Qua hết đợt bùng dịch này đến đợt bùng dịch khác, các nhân viên y tế tại bệnh viện Covenant HealthCare ở Saginaw, Michigan, đã phải bất đắc dĩ giúp những bệnh nhân ốm yếu nói lời vĩnh biệt người thân của họ qua các cuộc gọi video. Họ đã không ít lần khóc òa giữa những dãy hành lang tối tăm. Họ từng vui mừng khi chứng kiến số ca nhập viện giảm, nhưng thất vọng ngay sau đó khi giường bệnh đầy trở lại. Hầu hết họ đã học được cách đối diện với điều tồi tệ nhất.
"Khi trở lại làm việc vào hôm sau, câu hỏi đầu tiên của bạn là ai đã chết", Bridget Klingenberg, một y tá chăm sóc tích cực tại bệnh viện Covenant, cho hay. Tình hình của đội ngũ nhân viên y tế tại Covenant căng thẳng đến mức Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây phải điều lực lượng quân y tới chi viện.
Biến chủng Omicron xuất hiện vào thời điểm hệ thống y tế Mỹ đang ở ngưỡng quá tải, đặc biệt là ở vùng Trung Tây và Đông Bắc, nơi có tỷ lệ ca nhiễm cao nhất nước và các y bác sĩ hiện vẫn phải chật vật chiến đấu với biến chủng Delta. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn Delta, nhưng giới chức vẫn lo ngại biến chủng mới có thể khiến hệ thống y tế chạm ngưỡng sụp đổ.
Khoảng 1.300 người Mỹ chết vì Covid-19 mỗi ngày. Tỷ lệ ca nhiễm, tử vong và nhập viện trên toàn quốc vẫn thấp hơn nhiều so với hồi mùa đông năm ngoái, trước khi vaccine được bao phủ. Nhưng số xét nghiệm dương tính gần đây ngày càng tăng.
Bang New York đã báo cáo hơn 21.000 ca nhiễm vào ngày 17/12, nhiều nhất từ trước tới nay. Tại Connecticut và Maine, số ca nhiễm mới đã tăng khoảng 150% trong hai tuần qua. Ở Ohio và Indiana, tỷ lệ nhập viện sắp bằng mùa đông năm 2020, khi Covid-19 bùng phát mạnh mẽ.
"Sống trong tình trạng khủng hoảng liên tục suốt hơn 20 tháng là điều quá sức", tiến sĩ Matthew Deibel, giám đốc y tế phụ trách chăm sóc cấp cứu tại bệnh viện Covenant, cho biết. Tại đây, bệnh nhân đôi khi phải đợi hàng giờ vì thiếu giường và nhân viên.
Trong bối cảnh ca nhập viện do Covid-19 đã tăng 20% trên toàn quốc hai tuần qua, lên 68.000 người, các y bác sĩ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo và thúc giục mọi người nhanh chóng đi tiêm chủng.
Tuần trước, biến chủng Omicron chiếm 2,9% các ca nhiễm trên toàn quốc, tăng so với 0,4% của tuần trước, theo ước tính từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC). Trên khắp New York, New Jersey, Puerto Rico và quần đảo Virgin thuộc Mỹ, giới chức y tế ước tính số ca nhiễm Omicron chiếm tới 13,1% số ca nhiễm mới.
Tại Minnesota, một số bệnh viện đã thông báo rằng nhân viên đang xuống tinh thần và "khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng" bởi đại dịch. Tại Rhode Island, Thống đốc Dan McKee đã viết một lá thư cho các quan chức liên bang yêu cầu hỗ trợ nhân lực, lưu ý rằng "khoa cấp cứu của các bệnh viện đang phải hoạt động hết công suất".
Tình hình đặc biệt đáng lo ngại ở Michigan, nơi có tỷ lệ nhập viện do Covid-19 cao nhất nước. Khoảng 4.700 bệnh nhân trên toàn bang tuần qua đã phải nhập viện, nhiều hơn con số được ghi nhận trong ba làn sóng trước đó. Dù số ca nhiễm hàng ngày đã giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục trước Lễ Tạ ơn, hơn 6.500 người dân ở Michigan vẫn tiếp tục xét nghiệm dương tính với virus mỗi ngày.
Bệnh viện Covenant đang điều trị ít bệnh nhân Covid-19 hơn mùa đông năm ngoái, nhưng số lượng nhân viên hạn chế và sự trở lại của những bệnh nhân đã phải trì hoãn điều trị các bệnh khác trong đại dịch đã khiến nguồn lực bị phân tán.
Ở Saginaw, các y bác sĩ cho hay họ đang phải căng mình chống chọi vì dịch bệnh không ngừng ập tới. Nhiều người mệt mỏi đến mức sinh nóng nảy, căng thẳng và thất vọng với những người từ chối tiêm chủng.
Xung quanh Saginaw, thành phố với khoảng 44.000 dân, cách Detroit 90 phút lái xe về phía bắc, các y bác sĩ cho biết đôi khi họ cảm thấy hàng xóm của mình đã không còn cảnh giác với đại dịch. Rất ít người sử dụng khẩu trang. Các sự kiện lớn đã được nối lại. Tại hạt Saginaw, khoảng 50% người dân đã tiêm đủ phác đồ. Tỷ lệ này dưới mức trung bình của Michigan, thấp hơn tỷ lệ bao phủ vaccine toàn quốc là 61%.
Nhiều y tá, bác sĩ tại khoa chăm sóc bệnh nhân Covid-19 bệnh viện Covenant cho hay nếu người dân chứng kiến những gì nhân viên ở đây trải qua mỗi ngày, họ sẽ hành động khác.
"Nếu bạn không làm việc cùng chúng tôi để chứng kiến sức tàn phá thực sự của virus và những gì nó gây ra đối với cơ thể con người, thì làm sao bạn có thể đánh giá được nó?" nhà trị liệu hô hấp Jamie Vinson-Hunter nói.
Gần một năm trước, bác sĩ và y tá tại các bệnh viện là những người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19. Đối với nhiều người trong số họ, đây là khoảnh khắc lạc quan khi niềm hy vọng đánh bại đại dịch được nhen nhóm. Hồi tháng 6, bệnh viện Covenant có ngày không ghi nhận bất kỳ bệnh nhân Covid-19 nào.
Nhưng từ đó đến nay, bức tranh dịch bệnh xấu đi nhanh chóng. Khả năng miễn dịch từ những đợt tiêm vaccine đầu tiên có thể đang suy yếu. Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ghi nhận gần đây từ các viện dưỡng lão cho thấy tỷ lệ ca nhiễm ở những người đã tiêm chủng đầy đủ nhưng chưa tiêm tăng cường đang tăng mạnh.
Để xem mọi thứ tệ đến đâu ở Saginaw, mọi người chỉ cần dành một ngày ở tầng 7 bệnh viện Covenant. Giữa hành lang hẹp với trần nhà thấp, các y tá liên tục ra vào phòng bệnh. Tiếng bíp bíp của máy móc là âm thanh chủ đạo. Nhiều bệnh nhân được dùng thuốc an thần và thở máy, không thể nói chuyện với bác sĩ. Ở những người khác, nét hoang mang, bối rối hiện rõ trên khuôn mặt.
"Căn bệnh này khiến người ta suy sụp. Đôi khi tôi còn không thể nhìn thấy ánh sáng trong mắt bệnh nhân của mình", bác sĩ Amjad Nader tại khoa chăm sóc bệnh nhân Cvodi-19 bệnh viện Covenant, cho biết.
Nhiều điều dưỡng tại đây đã trở thành chuyên gia virus. Họ vui mừng khi nhìn thấy bệnh nhân có thể gọi cho người nhà mà không cần máy thở sau hàng tuần liền điều trị. Họ than thở vì thất vọng khi thiếu thuốc điều trị. Họ đau buồn mỗi khi mất một bệnh nhân nào đó.
Y tá Klingenberg tình nguyện nhận việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 kể từ khi dịch mới bùng phát, khước từ cơ hội nhận các nhiệm vụ khác.
"Hầu hết là vì các đồng nghiệp của tôi", cô nói. "Tôi không muốn trút lại công việc cho họ. Cuối cùng vẫn phải có người làm việc này và chúng tôi là những người chọn làm điều đó".
Nhưng đại dịch không buông tha Klingenberg. Người nhà cô đã xét nghiệm dương tính. Hồi đầu năm, khi Klingenberg mang thai được 26 tuần, cô cũng nhiễm virus.
Không giống như hầu hết phụ nữ ở độ tuổi ngoài 20 mắc bệnh, tình trạng của Klingenberg chuyển biến nghiêm trọng và cô phải điều trị tại Bệnh viện Đại học Michigan. Cô từng có nguy cơ phải đặt nội khí quản. Nhưng sau khoảng một tuần, sức khỏe Klingenberg bắt đầu cải thiện. Cô có thể về nhà. Em bé vẫn khỏe mạnh và không bị sinh sớm.
Nỗi sợ và những trải nghiệm khi nhiễm nCoV khiến cô hiểu bệnh nhân hơn.
"Họ có lúc cảm thấy ngột ngạt, bí bách, căng thẳng bởi những thứ máy móc này gắn chặt vào người họ, không thể tháo ra, giúp đẩy không khí vào phổi họ", Klingenberg nói. "Phản ứng tự nhiên của cơ thể là chống lại điều đó. Vì vậy, tôi phải trấn an họ, giúp họ bình tĩnh, nói với họ rằng 'Tôi hiểu cảm giác này. Tôi biết chính xác những gì bạn đang trải qua'".
Nhưng cũng có lúc, Klingenberg cảm thấy không thể chịu nổi.
"Đôi khi tôi có những hồi tưởng. Tôi vẫn đang hồi phục sau lần suýt chết đó. Rồi tôi quay trở lại đối mặt với Covid mỗi ngày. Đó là lựa chọn của tôi nhưng thực sự vẫn hơi đáng sợ", cô chia sẻ.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)