ đạo hoạt động của ban. |
Trao đổi với VnExpress, ông Omi nhận xét Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực chống cúm gà, tuy nhiên cần kiên quyết hơn nữa để đạt được mức tiêu hủy 100% số gà trong vùng dịch. "Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể. Việt Nam có thể làm tốt hơn những gì đang làm", ông Omi nói.
Chiều nay, WHO sẽ có cuộc họp với đại diện các quốc gia châu Á tại Bangkok để bàn về các biện pháp phòng chống dịch cúm gà. WHO cho rằng các nước ASEAN sẽ ngăn chặn được dịch bệnh nếu thống nhất được các hành động cụ thể. Cúm gà đang hoành hành ở 5 quốc gia châu Á: Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Việt Nam, trong đó chỉ ở Việt Nam mới có virus H5N1. Lào, Pakistan, Indonesia... mới chỉ dừng ở mức nghi vấn.
Việt Anh - Thiên Đức