Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết điều trị Covid-19 vào cuối tháng 11, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói với diễn biến dịch bệnh hiện nay, tiêu chí đánh giá số ca nhiễm mới trên 100.000 dân một tuần không còn quá quan trọng. Xu hướng hiện nay là tập trung dựa vào tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương để đánh giá tình hình dịch bệnh.
Ở cấp độ địa phương, các tỉnh thành đơn cử như Hà Nội cũng đã chuyển đổi từ quản lý không Covid (zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.
Trao đổi với VnExpress về vấn đề nêu trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, nhìn nhận "đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh và chỉ nên cập nhật số ca bệnh nặng, tử vong".
Theo ông Khanh, ngoài việc bao phủ vaccine đạt tỷ lệ cao, Việt Nam đang thực hiện chủ trương thích ứng an toàn với Covid-19. Vì vậy, việc đếm số ca nhiễm mới hằng ngày "không còn có quá nhiều ý nghĩa quan trọng". Ngành y tế và các địa phương nên phân loại bệnh nhân nặng và tử vong theo các nhóm đã tiêm vaccine, chưa tiêm vaccine, có bệnh nền, nhập viện điều trị muộn.
"Khi chuyển từ zero Covid sang thích ứng an toàn, mục tiêu giảm lây lan dịch bệnh vẫn cần thiết, nhưng không quan trọng bằng giảm tử vong và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Trên thế giới, nhiều nước đã thay đổi mục tiêu chống dịch theo hướng Covid-19 được coi là bệnh đặc hữu", ông Khanh nói.
Ông dẫn chứng, từ 7/12, Singapore đã dừng cập nhật tình hình dịch bệnh hằng ngày cho truyền thông, với hàm ý được nhiều chuyên gia cho rằng nước này đã chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Việt Nam có thể tham khảo mô hình này để điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh.
Đồng thời, ông Khanh cũng đề xuất không cần thiết phải cách ly F1 tại nhà hoặc tập trung. "Khi tập trung mục tiêu vào giảm ca bệnh nặng và tử vong, ngành y tế sẽ đánh giá được chính xác về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Đồng thời, nhóm dân số dễ bị tổn thương sẽ được các địa phương quan tâm đúng mức hơn. Người chuyển nặng có thể tiếp cận y tế sớm hơn", ông Khanh nêu quan điểm.
Đồng tình với đề xuất trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nói thêm những ngày gần đây số ca nhiễm trên cả nước tăng cao, nhưng phân tích ở các địa phương đã bao phủ vaccine cho thấy số ca nhiễm mỗi ngày không còn phản ánh đúng tình hình và mức độ của dịch bệnh nữa. Chẳng hạn ở Hà Nội, số ca nhiễm được ngành y tế dự báo có thể lên đến 1.000 ca mỗi ngày, song địa phương vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân nặng của thành phố khoảng 1,2%, tỷ lệ tử vong 0,34% (từ 27/4 đến nay số tử vong ở Hà Nội là 52).
Ngoài ra, theo ông Nga, không nên coi F0 nhẹ và không triệu chứng là bệnh nhân. "Chúng ta đã cho F0 nhẹ cách ly ở nhà, hiện nay chỉ cần quan tâm đến số ca nặng và tử vong, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm 5K", ông Nga nói, cho rằng khi chỉ tập trung vào ca bệnh nặng và tử vong, ngành y tế sẽ được giảm tải, vì không phải xét nghiệm diện rộng, không phải tốn nhân lực truy vết, cách ly F1...
Tuy nhiên, ở góc nhìn thận trọng hơn, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng ý tưởng đánh giá cấp độ dịch bệnh dựa trên số ca nặng và tử vong "là rất tiến bộ, nhưng còn hơi sớm so với tình hình dịch bệnh tại Việt Nam".
"Khống chế số ca tử vong là mục tiêu cuối cùng của chống Covid-19. Nhưng nếu không khống chế được số lượng F0, đến khi tăng nhiều quá, dẫn đến những trường hợp cần tiếp cận y tế sẽ không được đáp ứng kịp thời", ông Dũng nói và cho rằng số lượng F0 hằng ngày "vẫn là chỉ báo quan trọng về tình hình dịch bệnh".
Cụ thể, số lượng F0 cho thấy mức độ lây lan của dịch bệnh. Dù F0 tăng cao số ca tử vong có thể chưa tăng, nhưng đó là chỉ dấu cho thấy cần chuẩn bị năng lực y tế để đáp ứng. Những ngày gần đây, cùng với số F0 tăng, số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng ở nhiều địa phương.
Đồng thời, vì F0 phải cách ly, nên số lượng F0 quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, khi virus lây nhiễm diện rộng, sẽ dễ tạo thêm nhiều biến chủng mới. "Sẽ tới lúc Việt Nam chỉ quan tâm đến nhóm tử vong mà không cần đếm số ca nhiễm mỗi ngày. Tuy nhiên, tôi cho rằng thời điểm này chưa thích hợp", ông Dũng nêu quan điểm và đề nghị vẫn giữ nguyên ba tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh như hiện nay (số F0, tỷ lệ tiêm vaccine, năng lực y tế).
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự cố khẩn cấp y tế cộng đồng (Bộ Y tế), cho rằng hiện nay việc thống kê số ca nhiễm vẫn cần thiết để có các biện pháp kiểm soát. Vì vậy, các cơ quan cần tính toán thận trọng việc thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh.
Ông phân tích, nếu không kiểm soát được số ca nhiễm sẽ dẫn đến tỷ lệ F0 tăng nhanh, có thể kéo theo số ca nặng tăng nhanh, khiến ngành y tế quá tải, khó tiếp cận và điều trị kịp thời cho những ca bệnh nặng. Vì vậy, số ca tử vong do Covid-19 có thể khó kiểm soát.
"Muốn kiểm soát được số ca nặng và tử vong thì từng địa phương phải kiểm soát được ca nhiễm", PGS Trần Đắc Phu phân tích.
Để giảm ca bệnh nặng và tử vong, ông Phu cho rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là nâng cao năng lực y tế và tăng tốc bao phủ vaccine. Trải qua hai năm chống dịch, năng lực hệ thống y tế của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng nhìn chung còn khó khăn, nên phải có giải pháp để không quá tải. "Dù số ca nhiễm không triệu chứng và triệu chứng nhẹ nhiều, nhưng nếu hệ thống y tế quá tải thì nguy cơ tử vong vẫn cao", ông cảnh báo.
Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục tăng tốc tiêm chủng, nhất là cho nhóm dân số dễ bị tổn thương, để bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong.
Theo công bố của Bộ Y tế, ngày 10/12, Việt Nam ghi nhận hơn 14.800 ca nhiễm Covid-19; 216 ca tử vong. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 14.487 ca/ngày.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 221 ca/ngày. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 27.402 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm trong nước là 1.376.930, trong đó 1.049.524 ca đã được công bố khỏi bệnh.
Đến hết ngày 10/12, Việt Nam đã tiêm được 131 triệu liều vaccine; tỷ lệ bao phủ mũi một đạt 96% dân số trưởng thành; mũi hai đạt 77% dân số. Nhóm dân số từ 12 - 17 tuổi, đã bao phủ mũi một đạt 57%; 13% tiêm đủ liều.