Ngày 7/5, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, quyết định tái khởi động 14 chốt kiểm dịch Covid-19 ở cửa ngõ kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn và Bắc Giang từ 0h ngày 8/5.
Các chốt đặt tại trạm Km15 quốc lộ 18, TP Móng Cái; trạm thu phí cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; quốc lộ 10 đoạn qua Đá Bạc, từ Uông Bí đi Hải Phòng. Ba chốt tại địa bàn Tiên Yên là ngã ba Yên Than và quốc lộ 4B đường đi Lạng Sơn, quốc lộ 279 đi Bắc Giang thuộc xã Tân Dân, TP Hạ Long.
Riêng thị xã Đông Triều thành lập 8 chốt tại các khu vực giáp với TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn của tỉnh Hải Dương và huyện Thủy Nguyên của Hải Phòng.
Người qua lại chốt phải xuất trình giấy tờ tùy thân, khai báo y tế điện tử. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở Y tế Quảng Ninh hỗ trợ khai báo y tế điện tử đối với tất cả người đến, đi qua chốt kiểm soát; khuyến cáo người dân chủ động khai báo y tế điện tử từ trước để giảm thiểu thời gian qua chốt.
Tỉnh Quảng Ninh cũng tạm dừng các hoạt động vận chuyển khách đường thủy, bến khách ngang sông giữa tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh khác; tăng cường kiểm soát đường mòn, lối mở đi lại giữa các địa phương.
Đối với vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, tỉnh thực hiện giãn cách phương tiện từ 35 chỗ ngồi trở lên, chỉ chở tối đa 20 khách trong một thời điểm. Các loại xe còn lại chở không quá 50% số ghế đăng ký trong một thời điểm.
Trong các làn sóng dịch trước, Quảng Ninh đã lập 14 chốt kiểm soát Covid-19 tại cửa ngõ kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn và Bắc Giang.
Ngày 7/5, Hải Phòng chưa ghi nhận ca nhiễm nào trong đợt dịch này, nhưng Chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện lập thêm 7 chốt tại các cửa ngõ ra vào thành phố bằng đường bộ.
Vị trí các chốt lần lượt là ga Dụ Nghĩa, quốc lộ 5A; Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhánh xuống quốc lộ 10; Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhánh xuống đường 353; Trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhánh xuống đường 356; quốc lộ 17B, gần chợ Ngọ Dương, xã An Hòa, huyện An Dương; ngã ba Quý Cao, giáp huyện Tiên Lãng; quốc lộ 37, khu vực cầu Chanh, huyện Vĩnh Bảo.
Ngoài các chốt liên ngành, UBND thành phố giao các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng thành lập các chốt kiểm soát phòng chống dịch tại các đường mòn, lối mở, bến đò, bến phà tiếp giáp với hai tỉnh Hải Dương và Thái Bình - nơi đang có dịch.
Trước đó ngày 6/5, Hải Phòng lập chốt liên ngành tại khu vực Cầu Nghìn, quốc lộ 10 (giáp ranh huyện Vĩnh Bảo với huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) và một chốt của huyện Vĩnh Bảo tại cầu sông Hóa, giáp với huyện Thái Thụy (Thái Bình).
Lực lượng chức năng ở chốt sẽ kiểm tra y tế đối với người và phương tiện vào TP Hải Phòng theo hướng Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang...
UBND TP Hải Phòng khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách thối thiếu một mét khi tiếp xúc.
Đám cưới, đám hiếu, tiệc liên hoan, tân gia, tổ chức ăn, uống tập thể không được tập trung quá 30 người. Phiên chợ Hàng diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần phải dừng.
Thừa Thiên Huế cũng thiết lập thêm 5 chốt kiểm soát Covid-19 tại thị xã Hương Trà (nằm trên quốc lộ 1A vào TP Huế), cảng hàng không quốc tế Phú Bài, ga Huế, thị xã Hương Thủy (trên quốc lộ 1A vào TP Huế), cao tốc La Sơn - Túy Loan đi qua huyện Nam Đông để kiểm soát người dân từ các tỉnh thành khác vào địa bàn. Trạm giám sát dịch tễ người từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế đặt tại trạm trung chuyển hầm Hải Vân tiếp tục được duy trì.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, quyết định các quán ăn, nhà hàng trên quốc lộ 1A đi qua tỉnh phải dừng hoạt động từ ngày 7/5. Trước đó, tỉnh cũng tạm dừng hoạt động rạp chiếu phim, karaoke, massage, game, khu vui chơi trẻ em... để phòng dịch Covid-19.
Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thừa Thiên Huế đánh giá, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm vào địa phương rất lớn. Ngành y tế được yêu cầu phải truy vết triệt để F1, F2 tiếp xúc gần với ca nhiễm để cách ly tập trung; tổ chức xét nghiệm PCR với tất cả trường hợp nghi ngờ để sàng lọc.
Lực lượng quân đội được yêu cầu chuẩn bị khu cách ly tập trung với cơ sở vật chất có thể chứa được 1.500-2.000 người. Ngành giao thông lên phương án tạm dừng hoạt động các tuyến xe buýt liên tỉnh để phòng dịch khi cần thiết.
Đến nay, Thừa Thiên Huế chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào, song đã truy vết, cách ly tập trung 35 F1 tiếp xúc gần với các ca nhiễm ở Đà Nẵng, Hà Nam. Từ ngày 29/4 đến nay, ngành y tế đã xét nghiệm cho 256 trường hợp, có 184 trường hợp âm tính, 72 trường hợp đang chờ kết quả.